•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Chế độ đối với người có công cần hợp lý hơn

24/01/2011
Ưu đãi xã hội đối với người có công rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp và các ngành chức năng để việc thực thi công bằng, phù hợp. Đó cũng là yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân.
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành năm 2005 đã góp phần giải quyết một cách tích cực các chính sách, chế độ đối với người có công. Riêng chế độ trợ cấp ưu đãi, qua 5 năm đã có 4 lần điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân của toàn xã hội, góp phần ổn định đời sống cho các đối tượng chính sách trong điều kiện hiện nay.

Ngoài trợ cấp ưu đãi hàng tháng, người có công còn được hưởng chế độ chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, ưu đãi đào tạo và dạy nghề, tạo việc làm, phúc lợi xã hội... bảo đảm công bằng và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách đối với người có công, vẫn còn một số hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân: hành lang pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này còn nhiều bất cập; mức trợ cấp cho đối tượng là người có công trong nhiều trường hợp  còn thấp so với thu nhập, chi tiêu bình quân chung của toàn xã hội; ưu đãi trợ cấp thường xuyên được chú trọng, song những ưu đãi ngoài trợ cấp còn bị xem nhẹ; việc thực thi các quy định pháp luật có liên quan trong lĩnh vực này chưa đồng bộ....

Đơn cử, Quyết định 09/2008/QĐ Bộ Y tế, Thông tư 08/2009/TTLT quy định danh mục bệnh tật, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam, điôxin quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, không phù hợp với thực tế, trong khi nhiều nội dung có tính cấp thiết chưa được ban hành. Một số quy định về thủ tục, hồ sơ đối với người có công, người hoạt động kháng chiến hiện nay quá khắt khe. Thực tế có những trường hợp không có, hoặc không còn giấy tờ gốc theo quy định tại Thông tư 25/2007/TT-BLĐTB và XH ngày 15.11.2007 nên không được giải quyết đã gây bức xúc trong nhân dân, đồng thời là nguyên nhân kéo dài thời gian, gây tồn đọng nhiều hồ sơ đến nay vẫn chưa giải quyết được. Quy định về thủ tục giám định trong một số trường hợp bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hoá học nhưng lại không quy định việc xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động, do đó không có căn cứ để xác định mức trợ cấp.

Cũng tại Thông tư 25, quy định chế độ ưu đãi với người vừa là thương binh, bệnh binh vừa mất sức lao động nhưng lại chỉ được hưởng một chế độ khiến cử tri ở một số địa phương phản ứng gay gắt, nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh. Thủ tục thăm viếng, mức hỗ trợ thân nhân liệt sỹ đi thăm viếng mộ liệt sỹ và di chuyển hài cốt liệt sỹ quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT/BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐ, TB và XH và Bộ Tài chính còn phát sinh nhiều vướng mắc gây phiền hà, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hiện nay, thanh niên xung phong không thuộc đối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh Người có công, ngoài chế độ trợ cấp một lần là 1,5 triệu đồng, họ không được hưởng chế độ nào khác. Trên thực tế, đa số các đối tượng TNXP có hoàn cảnh rất khó khăn. Đây cũng là điều bất hợp lý, cần được nghiên cứu, sửa đổi quy định cho phù hợp. Mức trợ cấp cho đối tượng người cao tuổi trong nhiều trường hợp vẫn thấp so với thu nhập, chi tiêu bình quân chung của toàn xã hội, do đó cuộc sống của một bộ phận người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đối tượng người cao tuổi bị địch bắt tù đày, hưởng chế độ một lần theo quy định hiện hành tối đa là 2,5 triệu đồng/người có thời gian bị tù đày từ 10 năm trở lên. Số tiền trợ cấp này giảm theo hệ số năm bị bắt tù đày, mức thấp nhất là 500.000 đồng. Ngoài ra, người bị bắt tù đày không được hưởng các chế độ khác như hưu trí, thương binh, bệnh binh, mất sức... Điều này dẫn đến khó khăn cho đối tượng này, nhất là trong trường hợp không có thu nhập nào khác lại ốm đau, bệnh tật. Người có công với cách mạng được trợ cấp hàng tháng với mức 453.000 đồng/tháng hiện quá thấp so với mức lương tối thiểu và dưới mức chuẩn nghèo mà Chính phủ mới thông qua. Nếu không có thu nhập nào khác thì hết sức khó khăn, nhất là trong tình hình giá cả leo thang và biến động như hiện nay. Theo Nghị định 35/NĐ-CP ngày 6.4.2010, người hoạt động kháng chiến được hưởng trợ cấp một lần 120.000 đồng/năm cũng không phù hợp thực tế.

Việc xem xét, sửa đổi chế độ ưu đãi cho người hoạt động cánh mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đã chết trước năm 1995, chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học đã chết, chế độ phục vụ cho người nhiễm chất độc hoá học nặng… cũng là yêu cầu cấp thiết để bảo đảm đời sống cho các đối tượng này.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)