•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học “Việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ TPP và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó”

29/08/2016
Ngày 24/8/2016, tại Hội trường 3D Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1A Liễu Giai, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Việc hình thành các tổ chức công đoàn trong khuôn khổ TPP và các vấn đề pháp lý liên quan đến điều chỉnh hoạt động của các tổ chức đó”.

Hội thảo vinh dự có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Ngàng, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật; TS. Phạm Thị Thúy Nga, Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật cùng các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Đại học Công đoàn, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ, Đại học Lao động xã hội và đông đảo cán bộ nghiên cứu Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn cho rằng, trong những năm qua, Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế một cách sâu rộng. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP mà Việt Nam ký kết có tác động mạnh mẽ không chỉ đối với các quốc gia tham gia Hiệp định mà còn tác động tới khu vực và thế giới. Tham gia vào TPP sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn cho Việt Nam. TPP đề cập tới rất nhiều lĩnh vực trong đó có việc hình thành các tổ chức công đoàn. Đây là một nội dung mới, khi Hiệp định chính thức có hiệu lực sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động của các tổ chức công đoàn, quyền và lợi ích của người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn mong muốn cái đại biểu và nhà khoa học cùng nhau thảo luận làm rõ các nội dung, quy định về tổ chức công đoàn, sự nhìn nhận của các quốc gia thành viên về tổ chức này và gợi mở những giải pháp pháp lý để bảo đảm quyền tự do liên kết của người lao động theo quy định của TPP.

 

GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh chủ trì Hội thảo

 

Hội thảo bao gồm 2 phiên. Phiên thứ nhất có chủ đề “Dự báo tác động của việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động ở Việt Nam theo quy định của TPP” do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì.

 

Mở đầu phiên này, TS. Phạm Thị Thúy Nga thay mặt Ban tổ chức trình bày tóm tắt nội dung của 8 tham luận, nêu ra các quan điểm chính, nổi bật của các tác giả. Nhìn chung, các tham luận tập trung làm rõ 4 vấn đề chính: (1) Quyền tự do lập hội của người lao động, quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo pháp luật quốc tế; (2) Nội dung và yêu cầu của TPP đối với các nước thành viên về bảo đảm quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động; (3) Địa vị pháp lý và thủ tục thành lập tổ chức đại diện của người lao động từ yêu cầu của TPP; (4) Dự báo tác động của việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga

 

Quyền của người lao động được coi là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, quyền này được quy định trong Tuyên ngôn quốc tế về qcn năm 1948 cũng như các công ước quốc tế của Liên hợp quốc về quyền dân sự, chính trị và quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và các công ước của ILO. Theo đó, mọi người đều có quyền lập hội, kể cả quyền lập vào tham gia tổ chức công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình. Các quốc gia thành viên thực hiện quyền tự do lập hội cho người lao động bằng cách áp dụng trực tiếp các công ước hoặc ban hành các văn bản thực thi. Theo thống kê của ILO, quyền tự do lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp của 142 nước. Về ý nghĩa của quyền này, TS. Phạm Thị Thúy Nga nhận định, tự do lập hội là nguyên tắc có phạm vi tác động vượt qua khuôn khổ của pháp luật lao động. Người lao động không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào thì không cần xin phép trước mà hoàn toàn có thể thành lập và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình. Những trường hợp bị hạn chế là vì lợi ích của an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc bảo vệ các quyền của người khác.

 

Các quốc gia thành viên TPP có nghĩa vụ ghi nhận và bảo đảm quyền tự do lập hội. TPP có xu hướng yêu cầu các bên ghi nhận quyền tự do lập hội, tuy nhiên tiêu chuẩn và nội dung như thế nào thì phụ thuộc vào thòa thuận, đàm phán giữa các bên dựa trên hướng dẫn của ILO.

 

TS. Nguyễn Huy Khoa

 

Hình dung về địa vị pháp lý của tổ chức đại diện người lao động từ yêu cầu của TPP, TS. Nguyễn Huy Khoa, Đại học Công đoàn, chỉ ra những yếu tố, đặc điểm sau: Tổ chức đại diện người lao động được hình thành theo yêu cầu của TPP và ILO chỉ có chức năng đại diện người lao động trong quan hệ lao động. Sau khi thành lập, tổ chức đó có quyền tự do lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước theo thủ tục, trình tự được quy định trong luật. Các tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp nằm ngoài và các tổ chức cơ sở trực thuộc hệ thống Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì có các quyền theo quy định của ILO là ngang bằng nhau. Tổ chức đại diện người lao động có quyền tự chủ trong việc bầu ra người đại diện, soạn thảo điều lệ, thương lượng tập thể, lãnh đạo đình côn cũng như có quyền đưa ra ý kiến, tư vấn cho cơ quan chức năng.

 

Về đánh giá tác động của quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động ở Việt Nam, phần lớn các báo cáo nêu ra một số tác động tích cực như: hình thành các tổ chức thực sự đại diện cho người lao động, do người lao động và vì người lao động; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động đặc biệt trong khối kinh tế tư nhân; quan hệ lao động có cơ hội phát triển hài hòa hơn do cơ chế đối thoại, thương lượng tập thể được đảm bảo thực chất hơn. Một điểm tích cực nữa khi thành lập tổ chức này là sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tham gia và tuân thủ các công ước quốc tế.

 

TS. Nguyễn Văn Bình đưa ra 3 kịch bản của việc thực thi quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động ở Việt Nam:

-        Nhà nước ban hành pháp luật rõ ràng, chựt chẽ. Nhà nước có đủ năng lực để tổ chức, thực thi có hiệu quả, bảo đảm các tổ chức công đoàn được thành lập một cách nghiêm túc, thực sự là của người lao động, bảo vệ cho quyền lợi người lao động. Tổng liên đoàn LĐVN, cơ quan duy nhất đại diện cho người lao động, có sự đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là các cán bộ cấp trên cơ sở xuống doanh nghiệp tiếp cận và lôi cuốn NLĐ thành lập các tổ chức công đoàn thật sự;

 

-        Có nhiều tổ chức công đoàn được thành lập, không có tác động xấu đến tình hình an ninh xã hội. Bên cạnh Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì có thêm các tổ chức công đoàn khác nhưng chỉ mang tính chất đại diện cho người lao động. Người lao động được hưởng lợi nhiều hơn, quan hệ lao động tốt hơn;

 

-        Xuất hiện những tổ chức có thể xâm hại đến an ninh, trật tự xã hội. luật pháp không đi vào cuộc sống khiến cho người lao động khó khăn trong thành lập tổ chức công đoàn. Chủ sử dụng lao động sẽ tìm cách thành lập các công đoàn “vàng”, tức là công đoàn chịu sự điều khiển của người sử dụng lao động, đi ngược lại quyền lợi của người lao động.

 

Bình luận câu hỏi của PGS.TS. Nguyễn Như Phát về lý do tổ chức Công đoàn trong thời gian qua chưa lãnh đạo một vụ đình công theo đúng quy định pháp luật, trong khi trên thực tế, thống kê từ năm 1995 đến nay xảy ra hơn 5.000 vụ đình công bất hợp pháp, PGS.TS. Vũ Quang Thọ, Viện Công nhân và Công đoàn, TLĐLĐ Việt Nam cho rằng, vai trò lãnh đạo đình công của Công đoàn còn yếu vì cơ chế bị bó buộc. Trình tự, thủ tục tiến hành đình công quy định trong luật rất phức tạp và không hợp lý.

 

PGS.TS. Vũ Quang Thọ và ông Vũ Đức Tuyên (bìa phải)

 

Theo ông Vũ Đức Tuyên, Vụ Tiền lương, Bộ LĐ, TB và XH, những quy định pháp luật về tranh chấp lao động tuy đã sửa đổi, bổ sung nhiều lần nhưng vẫn chưa ngăn chặn tình trạng đình công bất hợp pháp. Tư tưởng hoà giải là tư tưởng xuyên suốt trong giải quyết tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động. các quy định của pháp luật về cơ chế phòng ngừa tranh chấp lao động hiện không hiệu quả. Mối quan hệ giữa Công đoàn và người lao động rất mờ nhạt, vai trò đại diện của Công đoàn không đạt được.

 

Với câu hỏi của ThS. Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháp luật về tính độc lập của Chủ tịch công đoàn cơ sở và cũng là người lao động, TS. Nguyễn Huy Khoa, cho biết, Chủ tịch công đoàn cơ sở có hai loại, ngoài Chủ tịch công đoàn chuyên trách còn có Chủ tịch công đoàn kiêm nhiệm. Người này gánh vác hai vị thế, vừa là người đại diện cho người lao động vừa là người lao động. Họ cũng chịu sự quản lý  của người sử dụng lao động nên khó có thể độc lập. Vì thế, pháp luật cần có những quy định để tạo sự độc lập của công đoàn như theo chương 19 TPP quy định những người có thể tham gia để can thiệp quyền lợi người lao động, loại trừ những người chịu sự tác động từ chủ sử dụng lao động.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Viện Nhà nước và Pháp luật

 

Phiên thứ hai của Hội thảo có chủ đề “Những vấn đề pháp lý đặt ra và giải pháp pháp lý thực thi TPP về quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động Việt Nam” do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị và TS. Phạm Thị Thúy Nga chủ trì. Chủ đề này có 11 bài tham luận. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị trình bày tóm tắt nội dung của các tham luận này với 6 nội dung chính: (1) Quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động theo TPP/quyền tự do công đoàn theo TPP; (2) Thực trạng pháp luật Việt Nam về quyền tự do thành lập tổ chức đại diện của người lao động/quyền tự do công đoàn; (3) Thưc trạng pháp luật về tổ chức đại diện người lao động ở các nước thành viên TPP và gợi mở đối với Việt Nam; (4) Các điều kiện bảo đảm thực thi cam kết TPP về tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động; các nguyên tắc, các yêu cầu về hoàn thiện pháp luật Việt Nam nhằm bảo đảm thực thi các cam kết TPP; (5) Tác động của việc thực hiện quyền tự do thành lập tổ chức đại diện người lao động theo TPP đến hoạt động quản lý nhà nước về lao động và hoạt động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; (6) Cơ sở pháp lý quốc tế và trong nước để giải quyết tranh chấp về quyền tự do liên kết của người lao động theo TPP.

 

Về nội dung thứ hai, PGS. TS Lê Thị Hoài Thu đưa ra nhận định: Đối với Việt Nam hiện nay, về cơ bản pháp luật về quyền tự do công đoàn, về công đoàn độc lập của người lao động theo tinh thần của TPP và Bản Kế hoạch hành động Việt Nam – Hoa Kỳ nhìn chung là chưa có bởi lẽ từ trước đến nay chúng ta chưa có chủ trương về vấn đề này. Trong tham luận của mình, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, xem xét các cơ sở pháp lý hiến định, cơ sở pháp luật công đoàn và cơ sở pháp luật lao động của Việt Nam đều chưa thật phù hợp với quyền tự do thành lập tổ chức đại diện cho người lao động/quyền tự do công đoàn theo yêu cầu của TPP.

 

TS. Nguyễn Linh Giang, Trưởng phòng Phòng NC Quyền con người,

Viện Nhà nước và Pháp luật

 

Sau khi nghiên cứu pháp luật về công đoàn của các nước thành viên TPP, TS. Nguyễn Linh Giang kết luận: Việt Nam hiện nay là nước duy nhất chưa cho phép đa công đoàn. Việc sửa đổi pháp luật cũng như thay đổi tư duy về công đoàn nói riêng và quyền tự do lập hội nói chung của người dân là một việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Kinh nghiệm của các nước khác trong TPP cũng là những bài học mà Việt Nam cần xem xét để áp dụng trong giai đoạn tới đây. Theo TS. Nguyễn Linh Giang, nếu muốn giữ được vai trò lãnh đạo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thì cần học tập mô hình của Singapore. Đảo quốc này cho phép đa công đoàn nhưng Đại hội công đoàn quốc gia Singapore (NTUC) vẫn là cơ quan duy nhất nắm giữ vai trò lãnh đạo công đoàn với 98% thành viên thuộc các công đoàn trực thuộc của tổ chức này. Muốn làm được điều đó, bản thân Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng phải cải tổ lại hoạt động của mình để có được lòng tin của người lao động.

 

Bàn về khả năng độc lập của Công đoàn và mô hình Công đoàn ở một số quốc gia, TS. Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng nhóm đàm phán TPP về lao động, cho rằng, chúng ta cần nhận thức liệu có tổ chức đại diện người lao động mà do người sử dụng lao động lập nên vì lợi ích của ng lao động không? Công đoàn độc lập với người sử dụng lao động hay độc lập với Nhà nước, tổ chức chính trị? Công ước quốc tế số 87 năm 1998 của ILO chủ yếu nói đến công đoàn độc lập với chủ sử dụng lao động, còn quan hệ giữa công đoàn với Nhà nước, đảng cầm quyền thì công ước không cấm mối quan hệ này, đó là quyền tự quyết định của các chủ thể.

 

TS. Nguyễn Mạnh Cường, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

 

Nhằm hoàn thiện pháp luật về tổ chức hoạt động công đoàn, TS. Nguyễn Mạnh Cường gợi ý: Luật Công đoàn nên đổi tên thành Luật Điều chỉnh Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Còn luật về công đoàn nên được quy định thành một chương của Bộ luật Lao động. Cần phân định rõ sự giống nhau và khác nhau của hai tổ chức này. Theo quy định của TPP, tổ chức của người lao động chỉ thực hiện các vấn đề liên quan đến quan hệ lao động trong khi Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hiện nay thực hiện quá nhiều chức năng.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhận định Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến, thảo luận về những vấn đề nóng hổi, cấp thiết hiện nay. TPP không đưa ra các tiêu chuẩn riêng về người lao động mà chỉ nhắc lại các quy định đã được ghi nhận trong các công ước. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp của mình có quyền tự do lực chọn tham gia các tổ chức đại diện cho mình. Vì thế, để đảm bảo quyền của người lao động đòi hỏi  phải phát huy vai trò của tổ chức của người lao động.

 

Hội thảo dự báo có nhiều kịch bản xảy ra khi Việt Nam tham gia thực hiện các cam kết của TPP. Hội thảo khẳng định phải đảm bảo được sự độc lập của các tổ chức công đoàn đối với người sử dụng lao động. Hệ thống pháp luật Việt Nam cần phải sửa đổi, bổ sung xuất phát từ chính đòi hỏi cầp thiết đổi mới hoạt động công đoàn và đáp ứng quyền lợi người lao động còn việc gia nhập TPP chỉ là nhân tố thúc đẩy quá trình hoàn thiện pháp luật.