•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư trong bối cảnh cải cách thể chế thị trường ở Việt Nam hiện nay”

03/05/2014
Trong hai ngày 24 và 25/4/2014, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS, CHLB Đức tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư trong bối cảnh cải cách thể chế thị trường ở Việt Nam hiện nay” tại Khách sạn Hotel de l’Opera, 29 Tràng Tiền, Hà Nội.
Hội thảo trân trọng đón nhận sự tham gia của bà Rabea Brauer - Trưởng đại diện Văn phòng Viện KAS ở Việt Nam và GS.TS. Joerg Menzel - Đại học Tổng hợp Bonn, CHLB Đức.
 
Tham gia Hội thảo có đại diện Ban soạn thảo, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo, cùng các đại diện đến từ công ty luật và doanh nghiệp. 
 
Ban Chủ tọa Hội thảo.
 
Chủ tọa và điều hành Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật và GS.TS. Joerg Menzel.
 
Mở đầu Hội thảo là tham luận của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh với chủ đề “Tổng quan về doanh nghiệp và đầu tư trong bối cảnh cải cách thể chế thị trường ở Việt Nam”. Bài tham luận phân tích các nguyên nhân dẫn tới những bất ổn của nền kinh tế hiện nay trong khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Báo cáo chỉ ra rằng, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước hiện nay ngày càng mờ nhat mà nguyên nhân sâu xa của thực trạng này nằm ở hệ thống thể chế. 
 
PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa - Khoa Luật, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh.
 
Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chi phối quyền và cơ hội kinh doanh thông qua một số cơ chế và thể chế liên quan, đặc biệt là thông qua quy hoạch và chiến lược phát triển ngành. Với cơ chế này, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước đã đồng nhất chiến lược và kế hoạch phát triển của toàn ngành với chiến lược và kế hoạch của họ. Chính những ưu đãi về vai trò, vị thế và nguồn lực đã nuôi dưỡng sự thụ động, phụ thuộc của các DNNN. Khi các DNNN hoạt động trì trệ, kém hiệu quả mà vẫn đóng vai trò chủ đạo thì Nhà nước càng phải bơm thêm nguồn lực để cứu những DNNN đã và đang trên bờ vực phá sản. Gánh nặng do hoạt động kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước chuyển thành gánh nặng cho ngân sách và nợ công.
 
Giới thiệu về quy chế áp dụng với DNNN ở CHLB Đức, GS.TS. Joerg Menzel cho biết hiện nay DNNN đã giảm dần về số lượng. Trước đây, giống như Việt Nam, các DNNN vẫn độc quyền trong các lĩnh vực chủ chốt như điện, nước, đường sắt, viễn thông,… Nhưng dưới áp lực của Liên minh Châu Âu, Chính phủ CHLB Đức đã tiến hành tư nhân hóa các doanh nghiệp này trong một số lĩnh vực để phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người dân cũng như chất lượng dịch vụ, không phải toàn bộ các lĩnh vực trên được tư nhân hóa. Chẳng hạn, các lĩnh vực viễn thông và đường sắt vẫn do DNNN quản lý và hoạt động theo quy chế riêng. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác được chính quyền địa phương trực tiếp điều hành theo các cấp từ xã, huyện đến tỉnh.     
 
Tiếp theo, ThS. Phan Đức Hiếu – Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đại diện Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã trình bày mục tiêu, nguyên tắc sửa đổi và nội dung thay đổi cơ bản của Dự thảo Luật Doanh nghiệp 2005 (sửa đổi). Theo đó, Ban soạn thảo xác định mục tiêu tổng quát trong lần sửa đổi này là đưa doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
 
ThS. Phan Đức Hiếu - Viện Quản lý kinh tế Trung ương.
 
Về các loại hình doanh nghiệp, Ban soạn thảo bổ sung khái niệm về doanh nghiệp xã hội (DNXH). Loại hình doanh nghiệp này được các nhà khoa học tại Hội thảo quan tâm thảo luận. Theo ThS. Phan Đức Hiếu, DNXH là loại hình tổ chức kinh doanh không tạo ra một hình thức pháp lý mới, nó có thể là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần. Để đăng ký là DNXH phải đáp ứng một số tiêu chí cơ bản sau:
- Thực hiện mục tiêu xã hội;
- Doanh nghiệp kinh doanh với phần lớn lợi nhuận được tái đầu tư;
- Doanh nghiệp vừa có lợi nhuận vừa hoạt động vì mục đích xã hội.
 
Trao đổi về loại hình doanh nghiệp này, GS.TS. Joerg Menzel cho biết: Ở CHLB Đức, DNXH là pháp nhân được thành lập và hoạt động với mục đích không phải là lợi nhuận mà vì mục đích phục vụ xã hội. Chính phủ Đức rất khuyến khích phát triển mô hình này và có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhất định về thuế.  
 
PGS.TS. Phan Huy Hồng - Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. 
 
Về vấn đề đăng ký ngành, nghề kinh doanh, PGS.TS. Phan Huy Hồng – Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần đổi mới các quy định liên quan để tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh đã được hiến định. Thực tiễn áp dụng các quy định về đăng ký ngành, nghề kinh doanh và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký cho thấy các quy định pháp luật này hoàn toàn không có giá trị bảo vệ bên bị vi phạm trong giao dịch kinh doanh, thương mại mà thậm chí có thể được bên vi phạm sử dụng để giải phóng mình khỏi trách nhiệm hợp đồng. Các quy định này hoàn toàn không cần thiết để bảo vệ “trật tự kinh tế”, bởi vì các quy định về ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã quá đủ để bảo vệ một “trật tự kinh tế” như vậy. 
 
Sáng ngày 25/4/2014, ở phiên thứ ba của Hội thảo, các đại biểu và nhà khoa học đã nghe ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoach và Đầu tư trình bày về mục tiêu và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
 
Dự thảo luật về cơ bản tiếp tục duy trì kết cấu của Luật Đầu tư hiện hành với 9 Chương, 69 điều. So với Luật hiện hành, Dự thảo Luật giữ nguyên 11 điều, sửa đổi 49 điều, bổ sung 9 điều mới và bãi bỏ 29 điều, trong đó bãi bỏ toàn bộ Chương VII về đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời sửa đổi căn bản các nội dung về thủ tục thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam và hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
 
Về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng pháp luật đầu tư, ông Quách Ngọc Tuấn cho biết: Hoạt động đầu tư phải tuân thủ quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; các hoạt động đầu tư chứng khoán, đầu tư thành lập tổ chức tín dụng, bảo hiểm thực hiện theo quy định tương ứng của Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm. Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, những nội dung cụ thể của Dự thảo luật đã phân định rõ mối quan hệ giữa Luật Đầu tư với các luật liên quan khác, bao gồm: Dự thảo Luật Đầu tư công, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước và hoạt động sản xuất kinh doanh; Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế, Luật Xây dựng và Luật Đất đai.
 
Bàn về khung pháp luật về ưu đãi đầu tư ở Việt Nam hiện nay, theo ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương – Viện Nhà nước và Pháp luật, ưu đãi đầu tư là công cụ chính sách nhằm thu hút hoặc định hướng đầu tư theo những mục tiêu phát triển nhất định. Thông thường, ưu đãi đầu tư là các lợi ích kinh tế có thể tính toán, được chính quyền dành cho các nhà đầu tư nhằm hướng họ thực hiện đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực hoặc địa bàn nhất định
 
Toàn cảnh Hội thảo.
 
Để được hưởng ưu đãi, đối với dự án đầu tư trong nước, nhà đầu tư căn cứ vào các ưu đãi và điều kiện ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư để tự xác định ưu đãi và làm thủ tục hưởng ưu đãi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu xác nhận ưu đãi thì cần làm thủ tục đăng ký đầu tư để cơ quan nhà nước quản lý đầu tư ghi ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đầu tư.
 
Để chính sách này đi vào áp dụng trong thực tế, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương đưa ra 4 kiến nghị chính, đó là:
- Cần ban hành các văn bản thống nhất nhằm hướng dẫn cụ thể các quy định về ưu đãi đầu tư, làm rõ vấn đề thủ tục để nhà đầu tư có thể được hưởng ưu đãi;
- Tự động được hưởng các ưu đãi này theo quy định của pháp luật;
- Bãi bỏ các quy đinh về ưu đãi không còn phù hợp;
- Kiểm soát các biện pháp ưu đãi phi thuế, tránh tình trạng xé rào, cạnh tranh thu hút đầu tư không lành mạnh giữa địa phương gây thất thoát ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh chung.     
 
Hội thảo kết thúc với những thảo luật sôi nổi, thẳng thắn về nhiều vấn đề liên quan đến nội dung hai Dự thảo luật, đặc biệt là những hạn chế của Luật Doanh nghiệp hiện hành và những vấn đề cần phải chỉnh sửa, hoàn thiện hơn nữa trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) để sau khi Quốc hội thông qua, Luật Doanh nghiệp mới sẽ đáp ứng được những đòi hỏi từ sự phát triển của nền kinh tế thị trường ở nước ta.

Các tin cùng chuyên mục: