•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Giới thiệu sách “Pháp luật về bảo trợ xã hội ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

09/12/2019


Năm xuất bản: 2019

Số trang: 242

Tác giả cuốn sách là TS. Hoàng Kim Khuyên, nghiên cứu viên chính Phòng Quyền con người và Luật về các vấn đề xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật. Sách do Nhà xuất bản Tư pháp ấn hành năm 2019.

 

Hiện nay, bảo trợ xã hội (BTXH) là một thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên trong các diễn đàn, chương trình nghị sự của nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Châu Á (ADB)… và trong các chương trình phát triển của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời của BTXH đó là đảm bảo sự an toàn, an ninh về quyền của mỗi cá nhân trong xã hội. Chính vì thế, theo “Báo cáo Bảo trợ Xã hội Thế giới 2014/15: Phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện và công bằng xã hội” do ILO đưa ra thì chỉ có 27% dân số thế giới được tiếp cận đầy đủ với BTXH. Có lẽ, chính toàn cầu hoá đã dẫn đến sự gia tăng tính dễ bị tổn thương, phá vỡ các hệ thống đoàn kết truyền thống và tạo ra sự phân cực xã hội, hệ lụy là một số lớn lao động giản đơn, không chính thức và lao động nhập cư không được tiếp cận với các dịch vụ bảo trợ liên quan đến việc làm hoặc bất kỳ hình thức BTXH thực sự nào.

 

Ở Việt Nam, chính sách, pháp luật về BTXH được đặt ra từ khá lâu, được thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng. Chính vì thế, để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng trong các văn kiện thì Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người nói chung và quyền BTXH nói riêng. Trong nhiều thập kỷ, BTXH phần lớn chỉ giới hạn trong các chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các nhóm thiệt thòi trong xã hội. Do đó, về cơ bản, BTXH được thiết kế như một mạng lưới an toàn nhằm giảm thiểu các tác động xấu khi rủi ro kinh tế, xã hội xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập trên phương diện nhận thức lý luận và thực tiễn pháp lý về BTXH. Dưới góc độ lý luận, bảo trợ có phải là hỗ trợ; bảo trợ xã hội và trợ giúp xã hội có đồng nhất; ranh giới giữa bảo trợ xã hội và an sinh xã hội? Dưới góc độ thực tiễn, chính sách, pháp luật về BTXH của Việt Nam được thiết kế theo lĩnh vực như về lao động, y tế, giáo dục, ưu đãi cho vay  vốn… cho các đối tượng thụ hưởng. Điều này tạo ra hệ lụy là có những chương trình, một đối tượng được thụ hưởng rất nhiều chính sách, trong khi có những đối tượng chưa có chương trình nào tiếp cận được. Ngoài ra, pháp luật BTXH tại Việt Nam hiện nay có quá nhiều đầu mối quản lý, sự phối hợp giữa các ban ngành quá lỏng lẻo, dẫn đến hậu quả là việc xây dựng chính sách, pháp luật về BTXH không đồng bộ, thiếu sự tập trung, manh mún và làm thâm hụt ngân sách nhà nước. Chính vì thế, ở Việt Nam hiện nay cần phải xây dựng và thực hiện các giải pháp để giúp cho những công dân của mình vượt qua những rào cản về đói nghèo, lạc hậu; xây dựng mô hình BTXH tương thích để bảo vệ một bộ phận dân cư bị loại khỏi hệ thống an sinh xã hội chính thức và phải làm việc trong nền kinh tế phi chính thức hoặc sống phụ thuộc vào những người khác.

 

Để giúp bạn đọc tìm hiểu về những vấn đề này, Nhà xuất bản Tư pháp xuất bản cuốn sách chuyên khảo “Pháp luật về Bảo trợ xã hội ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do TS. Hoàng Kim Khuyên, Phòng Quyền con người và Luật về các vấn đề xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ biên. Cuốn sách cung cấp cơ sở khoa học về mặt lý luận, thực tiễn và pháp lý về hoạt động BTXH ở Việt Nam hiện nay. Thông qua việc nhận diện đa chiều về BTXH, cuốn sách chỉ ra thực trạng pháp luật về BTXH ở Việt Nam; đưa ra các quan điểm, yêu cầu, giải pháp hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về BTXH ở Việt Nam trong thời gian tới. 

 

Hi vọng rằng, cuốn sách là tài liệu hữu ích cho các độc giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, những ai quan tâm đến chính sách, pháp luật về an sinh xã hội  nói chung và bảo trợ xã hội nói riêng.

 

Thư viện Viện Nhà nước và Pháp luật trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!