•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hoạt động nghiên cứu Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất dam cam/dioxin ở Việt Nam”

22/10/2014
Căn cứ Quyết định số 1369/QĐ-KHXH ngày 7 tháng 7 năm 2014 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc cử cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài, các thành viên của Đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu cơ sở pháp lý và phương pháp đấu tranh yêu cầu Chính phủ và các công ty hóa chất Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hậu quả chất dam cam/dioxin ở Việt Nam” đã làm việc và trao đổi với các trường Đại học ở Hoa Kỳ từ ngày 20/9 đến 28/9/2014.

Đoàn công tác gồm có 05 thành viên: PGS.TS. Nguyễn Như Phát (Trưởng đoàn), PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, TS. Lê Mai Thanh, TS. Trần Văn Biên và ThS. Chu Thị Thanh An.

 

GS. Andy Klein tiếp PGS.TS. Nguyễn Như Phát.

 

Ngày 22/9/2014, đoàn đã có buổi làm việc với GS. Andy Klein, Hiệu trưởng Trường Luật McKinney, Đại học Indiana, chuyên gia về luật trách nhiệm bồi thường do hóa chất độc hại gây ra; TS. Charles Baileys, nguyên Giám đốc Chương trình Chất Da cam tại Việt Nam, Viện Aspen; GS. Cynthia Baker, Giám đốc chương trình nghiên cứu, thực tập về Pháp luật và Chính quyền bang tại Trường Luật McKinney, Đại học Indiana. 

 

GS. Andy Klein vui vẻ nhận món quà từ PGS.TS. Nguyễn Như Phát.

 

Sau đó, GS. Frank Sullivan, Trường Luật McKinney, người đã đến Việt Nam và có buổi trao đổi tại Viện Nhà nước và Pháp luật tháng 6/2014, dẫn đoàn đến gặp mặt xã giao các thẩm phán của Tòa án Tối cao bang Indiana.

 

Đoàn đến thăm và gặp mặt các thẩm phán Tòa án Tối cao bang Indiana. 

 

Ngày 23/9/2014, các thành viên trong đoàn tham gia thảo luận tại Hội thảo (cả ngày) với chủ đề: "LIABILITY, RIGHTS AND REMEDIES IN TOXIC TORTS: Local, National and International Responses in the Age of Globalization" (tạm dịch: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hóa chất độc hại gây ra nhìn từ khía cạnh luật bồi thường thiệt hại, luật môi trường và quyền con người).

 

Tại Hội thảo: GS. Charles Baileys (thứ 2 từ trái sang), GS. Xuân Thảo Nguyễn

(thứ 3 từ trái sang) và GS. Fran Quigley (thứ 4 từ trái sang) cùng các nhà khoa học khác.

 

Trong ngày thứ ba của chuyến đi, ngày 24/9/2014, đoàn làm việc với GS. Fran Quigley, Phụ trách Trung tâm thực hành luật nhân quyền của Trường Luật Indiana; GS. Steven C. Gold, Trường Luật Ruygers – Newark, chuyên gia về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; GS. George Edwards, Giám đốc Chương trình Luật Nhân quyền Quốc tế, Trường Luật McKinney, Đại học Indiana.

 

Ngày 25/9/2014, đoàn di chuyển đến Washington, D.C. và làm việc với các giáo sư ở Trường Luật thuộc Đại học Washington.

 

Các buổi gặp gỡ, trao đổi với các giáo sư, các chuyên gia xoay quanh các nội dung liên quan trực tiếp tới Đề tài, bao gồm:

            (1) Tổng quan pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hóa chất gây ra: tiêu chí xác định mối quan hệ nhân quả; chứng cứ khoa học về mối quan hệ nhân quả; nghĩa vụ chứng minh; xác định bồi thường thiệt hại về môi trường và tổn hại sức khỏe của cá nhân; chủ thể có quyền khởi kiện đòi bồi thường; xác định thời hiệu khởi kiện.

            (2) Vấn đề xác định mối quan hệ nhân quả trong trường hợp vụ kiện của nạn nhân chất da cam Việt Nam với các công ty hóa chất Hoa Kỳ: những vấn đề cần lưu ý khi chứng minh mối quan hệ nhân quả; những khó khăn gặp phải khi chứng minh và phương pháp khoa học thường được tòa án Hoa Kỳ cân nhắc là chứng cứ khoa học trong các vụ kiện bồi thường thiệt hại do hóa chất gây ra.

            (3) Cách tiếp cận bằng con đường chính trị nhằm thay đổi chính sách hỗ trợ từ các Quỹ và Chương trình của Hoa Kỳ cho người khuyết tật là những người bị ảnh hưởng bởi chất da cam ở Việt Nam.

            (4) Cách tiếp cận nhân quyền và sử dụng các cơ chế của Liên hợp quốc để gây sức ép với Hoa Kỳ, nhằm yêu cầu hỗ trợ của Chính phủ Hoa Kỳ cho nạn nhân chất da cam ở Việt Nam: sử dụng cơ chế báo cáo lên các Ủy ban Công ước về quyền con người của Liên hợp quốc; hợp tác với các cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc để có những cuộc điều tra độc lập ở Việt Nam và báo cáo lên Liên Hợp quốc.

 

Về Hội thảo "LIABILITY, RIGHTS AND REMEDIES IN TOXIC TORTS: Local, National and International Responses in the Age of Globalization", chương trình thảo luận được chia thành 03 phiên với các nội dung: (1) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hóa chất gây ra; (2) Cách tiếp cận của pháp luật môi trường đối với bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hóa chất gây ra; và (3) Cách tiếp cận nhân quyền đối với vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. PGS.TS. Nguyễn Như Phát đã có bài tham luận tại đây có chủ đề “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường do chất độc hóa học gây ra theo pháp luật Việt Nam”.

 

Ngoài các nội dung liên quan trực tiếp đến Đề tài, Đoàn đã tiến hành trao đổi với các giáo sư giảng dạy tại các trường đại học về chương trình đào tạo luật ở Hoa Kỳ, gồm: (1) Chương trình thực tập của sinh viên tại các cơ quan chính quyền bang Indiana; (2) Chương trình thực hành của Trung tâm Y tế và Nhân quyền tại Trường Luật McKinney, Đại học Indiana.