04/04/2022
Lao động di cư nội địa là hiện tượng đã và đang diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Cùng với sự phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại tập trung ở các thành thị, tỷ lệ người lao động di cư nội địa có xu hướng ngày càng gia tăng.
Lao động di cư nội địa không đơn thuần là sự dịch chuyển dân số, phân bố lại dân cư ở địa phương trong nước mà là quá trình tổ chức lại môi trường sống của con người và vì thế làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Nếu quá trình tổ chức lại môi trường sống cho những lao động này được thực hiện tốt với các công cụ quản lý và hỗ trợ phù hợp sẽ tạo cơ hội để lao động di cư nội địa tìm kiếm những cơ hội mới, thoát nghèo và thay đổi cuộc sống, từ đó có đóng góp vào sự phát triển bền vững của công đồng và quốc gia. Nhận thức rõ được điều này nên các quốc gia đã ban hành nhiều chính sách, quy định pháp luật điều chỉnh đối với lao động di cư nội địa, trong đó đặc biệt chú trọng các bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của loại hình lao động này.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm bảo vệ quyền của người lao động, trong đó có quyền của lao động di cư nội địa. Thông qua hệ thống chính sách, pháp luật, Nhà nước ghi nhận đầy đủ các quyền của lao động di cư nội địa, tổ chức bộ máy thực hiện đồng thời triển khai các cơ chế để bảo vệ quyền của lao động di cư nội địa phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của các quan hệ kinh tế - xã hội, số lượng ngày càng lớn cũng như nhu cầu ngày càng đa dạng của lao động di cư nội địa đã dẫn đến một số quy định của pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam lạc hậu và không còn phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, thực tế thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền của lao động di cư nội địa vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhóm người lao động di cư nội địa làm việc ở khu vực phi chính thức còn gặp một số rào cản khi thực hiện các quyền lao động (việc làm, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động, quyền lợi khi bị tai nạn lao động,…), các quyền an sinh xã hội (tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản – giáo dục, y tế, nước sạch, nhà ở). Điều đó đã làm ảnh hưởng không ít đến quyền con người nói chung, quyền lao động, quyền an sinh xã hội và các quyền nhân thân khác của lao động di cư nội địa nói riêng.
Nội dung cuốn sách cung cấp hệ thống các kiến thức về cơ sở lý luận bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa; thực trạng bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam; phương hướng và giải pháp hoàn thiện bảo đảm pháp lý thực hiện quyền của lao động di cư nội địa ở Việt Nam hiện nay.
Mặc dù các tác giả đã nỗ lực trong việc hoàn thiện song nội dung cuốn sách khó tránh khỏi thiếu sót. Các tác giả mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc.