•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Chính sách pháp luật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa”

30/10/2024
Đây là hội thảo do Phòng Pháp luật Kinh tế triển khai thực hiện thuộc hoạt động khoa học chung của Viện Nhà nước và Pháp luật. Hội thảo diễn ra ngày 21/10/2024 tại trụ sở 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội.

Tham gia hội thảo có TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện) cùng các nhà khoa học trong Viện. TS. Phạm Thị Hương Lan (Trưởng phòng Phòng Pháp luật Kinh tế) chủ trì hội thảo.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan nêu ra các tiêu chí nhận diện, đặc điểm của doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Mở đầu, TS. Hương Lan trình bày tham luận “Nhận diện doanh nghiệp nhỏ và vừa và vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế ở nước ta hiện nay”. Bài viết đưa ra các tiêu chí để nhận diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc điểm của loại hình doanh nghiệp này và luận giải vì sao Nhà nước đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Việc nhận diện doanh nghiệp nhỏ và vừa (viết tắt tiếng Anh là SMEs) có thể dựa trên các tiêu chí về định tính, định lượng, hoặc theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới WB. Nguyên tắc chung để xác định SMEs là có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân một năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây: Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.

 

Từ những phân tích trên có thể nhận thấy SMEs được xác định theo các tiêu chí và là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, số lượng lao động ít, nguồn vốn ít và doanh thu nhỏ cần được Nhà nước, các tổ chức khác quan tâm, hỗ trợ để phát triển trong tương lai. Bài viết cũng chỉ ra đặc điểm pháp lý và vai trò chính của loại hình doanh nghiệp này. 

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thu Dung trình bày tham luận “Chính sách pháp luật về liên kết SMEs tại Việt Nam”. Nhà nước đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ doanh nhỏ và vừa, Nghị định số 45/2024/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng các văn bản pháp luật chuyên ngành về thuế, tín dụng, lao động… áp dụng cho một số lĩnh vực. Bài viết đã phân tích các giải pháp hỗ trợ chủ yếu của Nhà nước với 03 mảng chính: (i) Hỗ trợ về thông tin, phát triển thương hiệu, cải tiển, nâng cấp nhằm cải thiện năng lực kiên kết của SMEs; (ii) Hỗ trợ xây dựng năng lực đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn đo lường, chất lượng; (iii) Hỗ trợ tài chính. Trong đó, về hỗ trợ tài chính, mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 1 phương án, dự án sản xuất kinh doanh trong cùng một giai đoạn. Doanh nghiệp vay vốn được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng. Trong từng thời kỳ, mức chênh lệch lãi suất được ngân sách nhà nước cấp bù cho các khoản vay của SMEs tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng là 2%/năm.

 

ThS. Nguyễn Thu Dung (bên trái) trình bày tham luận

 

Dù các chính sách pháp luật cho thấy sự cố gắng của Chính phủ trong việc tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn cho SMEs. Tuy nhiên, trên thực tế, thể chế chưa có sự hỗ trợ tốt nhất do có quá nhiều cơ quan tham gia với nhiều chính sách khác nhau gây ra sự chồng chéo, trong khi đó thì Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được kiện toàn, không thể hiện đầy đủ năng lực hỗ trợ của mình. Để cải thiện thực trạng trên, ThS. Thu Dung đưa ra một số giải pháp mà trong đó tập trung vào việc cải cách thể chế thực thi pháp luật, kiện toàn cơ quan có vai trò chính trong cung cấp thông tin và hỗ trợ SMEs. Cần phân cấp thẩm quyền rõ ràng giữa cơ quan có vai trò điều phối và cơ quan có trách nhiệm liên quan, tăng cường sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong việc lưu trữ hồ sơ, thống kê tài liệu.

 

Tham luận thứ ba là của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga có chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế ở nước ta hiện nay”. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có thêm hơn 100.000 SMEs được thành lập mới. Đến cuối năm 2022, có hơn 800.000 SMEs đang hoạt động. Một trong những vai trò quan trọng của SMEs là tạo ra nhiều công ăn viêc làm mới cho người lao động, giảm áp lực về việc làm và thất nghiệp. Trong giai đoạn 2016 - 2017, các SMEs đã thu hút 8,69 triệu lao động (chiếm 60,9% tổng lao động toàn khu vực doanh nghiệp); đến cuối năm 2022 thì thu hút hơn 5,6 triệu lao động.

 

SMEs góp phần tạo môi trường cạnh tranh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và gia tăng nguồn hàng xuất khẩu. Quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi các SMEs phải thường xuyên đổi mới, cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã để cạnh tranh với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hiện nay, SME tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này trên cả nước.

 

Trong nền kinh tế hiện nay, SMEs là khu vực nhạy bén, năng động và sẵn sàng đổi mới so với các doanh nghiệp lớn hơn và đã phát triển ổn định, bởi lẽ: (i) SMEs có thể chuyển đổi cơ cấu của một nền kinh tế thông qua đổi mới, cung cấp các đầu vào trung gian và dịch vụ, cho phép chuyên môn hóa mạnh hơn trong sản xuất; (ii) SMEs có thể tận dụng thị trường ngách mà doanh nghiệp lớn bỏ qua; (iii) SMEs có thể bắt tay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khác trong chuỗi để tái chuyên môn hóa, triển khai sản xuất năng suất hơn và tiêu thụ hiệu quả hơn.

 

Hiện nay, SMEs là động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế ở nước ta với tỷ trọng đóng góp GDP hàng năm từ 40%-60%. Tuy nhiên, tác giả cũng chỉ ra những hạn chế trong hoạt động của loại hình doanh nghiệp này. SMEs chưa phát huy được hết vai trò của mình đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế; mức độ đóng góp cho nền kinh tế ngày càng giảm; chính sách, chương trình trợ giúp rời rạc, manh mún và không đến được với đối tượng; không biết hoặc không tiếp cận được với chính sách. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do công nghệ còn lạc hậu; hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, sức cạnh tranh kém; bất cập về trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động; quy mô nhỏ, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, chủ yếu dựa vào vốn tự có. Nhà nước cũng chưa có những chính sách với những biện pháp thiết thực và hiệu quả để hỗ trợ SMEs.

 

Từ thực trạng nêu trên, báo cáo đưa ra một số giải pháp để SMEs phát triển như: bảo dảm kết cấu hạ tầng tốt; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh trong hoạt động kinh doanh; khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch và hiệu lực cao; đổi mới công nghệ…

 

Từ trái sạng phải: TS. Hoàng Kim Khuyên và ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga

 

Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến toàn cầu, buộc Chính phủ, doanh nghiệp các nước trên thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn trước sự tiến triển không ngừng của công nghệ. Trong đó, chuyển đổi số là tất yếu và vô cùng quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của SMEs. Đây là chủ đề nằm trong tham luận do TS. Hoàng Kim Khuyên thực hiện, “Một số vấn đề pháp lý đặt ra về chuyển sổi số trong SMEs”. Tác giả đưa ra những quan điểm về thực trạng chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực chính: Quản trị nguồn nhân lực và bảo vệ an ninh dữ liệu. Theo đó, chuyển đổi số trong quản trị nguồn nhân lực thể hiện ở hình thức trả lương, tuyển dụng và ký hợp đồng lao động, đào tạo và phát triển năng lực cho người lao động… Tác giả cho rằng, pháp luật cần quy định rõ ràng về khái niệm, những biểu hiện và chế tài của các hành vi xâm phạm, sửa đổi thông tin trong hợp đồng lao động điện tử với mục đích trục lợi, để các bên giao kết hợp đồng lao đồng điện tử có thể nắm rõ và phòng tránh. Theo đó, có thể bổ sung quy định về dấu hiệu của các hành vi nêu trên là việc “truy nhập, sử dụng, tiết lộ, phá hoại trái phép hoặc sửa đổi thông tin trong hợp đồng với mục đích trục lợi”.

 

Hội thảo cũng lắng nghe 2 tham luận: “Chính sách pháp luật trong quản lý nhà nước về hỗ trợ SMEs” của ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và “Vấn đề hỗ trợ pháp lý cho SMEs ở Việt Nam hiện nay” của ThS. Phạm Thị Hiền. Trong tham luận của mình, ThS. Bạch Dương cho rằng, việc hỗ trợ đối với SMEs có phải là nghĩa vụ của Nhà nước không. Những hỗ trợ này phải thuận lợi cho doanh nghiệp, đáp ứng được mong muốn và nhu cầu của doanh nghiệp. Những gói hỗ trợ hiện giờ đã phù hợp chưa là câu hỏi để chúng ta cần xem xét, tìm hiểu để đưa ra câu trả lời.

 

Toàn cảnh buổi tọa đàm

 

Về hỗ trợ pháp lý cho SMEs, ThS. Phạm Thị Hiền đưa ra 3 nội dung chính: Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của SMEs; Hệ thống chính sách pháp luật làm cơ sở thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho SMEs; Một số vấn đề đặt ra trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho SMEs.

 

Báo cáo nhìn nhận, các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho SMEs được triển khai đôi lúc vẫn còn mang tính hình thức, chưa thực sự hiệu quả, thực chất, dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Hiệp hội doanh nghiệp có nơi còn chưa được tham gia vào các chương trình đóng góp ý kiến các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Những văn bản pháp luật mới Hiệp hội cũng không được Sở, ngành nào gửi trực tiếp để phổ biến, tuyên truyền đến doanh nghiệp nên phải lên môi trường mạng tìm kiếm và mày mò làm.

 

Để cải thiện thực trạng này, tác giả đề xuất một số giải pháp mà một trong số đó là về mạng lưới tư vấn viên. Cần nâng cao năng lực cho mạng lưới tư vấn viên ở địa phương để có thể đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho SMEs khi có nhu cầu; công bố công khai mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ pháp lý trên các cổng thông tin của các Bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp có thể nắm bắt được và thuận tiện yêu cầu hỗ trợ kịp thời.