•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam: Cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh”

05/05/2017


Năm xuất bản: 2016

Số trang: 304

Cuốn sách do Nhà nước đặt hàng. Đồng chủ biên là PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương. Sách do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành tháng 12 năm 2016.

Tham gia viết sách có các nhà khoa học: PGS.TS. Nguyễn Như Phát và PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, PGS.TS. Vũ Thư, PGS.TS. Đinh Ngọc Vượng, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh, PGS.TS. Vũ Công Giao, TS. Trần Ngọc Tâm, TS. Lê Mai Thanh, TS. Trần Văn Biên, TS. Phạm Thanh Trà, TS. Phạm Duy Hào và ThS. Chu Thị Thanh An.

 

Cho đến nay, những triệu chứng liên quan tới chất da cam/dioxin vẫn xuất hiện thường xuyên ở Việt Nam. Trẻ em sinh ra từ các gia đình có người bị nhiễm độc (thuộc thế hệ thứ 3) vẫn bị các dị tật có thể kết luận là do ảnh hưởng của dioxin. ở nhiều vùng, tỷ lệ dioxin trong đất vẫn rất cao. Một số nghiên cứu còn cho thấy: dioxin vẫn còn trong đất và các nguồn nước, các hoạt động nông nghiệp trong các vùng bị nhiễm độc cũng có khả năng gây ảnh hưởng lên người. Hàng vạn gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam, nhất là gia đình các quâ nhân đã từng chiến đấu tại chiến trường miền Nam, nơi không quân Hoa Kỳ rải chất độc da cam. Họ có thể ở các vùng quê khác nhau: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Tuyên Quang, Đà Nẵng, An Giang, Bến Tre… nhưng đều có điểm chung là đã từng tham gia chiến đấu tại những nơi mà trước đấy quân đội Hoa Kỳ đã phun rải chất diệt cỏ. những người dân địa phương tại các vùng chiến sự ở miền Nam và cả những người ở các địa phương khác, kể cả các vùng xa xôi nhưng sau ngày miền Nam giải phóng lại di cư đến những vùng bị phun rải chất diệt cỏ cũng bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.

 

Đảng và Nhà nước ta có những chính sách giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, giúp họ chữa bệnh, tạo điều kiện để cuộc sống của họ đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, những nạn nhân chất độc da cam không chỉ cần sự nhân đạo mà cần phải có công lý. Chính vì vậy, các nạm nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã chính thức kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ tại Tòa án quận phía Đông New York từ đầu năm 2004. Vụ kiện đã không mang lại kết quả. Tòa án Hoa Kỳ đã bác đơn kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Trong khi, tại một vụ kiện tương tự trước đó, các công ty hóa chất Hoa Kỳ với sự dàn xếp của tòa án Hoa Kỳ đã phải chấp nhận trợ cấp cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ bị nhiễm chất độc hóa học 180 triệu USD để đổi lấy việc họ rút đơn kiện, và theo đó, đã gián tiếp thừa nhận tác hại của chất độc hóa học đối với các cưu chiến binh này.

 

Cho đến nay, đã hơn 40 năm trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin của Việt Nam vẫn chưa tìm được công lý và sự trợ giúp xứng đáng. Đó là điều hết sức bất công và trở thành gánh nặng trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước và toàn bộ giới nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc yêu cầu Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với hậu quả gây ra do việc sử dụng chất độc hóa học là công việc lâu dài, cần phải được tiến hành từng bước. Về chủ trương của ta đối với việc giải quyết hậu quả của việc Hoa Kỳ sử dụng chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, Bộ Chính trị đã có Thông báo số 69-TB/TW ngày 5/7/2002, trong đó chỉ rõ: “Giải quyết hậu quả chất độc da cam (dioxin) là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay… Do vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này… Cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân… Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân”. Đồng thời, “cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc các nạn nhân, các tổ chức xã hội kiện các tổ chức sản xuất và sử dụng chất độc hóa học; đồng thời chuẩn bị đủ hồ sơ, căn cứ pháp lý, luận cứ khoa học để khi có điều kiện, ta sẽ đặt vấn đề đòi bồi thường ở cấp Nhà nước”. Về lâu dài, cần khẳng định đối tượng đấu tranh của chúng ta chính là Nhà nước Hoa Kỳ - chủ thể đã trực tiếp triển khai việc sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh Việt Nam. Để hỗ trợ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin về các vấn đề pháp lý có liên quan, ngày 01/12/2004, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 958/VPCP-KG thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Khoan: “Bộ Tư pháp chỉ đạo việc nghiên cứu tìm hiểu Luật Hoa Kỳ liên quan đến vụ kiện, theo sát diễn biến vụ kiện để tư vấn cho Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam về mặt pháp lý”.

 

Như vậy, đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam không chỉ vì quyền lợi riêng của họ. Đây còn là cuộc đấu tranh của cả nhân loại để bảo vệ lấy loài người, bảo vệ hành tinh xanh – cái nôi duy nhất trong vũ trụ của loài người. Đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam để thức tỉnh dư luận rộng rãi trong nhân dân các nước, trong các giới khoa học, trong chính giới ở Hoa Kỳ trước thảm họa của dioxin, do vậy, là điều hết sức cần thiết.

 

Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh nghiên cứu tìm kiếm cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ có trách nhiệm đối với hậu quả gây ra cho các nạn nhân Việt Nam do việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam, đem lại công lý và quyền lợi cho hàng triệu nạn nhân da cam ở Việt Nam là hết sức cấp bách. Điều này đòi hỏi các cơ quan nghiên cứu trong lĩnh vực pháp ly đều phải vào cuộc.

 

Kết cấu cuốn sách gồm 03 phần chính:

-        Pháp luật Hoa Kỳ và pháp luật quốc tế về trách nhiệm của Chính phủ và các công ty hóa chất đối với hậu quả do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh

-        Khía cạnh pháp lý và kinh nghiệm về phương pháp giải quyết các yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra

-        Quan điểm, phương án và giải pháp tiếp tục yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả do việc sử dụng chất da cam/dioxin trong chiến tranh gây ra đối với con người và môi trường Việt Nam

 

Biên mục cuốn sách trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia:

Trách nhiệm về hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam: Cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh / Nguyễn Như Phát. Nguyễn Thị Việt Hương (ch.b.), Vũ Thư… - H. : Khoa học xã hội, 2016. – 304tr. ; 24tr.

ĐTTS ghi: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Nhà nước và Pháp luật

 

Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!