•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật Bầu cử đại biểu HĐND

13/01/2011
1. Phạm vi sửa đổi, bổ sung:

Tập trung vào một số vấn đề thật sự cần thiết liên quan đến công tác tổ chức bầu cử khi tiến hành bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày, bảo đảm sự thành công của cuộc bầu cử.

2. Khu vực bỏ phiếu và số lượng cử tri trong mỗi khu vực bỏ phiếu (Điều 12 của Luật bầu cử ĐBQH, Điều 13 của Luật bầu cử Đại biểu HĐND)

Luật sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu bầu cử ĐBQH đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được sửa đổi thống nhất từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri. Với số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu được quy định với biên độ dao động từ ba trăm đến bốn nghìn cử tri sẽ vẫn bảo đảm thuận lợi cho việc bỏ phiếu của cử tri cũng như việc thành lập các khu vực bỏ phiếu; đồng thời cũng không gây quá tải về công việc đối với các Tổ bầu cử trong điều kiện đã tăng số lượng thành viên tại mỗi Tổ bầu cử.

Đối với những địa bàn và đơn vị có đặc thù riêng thì sẽ tùy thuộc vào số lượng cử tri và điều kiện cụ thể mà các cơ quan có thẩm quyền sẽ thành lập khu vực bỏ phiếu riêng hoặc phối hợp với các nơi khác thành lập khu vực bỏ phiếu chung nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho cử tri đi bầu cử.

Đối với những nơi không có đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn thì việc chia khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

3. Về các tổ chức phụ trách bầu cử

a. Về Hội đồng bầu cử

 (Điều 14 Luật Bầu cử ĐBQH, Điều 15 Luật Bầu cử đại biểu HĐND)

Hội đồng bầu cử được gọi chung là Hội đồng bầu cử Trung ương, vì chỉ có duy nhất một Hội đồng bầu cử nên không phải đổi tên.

b. Về các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương

Trong điều kiện bầu cử chung và thống nhất về tổ chức của một số tổ chức phụ trách bầu cử, Luật sửa đổi, bổ sung đã giao cho UBND cơ quan chủ trì thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc về cơ quan chủ trì thành lập tổ chức phụ trách bầu cử (vì UBND có đầy đủ ở cả ba cấp; trong khi đó, ở các địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường sẽ không có Thường trực HĐND)

 Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh

- Luật sửa đổi, bổ sung đã thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử ĐBND và Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh (sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật bầu cử ĐBQH, Điều 16 Luật bầu cử đại biểu HĐND)

- Các Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cũng được đổi tên tương ứng thành Ủy ban bầu cử (sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân)

 Ban bầu cử

(Điều 16 và 82 của Luật Bầu cử ĐBQH, khoản 1 Điều 17 và Điều 70 của Luật bầu cử đại biểu HĐND)

Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định Tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử ĐBQH nhằm bảo đảm tính thống nhất với việc thành lập tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp tỉnh và cấp xã.

 Tổ bầu cử

(Điều 17 và Điều 83 của Luật bầu cử ĐBQH, Điều 18 và Điều 71 của Luật Bầu cử đại biểu HĐND)

Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định Tổ bầu cử đồng thời thực hiện công tác bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã tại cùng một khu vực bỏ phiếu. Tổ bầu cử sẽ được tăng thêm số lượng thành viên. Sửa đổi thống nhất quy định về cơ quan chủ trì thành lập, thành phần và số lượng thành viên của Tổ bầu cử (từ 11 đến 21 người).

4. Về số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội (Điều 46 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội)

Để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, Điều 46 Luật Bầu cử ĐBQH được sửa đổi theo hướng: “Số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ở đơn vị đó; nếu đơn vị bầu cử đó được bầu ba đại biểu thì số người trong danh sách ứng cử phải nhiều hơn số đại biểu được bầu ít nhất là hai người. Trong trường hợp khuyết người ứng cử vì lý do bất khả kháng thì do Hội đồng bầu cử quyết định”.

5. Về thời gian bầu cử

(Điều 57 của Luật Bầu cử ĐBQH, Điều 48 của Luật Bầu cử Đại biểu HĐND)

Trong điều kiện bầu cử chung của cả ĐBQH và đại biểu HĐND thì quy định tại 2 Luật bầu cử về kết thúc sớm cuộc bầu cử không còn phù hợp. Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều bỏ quy định về kết thúc cuộc bỏ phiếu sớm hơn ở những khu vực bỏ phiếu đã có 100% cử tri đi bầu tại Điều 48 của Luật Bầu cử Đại biểu HĐND và giữ nguyên quy định tại Điều 57 của Luật bầu cử ĐBQH hiện hành.

6. Về trường hợp hoãn hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định

(Điều 55 của Luật bầu cử ĐBQH, Điều 54 của Luật bầu cử đại biểu HĐND)

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và Luật bầu cử đại biểu HĐND quy định trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Tổ bầu cử phải kịp thời báo cáo Ban bầu cử để đề nghị Ủy ban bầu cử trình HĐND bầu cử xem xét, quyết định.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)