•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Bảo vệ người tiêu dùng bằng pháp luật

03/08/2011
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đã có hiệu lực từ ngày 1/7. Nhưng nhiều người tiêu dùng chưa hết lo ngại khi quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm hại, và ngày càng gia tăng mức độ và quy mô các vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, buôn bán - kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Ảnh minh họa

Người tiêu dùng chưa kịp vui mừng khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm bắt đầu có hiệu lực thì đã bị vấp phải lo lắng sau hàng loạt vụ vi phạm được cơ quan báo chí nêu. Hiện nay, một số chủ cửa hàng vẫn vô tư đi mua các loại hoa quả đã bị hỏng về để chế biến nước hoa quả tươi bán cho thực khách, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, các loại bột chống mốc Benzoate để ướp các loại dưa, củ kiệu cho khỏi ủng, thối, hay câu chuyện mì tôm có chứa phẩm màu E 102... Bộ Y tế chính thức khẳng định đây là chất được phép sử dụng. Trong khi nhiều tài liệu nghiên cứu ở nước ngoài lại chỉ ra nhiều hệ lụy liên quan tới sức khỏe con người khi sử dụng E 102. Câu hỏi tại sao nhà sản xuất lại phải cho loại phẩm màu này vào khi chúng ta có rất nhiều phẩm màu từ thiên nhiên có thể thay thế. Sau khi dư luận lên tiếng một thời gian dài thì cơ quan quản lý mới vào cuộc kiểm tra và kết luận rằng phẩm màu này được phép sử dụng với hàm lượng cho phép. Vậy nếu không bị phát hiện thì cơ quan chức năng có vào cuộc hay không và liệu kết quả kiểm nghiệm có chính xác không, khi thiết bị kiểm nghiệm của chúng ta hiện nay còn thiếu và yếu. Người tiêu dùng còn bị xâm hại khi hàng trăm các chương trình khuyến mại, khuyến mãi đang được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng lớn, nhỏ áp dụng với mức khuyến mại lên tới 50 -60%, nhưng nhiều khi hàng khuyến mại lại là những loại kém chất lượng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm đã có hiệu lực, nhưng Nghị định, văn bản quy định hướng dẫn thực hiện Luật lại chưa ban hành kịp thời. Do đó, để nhiều kẻ xấu không lợi dụng thời điểm giao thời này tiếp tục tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thiệt hại cho người tiêu dùng, giải pháp căn cơ cho việc kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là sự tích cực, trách nhiệm vào cuộc kiểm tra của các cơ quan chức năng. Nhà nước đầu tư cơ sở thiết bị giám định, xét nghiệm chất lượng hàng hóa để có cơ sở quy mức hình phạt cho các đối tượng làm hàng gian, hàng giả. Quan trọng là ý thức tự giác của các doanh nghiệp trong việc công bố chất lượng sản phẩm, cũng như phối hợp với các ngành chức năng để sớm phát hiện hành vi gian lận của doanh nghiệp xấu. Giám đốc Maketting của Công ty cổ phần sữa Hà Nội Nguyễn Trường Sơn cho rằng, những doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật sẽ phải bị xử lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những doanh nghiệp chân chính. Phải nhanh chóng đưa Luật vào cuộc sống để bảo vệ người tiêu dùng, để nhà sản xuất, thương hiệu nào mà đang thực hiện không đúng với công bố, hoặc quảng cáo để cho người tiêu dùng hiểu nhầm thì phải dẹp bớt đi để những doanh nghiệp làm ăn trung thực, minh bạch có điều kiện đến được với người tiêu dùng.

Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rõ, người tiêu dùng có quyền khiếu kiện tập thể và doanh nghiệp phải đưa sản phẩm khác cho khách hàng trong thời gian bảo hành sản phẩm. Nhưng thực tế, khi Luật đã có hiệu lực rồi, thì việc đi kiện ở đâu và cần nhờ những cơ quan nào hỗ trợ giải quyết khiếu kiện thì người tiêu dùng vẫn rất mơ hồ. Do đó vai trò của các cấp Hội cũng cần phát huy để làm sao toàn dân hiểu và đưa Luật vào cuộc sống. Theo Phó chủ tịch Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Hà nội Nguyễn Đức Long, các ngành phải đứng ra tiếp nhận tất cả những thông tin phản hồi của người tiêu dùng về hàng giả, hàng nhái. Thông qua đó phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Đồng thời, giúp cho các doanh nghiệp những kiến thức và tăng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.

Mặc dù hai Luật có hiệu lực nhưng các ngành chức năng còn rất nhiều việc cần giải quyết, như nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy bảo vệ, bao gồm cả hệ thống quản lý Nhà nước, có cơ chế hậu kiểm thông qua việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, tránh tình trạng đối tượng gian lận sẵn sàng nộp phạt xong lại tiếp tục vi phạm, thậm chí cần phải có những chế tài mạnh như rút giấy phép kinh doanh, truy cứu trách nhiệm hình sự để ngăn chặn triệt để hành vi xâm hại người tiêu dùng.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)