•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hợp nhất hai Luật ban hành VBQPPL: Về một mối, đỡ trăm bề

18/07/2011
Việc hợp nhất Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2008 và Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 sẽ giảm thiểu sự chồng chéo, mâu thuẫn trong thẩm quyền ban hành văn bản; thống nhất về quy trình cũng như hạn chế tính trạng “xé rào” trong việc ban hành chính sách.
Cồng kềnh và khó kiểm soát

Theo Bộ Tư pháp,  3 năm thực hiện Luật ban hành VBQPPL và 6 năm thực hiện Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND đã góp phần đưa công tác xây dựng ban hành VBQPPL ở cả trung ương và địa phương vào nề nếp hơn. Dù vậy, cả hai luật này đã bộc lộ những bất cập, nhất là Luật ban hành VBQPPL của HĐND và UBND.

Theo đó, bất cập lớn nhất của luật này là việc quy định cả 3 cấp đều có thẩm quyền ban hành văn bản với nội dung như nhau nhưng chỉ khác ở cấp độ dẫn đến hệ thống văn bản ở địa phương trở nên cồng kềnh, nhiều tầng nấc và rất khó kiểm soát. Còn thẩm quyền ban hành VBQPPL thì bị xé nhỏ theo phạm vi quản lý sẽ dẫn đễn mâu thuẫn, chồng chéo trong công tác ban hành văn bản dẫn đến tốn kém và lãng phí về nguồn tài chính và nhân lực cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản ở địa phương. Việc quy định nhiều tầng nấc văn bản cũng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc thi hành, tốn kém cho ngân sách nhà nước trong việc ban hành cũng như triển khai thực hiện.

Đáng chú ý là các quy định về phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương chưa rõ ràng thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa thẩm quyền của tập thể UBND tỉnh với cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh hoặc có chồng chéo về thẩm quyền của HĐND với UBND. Bên cạnh đó, khi Luật Ban hành VBQPPL năm 2008 có hiệu lực thì phát sinh một số vấn đề phức tạp ở địa phương do việc ban hành VBQPPL phải chịu sự điều chỉnh của hai luật

Bộ Tư pháp cũng nhận định: việc tồn tại hai Luật Ban hành VBQPPL của Trung ương và địa phương phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật và việc hợp nhất 02 Luật Ban hành VBQPPL là cần thiết.

Mỗi cơ quan chỉ ban hành một hình thức văn bản?

Hợp nhất hai Luật văn bản, theo Bộ Tư pháp, cần quy định cụ thể hệ thống VBQPPL theo hướng đơn giản hoá các hình thức VBQPPL (bỏ bớt một số hình thức VBQPPL cũng như chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL). Thu gọn hình thức văn bản QPPL của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND theo hướng mỗi cơ quan chỉ ban hành một hình thức văn bản, cụ thể là: HĐND ban hành Nghị quyết; UBND ban hành Quyết định. Quy định theo hướng này cũng phù hợp với quy định của Luật 2008, theo đó, mỗi cơ quan có thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ chỉ ban hành một hình thức văn bản QPPL.

Bộ Tư pháp cũng cho biết: sẽ quy định rõ các biện pháp để nâng cao chất lượng VBQPPL, nhất là văn bản do chính quyền địa phương ban hành. Cần có những quy định về tính khoa học trong việc lập chương trình, về tính khả thi của văn bản, sự tham gia của cán bộ tư pháp ngay từ khi soạn thảo, vai trò của cán bộ pháp chế của các sở, ban, ngành ở địa phương, vai trò của sở Tư pháp trong công tác thẩm định…

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu rút bớt cấp có thẩm quyền ban hành VBQPPL: có thể chỉ giữ lại cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành VBQPPL, còn cấp huyện và cấp xã chỉ là cấp thi hành, không ban hành văn bản QPPL. Vấn đề này có liên quan đến việc sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND, xử lý vấn đề phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền địa phương.

(Nguồn: htttp://phapluatvn.vn)