•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá: một số quy định còn thiếu tính khả thi

26/09/2011
Có thể khẳng định rằng: Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là dự án luật khá nhạy cảm, giải quyết vấn đề mang tính truyền thống, thói quen và tác động lớn đến an sinh xã hội và sức khỏe của cá nhân cũng như cộng đồng, được dư luận quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, khi đưa ra lấy ý kiến cho thấy, một số quy định của dự thảo Luật còn thiếu tính khả thi.

Ảnh minh họa.

Tại khoản 1 Điều 7 quy định: các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có: sản xuất, buôn bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu, thuốc lá giả, sản phẩm mô phỏng thuốc lá. Việc nghiêm cấm sử dụng thuốc lá nhập lậu là một quy định thiếu tính khả thi. Thực tế, thời gian qua có rất nhiều thuốc lá nhập lậu đã được sử dụng rộng rãi ở nước ta: ước tính có khoảng 800 triệu bao thuốc lá nhập lậu hàng năm trong đó có rất nhiều nhãn hàng đã trở nên rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như thuốc Jet, Hero... Trong khi việc kiểm soát thuốc lá ngoại nhập lậu đang là vấn đề nan giải chưa có một giải pháp hữu hiệu từ phía các cơ quan chức năng thì việc người sử dụng thuốc lá ngoại nhập lậu liệu có kiểm tra, kiểm soát được không? Cơ quan chức năng có thể kiểm tra và phát hiện ra cá nhân, tổ chức nhập lậu thuốc lá được mặc dù còn rất khó khăn thì việc kiểm tra để xác định một cá nhân nào đó đang sử dụng ( hút) là thuốc lá có nguồn gốc là nhập lậu là điều không thể thực hiện được. Do đó, khi xây dựng Luật cần phải bỏ quy định này, vì quy định này nếu vẫn được ban hành thì không có tính khả thi.

Cũng tại Điều 7 khoản 4 của dự Luật quy định: nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá dưới mọi hình thức. Hiện nay, loại hình quảng cáo đã thay đổi và rất tinh vi, nhất là đối với các loại thuốc đắt tiền, như cho người trực tiếp mang thuốc đến từng bàn để tiếp thị bán và khuyến mại hiện vật kèm theo. Quy định này cần phải cụ thể hơn nữa về cấm quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị. Tình trạng rất phổ biến hiện nay là nhiều phim ảnh thể hiện cảnh quay khá rõ nét về hút thuốc lá. Không thiếu trong các cảnh quay, diễn viên dùng thuốc để hút với mục đích để lột tả tâm trạng phục vụ cho ý tưởng của đạo diễn cũng như hiệu ứng cho phim. Việc hút thuốc như thế này liệu có được coi là quảng cáo thuốc lá hay không? Đây cũng là điều cần phải bàn.

Theo kết quả khảo sát năm 2010 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc gia Trung Quốc trong 11.000 học sinh phổ thông có 35% số em thừa nhận hút thuốc do bắt chước diễn viên mà họ nhìn thấy trên màn ảnh. Đây là con số không nhỏ nếu không được ngăn chặn kịp thời. Ở nước ta, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng nhìn chung, giới trẻ bị ảnh hưởng rất lớn từ phim ảnh, nếu có một thần tượng nào đó ở trên phim cầm điếu thuốc hút thì họ thường bắt chước thần tượng mang tính trào lưu. Vì thế, việc nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá trá hình trên phim ảnh, có tác dụng rất lớn đối với giáo dục thế hệ trẻ trong việc bảo vệ sức khoẻ bản thân cũng như cho cộng đồng. Thực tế, cho thấy: rất nhiều bộ phim được tài trợ bởi các nhãn hàng và trong các cảnh quay thường xuất hiện các nhãn hàng của nhà tài trợ. Việc xác định đâu là ý đồ của đạo diễn phim ảnh, đâu là ý đồ quảng cáo sản phẩm của nhà tài trợ là điều rất khó xác định. Vì thế việc quy định như trong khoản 4 của Điều 7 này cần phải cụ thể hơn để xác định đâu là hành vi quảng cáo trá hình từ đó có chế tài xử phạt tương xứng.

Khoản 6, Điều 7 của dự luật quy định: nghiêm cấm sử dụng thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi; bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi; thuê hoặc sử dụng người chưa đủ 18 tuổi bán thuốc lá. Có thể nói đây là một quy định mang tính nhân văn rất cao nhưng với quy định của luật là nghiêm cấm bán thuốc lá khi người đó chưa đủ 18 tuổi liệu có tính khả thi không? Trên thực tế, việc bán lẻ thuốc lá xuất hiện tràn lan trên các vỉa hè, đường phố, các cửa hàng bán lẻ thuốc lá khi khách đến mua thuốc có kiểm tra được chứng minh thư nhân dân của khách hàng không? Kiểm tra chứng minh thư thấy chưa đủ 18 tuổi thì không bán? Trong điều kiện kinh doanh như hiện nay, lợi nhuận luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu và việc mua bán các điếu thuốc lẻ của các cửa hàng nhỏ lẻ diễn ra thường xuyên thì quy định như thế này liệu có tính thực tiễn không? Có lẽ khi xây dựng quy định này, ban soạn thảo cần phải tính đến tính thực tiễn của luật. Vì lẽ đó, nên thay thế quy định này bằng việc cấm sử dụng trẻ em chưa đủ 18 tuổi đi mua thuốc lá sẽ hợp lý và có thể kiểm soát được.

Bên cạnh những quy định thiếu tính thực tiễn thì dự thảo Luật cũng còn một số quy định chưa chặt chẽ. Điểm a, Khoản 1, Điều 24 của dự thảo Luật quy định: Doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ. Liệu quy định như thế này thì có cần thiết không khi mà việc cấp giấy phép bán thuốc không có tác dụng là giảm được tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ và nền kinh tế và thực tế việc cấp phép này chỉ mang tính hình thức. Thực tế cho thấy, hầu như chưa có nước nào quy định phải cấp giấy phép cho doanh nghiệp, đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá. Và với việc chỉ cấp phép cho đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thì các cơ sở bán lẻ thuốc lá thì có cấp giấy phép không? Đây là bài toán cần phải đặt ra vì thực tế các cơ sở này là một trong những nơi cung cấp thuốc trực tiếp tới tay người sử dụng và đang là một “kênh” phân phối khá lớn nhưng thực tế vẫn chưa có một cơ quan nào kiểm soát được các cơ sở này. Nếu vẫn quy định về việc cấp phép bán thuốc lá đối với các doanh nghiệp, đại lý bán buôn bán lẻ thuốc lá mà bỏ qua việc cấp phép cho các cơ sở này vô hình trung chúng ta tạo điều kiện cho việc tiêu thụ thuốc lá lậu trên thị trường.

Dự luật vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp. Thiết nghĩ, cần phải bổ sung, sửa đổi một số quy định trong dự thảo luật để Luật sau khi ban hành phù hợp với thực tiễn cuộc sống góp phần bảo đảm sức khoẻ người dân và an sinh xã hội.

(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)