•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Luật Tố tụng hành chính có kiểm soát mọi hành vi hành chính?

12/01/2011
Được sự phối hợp của Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo 2 ngày 11 – 12/1/2011 với chủ đề kinh nghiệm lập pháp và thực thi pháp luật của CHLB Đức về tố tụng hành chính (TTHC).
“Tất cả hành vi hành chính ở Đức đều được kiểm soát”

Luật TTHC (được Quốc hội Việt Nam khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) đã mở rộng những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, song vẫn có loại trừ. Cụ thể là tòa án có thẩm quyền giải quyết có khiếu kiện sau: Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính (QĐHC, HVHC), trừ các QĐHC, HVHC thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao và các QĐHC, HVHC mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức; Khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu HĐND; Khiếu kiện quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống; Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Viện trưởng Viện Khoa học xét xử (TANDTC) Ngô Hồng Phúc nhận xét, việc quy định như trên là đúng hướng tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các khiếu kiện hành chính”.

Đồng thời, nó cũng phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập kinh tế quốc tế. “Đây là điểm đổi mới quan trọng của Luật TTHC so với Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (PLTTGQCVAHC)”, ông Phúc bình luận.

Thẩm phán Tòa án Hành chính tối cao Liên bang – ông Juergen Vormeier - cho biết, về hệ thống luật tố tụng hành chính Đức thì Hiến pháp chính là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, tiếp đến là các văn bản luật mà cụ thể là Luật TTHC. Hiến pháp của CHLB nhấn mạnh, các cơ quan hành chính đương nhiên phải làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Các cơ quan tòa án được đảm bảo độc lập với các cơ quan hành chính, có thẩm quyền quyết định tính đúng sai của các QĐHC, HVHC.

Còn mục tiêu của Luật TTHC là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân tại các cơ quan tòa án. “Vì vậy, ở Đức, không có bất kỳ hành vi hành chính nào của cơ quan hành chính lại không bị kiểm soát”, ông Vormeier nhấn mạnh.

Phá vỡ thế “bế tắc”

Tuy chỉ có một điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003 nhưng Điều 264 Luật TTHC đã bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Theo đó, tranh chấp về quyền sử dụng đất (QSDĐ) mà đương sự không có Giấy chứng nhận QSDĐ hoặc không có một trong các loại giấy tờ tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì đương sự có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết (trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết), đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết) hoặc khởi kiện theo quy định của Luật TTHC.

Ngoài ra, người sử dụng đất vẫn có quyền khiếu nại QĐHC, HVHC về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện theo quy định của Luật TTHC.

Chánh Tòa Hành chính (TANDTC) Đào Thị Xuân Lan cho rằng, với quy định này, Luật TTHC đã khắc phục được sự mâu thuẫn, chồng chéo lâu nay tồn tại trong các quy định của PLTTGQCVAHC, Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành liên quan tới quyền khởi kiện của đương sự khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Còn theo ông Nguyễn Danh Tú (Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội), Luật TTHC đã tạo ra một cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hoàn chỉnh, đồng bộ, hữu hiệu và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn bằng việc sửa đổi sự chưa thống nhất giữa các quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo với Luật Đất đai và PLTTGQCVAHC.
(Nguồn: http://phapluatvn.vn)