•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nhiều khó khăn khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

13/06/2011
Theo Luật Người khuyết tật (NKT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011, NKT có quyền được trợ giúp pháp lý (TGPL). Tuy nhiên, trong thực tế triển khai lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cả nước hiện có khoảng 5,4 NKT, chiếm 6,34% dân số với hơn 1,1 triệu NKT nặng (chiếm 21,5% tổng số NKT) và gần 20% bị nhiều dạng tật. NKT phần lớn còn gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống. Họ sống chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của gia đình, người thân và bạn bè. Bởi vậy, đồng hành với NKT là vấn đề cả xã hội quan tâm và Nhà nước đã dành nhiều chính sách đối với NKT.


Ảnh minh họa

Tại Điều 4 Luật NKT quy định, bên cạnh các quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội; được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật…, thì NKT cũng được bảo đảm thực hiện quyền được TGPL.

Đa số vướng mắc của NKT thường xoay quanh các chế độ bảo trợ xã hội dành cho NKT, về trình tự, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội; về các vấn đề liên quan đến quyền của NKT. Tuy nhiên, việc tiếp cận các dịch vụ TGPL đối với NKT hiện gặp phải rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do việc đi lại, nghe nói, tiếp xúc, trao đổi của NKT rất hạn chế. Họ không thể đến các địa điểm TGPL lưu động, trung tâm hay chi nhánh để yêu cầu TGPL.

Chưa kể, với trường hợp bị các dạng tật phức tạp (như câm, điếc) thì việc tiếp cận, TGPL lại càng vô cùng khó khăn. Bởi với họ, chỉ có cách chuyển tải bằng cử chỉ, hình ảnh nhưng cách làm này cũng có rất nhiều hạn chế do số lượng người thực hiện TGPL có kiến thức và kỹ năng chuyên biệt về TGPL cho NKT chưa nhiều. Thậm chí, ngay đối với người được học ngôn ngữ của người khiếm thính cũng không thể chuyển tải hết nội dung muốn nói do kho ký hiệu giao tiếp cho đối tượng này còn hạn chế.

Không những thế, việc thực hiện các chủ trương, chính sách trong thực tế đang có nhiều vướng mắc do chưa có các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Vì vậy, trước mắt cần tổ chức một số hội nghị tập huấn, tuyên truyền đối với những người thực hiện TGPL về các nội dung cơ bản của Luật NKT cùng các văn bản liên quan tới chế độ, chính sách dành cho NKT.

Về phía các cơ quan chức năng, Cục TGPL (Bộ Tư pháp) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện hoạt động TGPL cho NKT theo Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2011-2020. Theo đó, sẽ tăng cường truyền thông về pháp luật và TGPL cho NKT giúp họ hiểu được quyền được TGPL của mình, được trang bị kiến thức pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của NKT theo cách mà họ có thể tiếp cận.

Ngoài ra, các Trung tâm TGPL sẽ tăng cường kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ về TGPL cho NKT đối với người thực hiện và thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ TGPL trong toàn quốc.

(Nguồn: http://www.phapluatvn.vn)