04/01/2019
Hòa giải là biểu hiện nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Về bản chất, hòa giải nhằm giữ gìn tình làng, nghĩa xóm; tăng cường tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng; kịp thời giải quyết những xích mích, mâu thuẫn ở cơ sở; ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật; góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giảm bớt vụ việc phải đưa lên Tòa án nhân dân hoặc UBND các cấp giải quyết; tiết kiệm thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân.
Với ý nghĩa cao đẹp và vai trò quan trọng nên công tác hòa giải luôn được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm động viên, khuyến khích, nhân dân đồng tình ủng hộ. Sự ghi nhận tại Điều 127 Hiến pháp năm 1992: “Ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật” và được khẳng định trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài” là minh chứng cho sự tồn tài và phát triển tất yếu của công tác hòa giải nói chung và hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng. Thể chế hóa quy định trên của Hiến pháp, trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành Luật Hòa giải cơ sở và Luật Đất đai năm 2013. Đây là hai văn bản nền tảng quy định về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay. Tuy nhiên, hòa giải tranh chấp đất đai vẫn quy định còn chung chung, nhiều khi áp dụng chỉ mang tính hình thức và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Quy định pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay còn nhiều hạn chế nhất định cần phải tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thực tế như: trình tự, thủ tục, thành phần tham gia hòa giải ở cơ sở, ở UBND cấp xã; hiệu lực thi hành các văn bản công nhận hòa giải thành; quy trình tố tụng hòa giải ở tòa án;…
Nhằm cung cấp tài liệu nghiên cứu, tham khảo cho các nhà nghiên cứu, các giảng viên, sinh viên và những độc giả có nhu cầu tìm hiểu nội dung về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai, Nhà xuất bản Lao động xuất bản cuốn sách chuyên khảo này do TS. Phạm Thị Hương Lan biên soạn với mong muốn đem đến cho độc giả cơ sở lý luận và thực tiễn thực hiện công tác hòa giải nói chung và hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng ở nước ta hiện nay.
Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!