•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nội dung chủ yếu của Luật Kiểm toán độc lập

25/04/2011
Luật Kiểm toán độc lập gồm 8 chương với 64 điều, quy định về nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán. Luật cũng quy định một số nội dung liên quan đến kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng; quy định về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp trong hoạt động kiểm toán độc lập. Luật Kiểm toán độc có một số điểm mới.
Về quản lý nhà nước hoạt động kiểm toán độc lập

Luật Kiểm toán độc lập quy đinh cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính) cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán; thanh tra, kiểm tra, giải quyến khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Luật cũng quy đinh giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc đăng ký và vấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề cho kiểm toán viên hành nghề.

Về Kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề

Luật quy định tiêu chuẩn để trở thành kiểm toán viên (Điều 14) là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đạo đức, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính và phải có Chứng chỉ kiểm toán viên.

Luật cũng có quy định về việc thừa nhận đối với những người có chứng chỉ nước ngoài được Bộ Tài chính công nhận, nếu đạt kỳ thi sát hạch bằng tiến Việt về Pháp luật Việt Nam thì được công nhận là kiểm toán viên.

Đối với kiểm toán viên hành nghề: để được đăng ký báo cáo kiểm toán, kiểm toán viên phải đăng ký hành nghề theo quy định. Kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công việc kiểm toán từ 36 tháng trở lên và tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức được đăng ký hành nghề. Khi đăng ký hành nghề, kiểm toán viên được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề và giấy này chỉ có giá trị khi kiểm toán viên có hợp đồng lao động làm toàn bộ thời gian cho một doanh nghiệp kiểm toán.

Kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong doanh nghiệp kiểm toán, không được hành nghề với tư cách cá nhân.

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán

Doanh nghiệp kiểm toán phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên hành nghề kiểm toán (thay vì chỉ có 3 kiểm toán viên như hiện nay). Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc (hoặc Tổng Giám đốc) các doanh nghiệp kiểm toán phải là kiểm toán viên hành nghề. Đối với Công ty TNHH phải có ít nhất 2 thành viên là kiểm toán viên hành nghề và phải bảo đảm mức vốn pháp định theo quy định của Chính phủ.
Luật định chỉ có những doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán mới được cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Doanh nghiệp kiểm toán phải bảo đảm điều kiện kinh doanh trong suốt quá trình hoạt động. Nếu không bảo đảm các điều kiện đó trong 3 tháng liên tục thì bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Quá 60 ngày không khắc phục thì sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán.

Đối với chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán phải có ít nhất 2 kiểm toán viên hành nghề ngoài các kiểm toán viên hành nghề đăng ký ở trụ sở chính hoặc chi nhánh khác và chỉ được cung cấp dịch vụ sau khi có sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính.

Về nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán

Để bảo đảm chất lượng kiểm toán, Luật quy định doanh nghiệp kiểm toán phải bố trí nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp; mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề; từ chối kiểm toán khi không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện kiểm toán, khi đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, trái với chuyên môn, nghiệp vụ. Các doanh nghiệp kiểm toán phải tự kiểm soát chất lượng hoạt động và chịu sự kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.

Về nghĩa vụ của đơn vị kiểm toán

Để bảo đảm thông tin cho kiểm toán, Luật quy đinh nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán là cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời, khách quan thông tin, tài liệu cần thiết cho kiểm toán và chịu trách nhiệm về thông tin tài liệu đã cung cấp; phối hợp, tạo điều kiện cho kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán. Không được có hành vi hạn chế phạm vi vấn đề cần kiểm toán. Xem xét khuyến nghị của doanh nghiệp kiểm toán về tồn tại, sai sót theo đề nghị của doanh nghiệp kiểm toán. Trường hợp không điều chỉnh sai sót, đơn vị được kiểm toán phải giải trình  bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đại diện chủ sở hữu.

Về kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng

Theo quy định của Luật, đơn vị có lợi ích công chúng là doanh nghiệp, tổ chức mà tính chất và quy mô hoạt động có liên quan nhiều đến lợi ích của công chúng, gồm: tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán, các doanh nghiệp, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Chỉ có các doanh nghiệp kiểm toán có đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhất định (cao hơn mức tối thiểu) được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận mới được kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng. Để bảo đảm tính độc lập cao, doanh nghiệp kiểm toán không được bố trí kiểm toán viên hành nghề thực hiện kiểm toán cho một đơn vị có lợi ích công chúng trong 5 năm tài chính liên tục.

Về xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp

Luật quy định các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập và giao Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý vi phạm.

Về giải quyết tranh chấp, Luật quy định tranh chấp về kiểm toán độc lập được các bên có trách nhiệm tự hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì có quyền khởi kiện tại tòa án. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp là 3 năm, kể từ ngày ký báo cáo kiểm toán.

Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)