•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Phòng khám tư nhân phải chờ Nghị định đến bao giờ?

18/04/2011
Đã hơn 3 tháng kể từ khi Luật Khám chữa bệnh (KCB) chính thức có hiệu lực (1.1.2011) nhưng cho đến thời điểm giữa tháng 4, Luật này vẫn chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành.
Đáng nói là nhiều phòng khám đa khoa tư nhân (mặc dù đã sẵn sàng trang thiết bị và đủ điều kiện hành nghề) nếu muốn làm hồ sơ cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân đều phải… đợi gây tốn kém, lãng phí không ít.

Thiết bị tiền tỷ “đắp chiếu” nằm chờ

Giữa năm 2010, phòng khám đa khoa Newlife thuộc Cty cổ phần y tế Cuộc sống mới VN tọa lạc tại số 6, Nguyễn Thị Thập (Trung Hòa, Cầy Giấy, HN) đầu tư một số trang thiết bị hiện đại phục vụ việc KCB và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhưng đến nay, đã hơn 6 tháng trôi qua, chỉ duy nhất 1 trong 5 thiết bị y tế được đưa vào sử dụng. Còn lại, vẫn “đắp chiếu” nằm chờ vì chưa được cấp giấy phép hoạt động.

Máy X-quang số của cơ sở Newlife nằm "đắp chiếu" vì chưa có giấy phép hoạt động

ThS. Nguyễn Thế Dũng, GĐ điều hành phòng khám Newlife cho biết: “Hiện cơ sở chúng tôi có máy X-quang số, máy chụp tuyến vú, máy siêu âm 4 chiều, máy chụp cắt lớp và một thiết bị cộng hưởng từ. Trong 5 thiết bị đó thì chỉ có máy siêu âm 4 chiều được phép hoạt động, 4 thiết bị còn lại vẫn nằm im "đắp chiếu" chờ giấy phép sử dụng.

Theo ông Dũng, máy chụp cắt lớp Toshiba Aquilion của phòng khám chúng tôi là thế hệ mới nhất của máy chụp cắt lớp 16 dãy với tốc độ cao, có thể chụp tất cả các bộ phận của cơ thể với chất lượng hình ảnh tốt nhất mà không phải cơ sở phòng khám, BV nào cũng có. Các máy cộng hưởng từ; máy X-quang số, chụp tuyến vú (Mammography) được số hóa hoàn toàn cũng đều chịu chung số phận nằm… chờ!

Đáng nói là không ít trường hợp bệnh nhân đến khám tại Newlife phải làm thủ tục chuyển đi cơ sở ngoài  để chụp chiếu trong khi cơ sở này “thừa sức” làm các xét nghiệm với trang thiết bị hiện đại, có chất lượng. “Những xét nghiệm quá thông thường như X-quang chúng tôi cũng không được áp dụng, nếu cố tình làm chúng tôi sẽ “phạm luật” ngay lập tức! Bất đắc dĩ nhiều khi chúng tôi phải gửi bệnh nhân ra cơ sở ngoài với trang thiết bị chưa hẳn đã hơn hoặc bằng cơ sở mình. Đó là chưa nói đến chất lượng dịch vụ như thế nào và trong quá trình di chuyển khó ai có thể biết trước được bất trắc có thể xảy ra!”- ông Dũng nói.

Phòng khám Newlife có tổng đầu tư là 7 triệu USD, riêng chi phí đầu tư trang thiết bị mới 100% nhưng hoạt động rất èo uột vì nhiều “hạng mục” chưa được cấp phép sử dụng. Ông Dũng bức xúc: “Trong khi chờ đợi Thông tư, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật KCB chúng tôi không được hoạt động với đầy đủ máy móc thiết bị hiện có. Doanh nghiệp thiệt hại vì đầu tư một khoản tiền lớn mà không được sử dụng lại phải gánh thêm các chi phí bảo dưỡng, vận hành máy móc nên rất khó khăn”.

BV Đa khoa tư nhânTrí Đức (Lê Duẩn, HN) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2007. Mới đây, BV này cũng nộp hồ sơ xin mở thêm phòng khám sản phụ khoa, tim mạch mới. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cấp phép nên BV Trí Đức cũng mòn mỏi chờ vô thời hạn.

Tại Hà Nội đang có rất nhiều bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân trong tình trạng nằm chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật KCB. ra đời. Theo thống kê của Sở Y tế HN, hiện có khoảng 100 hồ sơ “treo” trong đó có các cơ sở hết hợp đồng thuê nhà muốn chuyển địa điểm mới, phòng khám muốn bổ sung thêm chức năng, trang thiết bị, các cơ sở xin cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y… đang phải chờ có hướng dẫn mới được thẩm định và cấp phép.

Chờ đến bao giờ?

Luật KCB đã được Quốc hội thông qua ngày 23.11.2009 và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2011. Theo quy định của Luật KCB, các cá nhân, tổ chức hành nghề KCB tư nhân đều phải được cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, đã hơn 3 tháng trôi qua, Luật này vẫn chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép vì thời gian chờ cấp phép không biết đến bao giờ.

Phòng lưu bệnh nhân vắng vẻ không một bóng người.

Tại công văn 9308/VPCP-KGVX ngày 23.12.2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý, trong khi chờ Nghị định hướng dẫn thi hành, Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn tạm thời về việc hoạt động của các cơ sở y tế và người hành nghề y dược tư nhân đã được cấp chứng chỉ hiện đang hoạt động, bảo đảm đúng tinh thần Luật KCB 2009. Đồng thời, không làm ảnh hưởng đến việc KCB và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.12.2010, Bộ Y tế đã có công văn số 8872/BYT-KCB gửi UBND các tỉnh thành phố trực thuộc T.Ư về việc triển khai thực hiện Luật nhằm “tránh gây gián đoạn hoạt động khám bệnh, chữa bệnh”.

Theo đó, những cơ sở KCB đã có giấy phép và đang hoạt động vào thời điểm Luật KCB có hiệu lực (ngày 1.1.2011) được tiếp tục hoạt động. Riêng các cơ sở KCB lần đầu xin cấp giấy phép hoạt động KCB tư nhân; người lần đầu xin cấp chứng chỉ hành nghề KCB tư nhân từ ngày 1.1.2011 sẽ… chờ cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KCB và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực.

Thực hiện việc này, UBND TP. Hà Nội, Sở Y tế HN cũng có công văn về việc triển khai thực hiện Luật KCB đến UBND quận huyện. Đồng thời, ra thông báo tạm dừng nhận hồ sơ cấp chứng chỉ, giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y, y học cổ truyền tư nhân để chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KCB với các văn bản luật có hiệu lực.

Với tất cả các văn bản “hướng dẫn… chờ” như thế này, không ít các cơ sở phòng khám đa khoa tư nhân phải gián đoạn hoạt động. Điều mà các phòng khám tư nhân mong muốn nhất lúc này là nhanh chóng được cấp giấy phép để có thể chính thức đi vào hoạt động, tránh những thiệt hại không đáng có vì… chờ!

Trước vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cho rằng, không còn cách nào khác là phải chờ hướng dẫn từ Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật KCB. Khi có Nghị định, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư hướng dẫn. Lúc đó các Sở Y tế mới có hướng giải quyết. Theo Bộ Y tế, trong tháng 4 này Nghị định sẽ được ban hành.
(Nguồn: http://www.laodong.com.vn)