•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo “Tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”

01/08/2016
Ngày 27/7/2016, tại Hội trường, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Hội thảo khoa học lần thứ hai của Đề tài cấp Bộ “Tổ chức quyên lực nhà nước ở địa phương trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. PGS.TS. Vũ Thư là Chủ nhiệm đề tài.

Tham gia Hội thảo có TS. Phạm Thị Thúy Nga – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Viện Nhà nước và Pháp luật, GS.TS. Phạm Hồng Thái – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. Tô Văn Hòa – Đại học Luật Hà Nội, TS. Tạ Ngọc Hải – Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cùng các thành viên Đề tài và các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Vũ Thư - Chủ nhiệm Đề tài

 

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thư chỉ ra mục đích của Đề tài là đánh giá việc tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương hiện nay từ đó đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện trên cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam.

 

Về phạm vi nghiên cứu của Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, ngoài việc đánh giá chức năng, nhiệm vụ của HĐND và UBND, mối quan hệ giữa HĐND với UBND cùng cấp cũng như giữa địa phương với trung ương mà Đề tài còn cần nhìn nhận trong mối quan hệ giữa quyền lực nhà nước và quyền lực nhân dân. Bản chất quyền lực nhân dân ở địa phương, vai trò của nhân dân trong việc tổ chức bộ máy nhà nước ở địa phương được thể hiện thế nào. Một vấn đề nữa cần tìm hiểu là mối quan hệ giữa bộ máy của Đảng và bộ máy chính quyền địa phương. Về thực chất, quyền lực nhân dân là quyền lực gốc, được thực hiện thông qua việc ủy quyền cho Đảng và chính quyền.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương và TS. Tạ Ngọc Hải (phải)

 

Trong đề án tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Bộ Chính trị cho phép hợp nhất Ban Tổ chức với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra, Ban Tuyên giáo với Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND-UBND, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, về lý thuyết, việc hợp nhất là có cơ sở khi quyền lực chính trị của Đảng cầm quyền và quyền lực nhà nước đều xuất phát từ nhân dân. Nhân dân có thể ủy quyền cho một dạng thiết chế, là cơ quan có thể nắm giữ cả quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước. Theo đó, trong tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương đề xuất việc hợp nhất không chỉ được thực hiện ở địa phương mà còn trên quy mô cả nước ở các cấp độ khác nhau, hợp nhất giữa người đứng đầu cấp ủy và người đứng đầu UBND.

 

Trao đổi tại Hội thảo, GS.TS. Phạm Hồng Thái cho rằng, để thực hiện việc tổ chức quyền lực nhà nước thì phải có thiết chế được thành lập hợp hiến. Việc thực hiện quyền lực thông qua các cơ quan nhà nước như thế nào là hợp lý. Hiện nay, việc tổ chức thực hiện quyền lực theo chiều dọc, từ trung ương xuống địa phương còn nhiều hạn chế.

 

Bàn về khái niệm quyền lực, PGS.TS. Tô Văn Hòa nhận định có 3 quyền: quyền quyết định, quyền thực thi và quyền giám sát. Trong đó, tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương là quyền quyết định và tổ chức thực hiện tại địa phương. PGS.TS. Tô Văn Hòa đặt vấn đề cần phân định rõ quyền lực nhà nước ở địa phương với tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước tại địa phương, nghĩa là có loại quyền lực được quyết định không phải ở địa phương nhưng luôn được tổ chức tại địa phương. Ví dụ, quy định về thuế không phải từ quyết định của chính quyền địa phương mà là Quốc hội ban hành và được thực hiện tại địa phương. Như thế, việc phân định quyền lực nhà nước ở địa phương cần được hiểu là quyền lực được quyết định và tổ chức thực hiện tại địa phương.

 

PGS.TS. Tô Văn Hòa

 

Về trách nhiệm của Nhà nước trung ương và Nhà nước ở địa phương, theo TS. Tạ Ngọc Hải, trách nhiệm của Nhà nước trung ương là ban hành thể chế, chính sách; đảm bảo an ninh quốc phòng; tranh tra, kiểm tra và quản lý cán bộ. Trách nhiệm của Nhà nước ở địa phương là đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Hiện nay, trách nhiệm thực hiện của hai cấp này chưa được phân định rõ. Nhà nước ở địa phương cần đẩy mạnh phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của người lãnh đạo. TS. Tạ Ngọc Hải nhận định vai trò, quyền lực của HĐND so với các cơ quan nhà nước khác cùng cấp là yếu bởi cơ chế thực hiện quyền lực cũng như năng lực cán bộ yếu.

 

Tiếp theo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng hiện nay việc tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập là do yếu tố từ sự phát triển của kinh tế thị trường. Trong một xã hội mang tính đô thị hóa như hiện nay thì Đề tài cần phân tích sự biển đổi nhanh chóng này đã tác động thế nào đến tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương. Cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cần xác định rõ từng việc cụ thể để thực hiện, từ việc quy hoạch đến đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường chứ không quá chú trọng vào phát triển kinh tế như hiện nay. Mỗi công việc cần được giao cụ thể cho từng người phụ trách chứ không chia theo lĩnh vực như xã hội, kinh tế, văn hóa, an ninh,…

 

Tại Hội thảo, các thành viên đề tài cũng thảo luận về việc kiểm soát quyền lực, tự quản địa phương, vai trò của cơ quan Đảng trong tổ chức quyền lực,…

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Vũ Thư cám ơn các nhà khoa học đã phát biểu đóng góp ý kiến và hy vọng các chuyên đề của Đề tài sẽ được hoàn thành đúng tiến độ và có chất lượng.