•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Bỏ nhiều thủ tục phiền hà về đăng ký, quản lý hộ tịch

13/04/2011
Một trong hai mục tiêu lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/CP (về đăng ký và quản lý hộ tịch) lần này là tiếp thu nội dung cải cách hành chính theo Nghị quyết số 52 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Theo đó, rất nhiều thủ tục trong lĩnh vực hộ tịch đã được cởi bỏ tối đa.
Xác nhận tình trạng hôn nhân: chỉ cần nơi hiện tại

Theo quy định của Nghị định 158/CP, khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân. Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó. Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều người, do điều kiện học tập, công tác, làm ăn, họ cư trú ở nhiều nơi khác nhau. Do đó, việc phải quay trở về những nơi đã từng cư trú để lấy xác nhận chưa kết hôn là điều …không tưởng. Không tưởng vì chính quyền cũng không nắm được nhân thân của họ (vì nhiều người không có hộ khẩu thường trú hoặc có hộ khẩu nhưng thực tế không sinh sống tại nơi đăng ký; không có tạm trú) nên không xác nhận. Còn người dân nếu lần lượt đi về những nơi đã cư trú sẽ tốn kém và mệt mỏi. Do vậy, việc sinh sống ở nơi này nhưng về nơi khác lấy xác nhận sẽ gây khó khăn cho dân.

“Một người đã qua nhiều nơi cư trú (thậm chí cả ở nước ngoài) chỉ cần xác minh ở nơi cư trú hiện tại. Các giai đoạn trước có thể cho đương sự tự cam đoan”, bà Lê Thị Lanh, Trưởng phòng quản lý hộ tịch, Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết về dự thảo sửa đổi Nghị định 158/CP.

Nhiều ý kiến đồng tình với quy định này, vì cho rằng nên tôn trọng quyền tự cam đoan của đương sự và khi đã cam đoan họ phải chịu trách nhiệm về lời cam đoan của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, cho tự cam đoan như vậy sẽ rất nguy hiểm, bởi sẽ có người lợi dụng quy định này để gian dối.

Người thân không cần ủy quyền

Nghị định 158 có nhiều quy định liên quan đến vấn đề thủ tục, nhưng chưa có những quy định về ủy quyền trong trường hợp người đi đăng ký là người thân. Dự thảo Nghị định mới bổ sung quy định nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha mẹ, con, vợ chồng, anh, chị em ruột của người ủy quyền thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh quan hệ nêu trên.

Ngoài ra Dự thảo Nghị định mới còn bổ sung quy định: một số việc hộ tịch được gửi qua đường bưu điện (Nghị định 158/CP chỉ cho gửi yêu cầu qua đường bưu điện trong trường hợp cấp bản sao giấy tờ từ sổ hộ tịch). Sửa đổi quy định đối với trường hợp đương sự trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch mà bản sao chưa được chứng thực thì chỉ cần xuất trình bản chính để đối chiếu (Nghị định 158/CP yêu cầu phải là bản sao có chứng thực).

Riêng về quy định cấp lại bản chính và bản sao giấy tờ, Dự thảo mới sửa đổi theo hướng: nơi nào lưu sổ hộ tịch, nơi đó có thẩm quyền cấp lại bản chính và cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch (Nghị định 158 quy định việc cấp lại bản chính và cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài là Sở Tư pháp, mặc dù trước đây họ đăng ký hộ tịch tại UBND cấp xã). Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định mới còn giảm thời hạn giải quyết một số loại việc hộ tịch.


Bản sao và thẩm quyền cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch:

1. Bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch là bản sao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này, căn cứ vào sổ hộ tịch hiện đang lưu trữ, để cấp cho người có yêu cầu.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Tư pháp, nơi lưu trữ sổ hộ tịch thực hiện cấp bản sao các giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch.

3. Người yêu cầu cấp bản sao giấy tờ hộ tịch từ sổ hộ tịch có thể gửi đề nghị qua đường bưu điện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này.

(Điều 60 Nghị định 158/CP về đăng ký và quản lý hộ tịch)


(Nguồn: http://www.phapluatvn.vn)