•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Xác định đầy đủ trách nhiệm hình sự của pháp nhân

16/06/2015
Thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) ngày 16/6, nhiều đại biểu quan tâm đến việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân và phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong luật sửa đổi.

Đa số đại biểu thể hiện sự đồng tình việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Theo đó, việc chứng minh tội phạm và làm rõ hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm của pháp nhân là trách nhiệm của Nhà nước.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh phân tích, pháp nhân ở đây là pháp nhân kinh tế hoạt động vì lợi nhuận. Hành vi của các cá nhân không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà tạo ra quyền và nghĩa vụ của pháp nhân. Nếu có hành vi phạm pháp xảy ra, pháp nhân gây thiệt hại mà chỉ trừng phạt riêng người này thì không công bằng, bởi vì họ phải gánh chịu tội của người khác.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh.

 

Đại biểu dẫn chứng thêm, các nước quy định pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài vi phạm pháp luật thì cũng bị xử lý hình sự. Trong đó, hình phạt các nước áp dụng chính là đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động, đặc biệt nhất là phạt tiền. Nếu cùng hành vi như cá nhân thì pháp nhân phạt tiền rất nặng, gấp hàng trăm lần, thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng mới thỏa đáng.

 

Đại biểu Đỗ Văn Đương chỉ ra rằng, điều quan trọng nhất là khi đã truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thì con đường chứng minh lỗi và chứng minh thiệt hại của pháp nhân bằng tố tụng tư pháp sẽ chặt chẽ, cứng rắn, bài bản, có điều kiện hơn và như thế mới quy được trách nhiệm cụ thể của pháp nhân, buộc pháp nhân phải thay đổi cách xử xự. Nếu không muốn mất uy tín trong thương trường thì pháp nhân đó phải thay đổi cách xử sự, không được gây ô nhiễm môi trường, không được trốn thuế, không được sản xuất hàng giả, không được làm những điều gây hại cho xã hội… điều đó là quan trọng.

 

Cũng đồng tình với việc quy định trách nhiệm hình sự cho pháp nhân, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh - Phú Thọ còn cho rằng, việc cụ thể hóa những tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự là cần thiết, nó đáp ứng được việc xác định đầy đủ trách nhiệm hình sự pháp nhân để phục vụ cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhất là tình hình vi phạm pháp nhân ngày càng gia tăng hiện nay, nó đáp ứng được yêu cầu hợp tác quốc tế mà các Điều ước quốc tế chúng ta tham gia.

 

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường - Bắc Ninh.

 

Đồng tình với ý kiến đề xuất quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi), tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trọng Trường - Bắc Ninh cho rằng, đây là một vấn đề liên quan đến nhiều vấn đề như cơ sở của việc quy định trách nhiệm hình sự, xác định lại khái niệm về tội phạm và hình phạt, chứng minh hậu quả của hành vi phạm tội, phân định pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự, phân định trách nhiệm của cá nhân và pháp nhân trong việc thực hiện hành vi phạm tội. Hình phạt áp dụng đối với pháp nhân, trình tự, thủ tục tố tụng đối với pháp nhân. Bởi vậy, đại biểu đề nghị cần thận trọng khi quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

 

Cho ý kiến về vấn đề này tại buổi thảo luận, đại biểu Trần Xuân Hùng - Hà Nam cho rằng, để có những bước đi phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn trong việc thực hiện chính sách pháp luật hình sự, tạo sự ổn định cho Bộ luật hình sự. Chỉ nên quy định pháp nhân ở một số tổ chức kinh tế phải chịu trách nhiệm hình sự như quy định tại Chương 11 của Dự thảo. Hơn nữa, về mặt pháp lý, muốn xác lập trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cần phải xem xét đủ các điều kiện: hành vi của pháp nhân có tính nguy hiểm cao trong xã hội, hành vi đó tương đối phổ biến, hành vi đó phải chứng minh được bằng  các thủ tục tố tụng trong luật.

 

(Theo Cổng TTĐT Quốc hội)