•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững”

23/10/2024
Ngày 10/10/2024, Hội thảo quốc gia “Xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững” do Trường Đại học Thủy Lợi, Viện Nhà nước và Pháp luật, Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Trường Đại học Luật Hà Nội và Công ty Luật TNHH Sen Vàng đồng tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

GS.TS. Nguyễn Trung Việt (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi) phát biểu khai mạc hội thảo

 

Tham dự hội thảo, về phía lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ông Nguyễn Hồng Khanh (Phó Cục trưởng Cục Thuỷ lợi). Về phía các Bộ, ngành trung ương có TS. Nguyễn Văn Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Văn phòng Quốc hội), TS. Nguyễn Văn Cương (Viện Chiến lược và Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp), TS. Nguyễn Thanh Tú (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự, Bộ Tư pháp, TS. Mai Đức Thiện (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

 

Về phía Trường Đại học Thủy lợi, đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo, có PGS.TS. Nguyễn Hữu Huế (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường), GS.TS. Trịnh Minh Thụ (Hiệu trưởng), GS.TS. Nguyễn Trung Việt (Phó Hiệu trưởng).

 

Về phía các đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo có GS.TS. Lê Hồng Hạnh (Tổng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam), TS. Phạm Thị Thúy Nga (Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nhà nước và Pháp luật), PGS.TS. Tô Văn Hòa (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội), ông Bùi Phan Anh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Sen Vàng).

 

Tham gia hội thảo còn có đại diện của các trường đại học, công ty luật, cơ quan báo chí, các nhà khoa học và các cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của Trường Đại học Thủy lợi.

 

Phát biểu khai mạc, GS.TS. Nguyễn Trung Việt mong muốn, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà nghiên cứu thảo luận, trao đổi về những vấn đề lý luận, thực tiễn đóng góp vào việc nâng cao năng lực thể chế từ đó thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi

 

Đại diện Cục Thủy lợi, ông Nguyễn Hồng Khanh chia sẻ, đối với những người làm quản lý nhà nước thì thể chế là câu chuyện liên tục được đặt ra và cần được hoàn thiện vì đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của một quốc gia nói chung cũng như một hệ thống, tổ chức nói riêng. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi, theo ông Khanh, thực tế vận hành đã đặt ra rất nhiều vấn đề đối với công tác quản lý tài nguyên nước làm sao cho hiệu quả, cho minh bạch giữa các ngành với nhau. “Thông qua Hội thảo này, với những kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học cũng như những ý kiến đề xuất, kiến nghị, hy vọng chúng ta sẽ có một hệ thống thể chế hoàn thiện trong thời gian tới để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phát triển tối đa hiệu quả các công trình thủy lợi” - ông Nguyễn Hồng Khanh kỳ vọng.

 

Mở đầu phiên thứ nhất “Chính sách pháp luật về bảo vệ tài nguyên nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”, GS.TS. Lê Hồng Hạnh trình bày tham luận “Luật Tài nguyên nước năm 2023 nhìn từ các yêu cầu phổ quát - Kỳ vọng và những biến số tiềm ẩn cần lưu ý trong thi hành. Ông khẳng định nước là tài nguyên vô giá. Nhận thức này ngày nay đã trở thành yếu tố không thể thay đổi trong hoạt động bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào. Theo Giáo sư, tài nguyên nước có được bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả để đáp ứng an sinh xã hội và sản xuất hay không phụ thuộc vào thể chế tài nguyên nước. Thể chế tài nguyên nước, trước hết là chính sách pháp luật, chỉ hiệu quả và phát huy được vai trò của nó khi được xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.

 

GS.TS. Lê Hồng Hạnh nhìn nhận về Luật Tài nguyên nước 2023 

 

Luật Tài nguyên nước 2023 và một vài văn bản hướng dẫn thi hành đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá còn nhiều thách thức, đặc biệt là những tác động của việc nguồn nước những con sông quốc tế chảy qua Việt Nam. GS.TS. Lê Hồng Hạnh cho rằng, pháp luật tài nguyên nước hiện hành khẳng định nhiều nguyên tắc phổ quát của pháp luật quốc tế về tài nguyên nước. Bên cạnh đó, Giáo sư cũng đã nêu ra các nhóm giải pháp ngăn chặn rủi ro để thi hành hiệu quả Luật Tài nguyên nước 2023.

 

Tiếp theo, hội thảo lắng nghe GS.TS. Nguyễn Hồng Thao (Phó Chủ tịch Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc) trình bày tham luận “Quản lý, sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước liên quốc gia Tiểu vùng sông Mê Kông - Tình huống Kênh đào Funan Techo. GS.TS. Nguyễn Hồng Thao nhìn nhận, vấn đề xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế đảm bảo thực hiện các mục tiêu của phát triển bền vững không chỉ giới hạn ở tầm một quốc gia, một địa phương mà phải ở tầm khu vực và thế giới. Quản lý bền vững nguồn nước liên quốc gia như sông Mê Kông sẽ giúp các nước có dòng sông đi qua quản trị tốt hơn việc sản xuất lương thực và năng lượng, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế và xã hội. Ngoài ra, nó cũng sẽ giúp bảo vệ các hệ thống sinh thái nước chung của lưu vực sông Mê Kông, tính đa dạng sinh học và khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu.

 

GS.TS. Nguyễn Hồng Thao

 

“Việt Nam cần phát huy vai trò chủ động của mình trong việc xây dựng và phát triển các cơ chế hợp tác vùng, Tiểu vùng liên quan đến sông Mê Kông, đưa ra các sáng kiến và vận động các nước liên quan ủng hộ thực thi nhằm khắc phục các hạn chế trong các cơ chế hợp tác hiện có. Việt Nam và Campuchia có thể tham khảo thêm kinh nghiệm quản lý các nguồn nước quốc tế tại sông Nile, sông Danube, sông Rhein. Tuân thủ các nguyên tắc của luật quốc tế về môi trường sẽ tạo động lực tốt nhất cho các nước Tiểu vùng sông Mê Kông phát triển thịnh vượng, lành mạnh, vì lợi ích của thế hệ hôm nay và mai sau” - GS.TS. Nguyễn Hồng Thao chia sẻ.

 

Trao đổi về tham luận của GS. TS. Lê Hồng Hạnh, TS. Bùi Đức Hiển (Viện Nhà nước và Pháp luật) mong muốn giáo sư làm rõ Luật Tài nguyên nước 2023 đã đảm bảo an ninh nguồn nước hay chưa? Ông cho rằng, khi một khái niệm được quy định trong luật thì khái niệm đó phải chứa đựng những nội hàm cụ thể như an ninh nguồn nước từ khía cạnh sử dụng hay từ khía cạnh tiếp cận tài nguyên nước. Mỗi khía cạnh đòi hỏi phải có những yêu cầu cụ thể về quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể. Điều này thì luật chưa quy định, vì thế việc này đòi hỏi cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu và cụ thể hơn.

 

TS. Phạm Thị Thúy Nga (bìa trái) cùng GS.TS. Nguyễn Trung Việt (giữa) và GS.TS. Lê Hồng Hạnh

đồng chủ trì phiên hai hội thảo

 

Phiên thứ hai bắt đầu với sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Trung Việt, GS.TS. Lê Hồng Hạnh và TS. Phạm Thị Thúy Nga. Phiên thảo luận này có chủ đề “Chính sách pháp luật về môi trường, thị trường lao động và an sinh xã hội thúc đẩy phát triển bền vững. Mở đầu phiên là tham luận của TS. Nguyễn Hùng (Trường Đại học Công nghiệp Việt – Hung), “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam từ kinh nghiệm một số quốc gia. Trong báo cáo của mình, TS. Nguyễn Hùng đã làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về kinh tế tuần hoàn, từ lịch sử hình thành, định nghĩa, nội hàm cho đến ý nghĩa của việc áp dụng nó. Bên cạnh đó, bài viết cũng đã khái quát, đánh giá chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn của Liên minh Châu Âu và Trung Quốc, khu vực và quốc gia được xem là có nhiều thành công trong áp dụng mô hình này; nêu ra thực trạng chính sách pháp luật về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam và đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện. TS. Nguyễn Hùng khẳng định, nền kinh tế tuần hoàn chính là tương lai của nhân loại. Việt Nam cần nhanh chóng có các giải pháp để xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn của chính mình vì một nền kinh tế phát triển bền vững.

 

 

Báo cáo thứ hai của phiên là của ThS. Lee Hyung Yeon (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Luật Việt – Hàn) có chủ đề “Kinh nghiệm hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm bảo vệ tài nguyên nước của Hàn Quốc. Tác giả cho rằng, Hàn Quốc hiện đang phải gánh chịu những tổn thất về sức khỏe người dân và nền kinh tế quốc gia do những hạn chế về sự bất bình đẳng trong việc sử dụng nước, sử dụng đất cũng như việc không chia sẻ nước một cách hợp lý giữa thượng nguồn và hạ nguồn và giữa các vùng. Một quy hoạch quốc gia vì mục tiêu phát triển bền vững phải đưa ra tầm nhìn về quản lý nước trong tương lai, bao gồm các giá trị cốt lõi và mục đích chính của Chính phủ. Có thể nói, việc thiếu tính kết nối với các luật và chính sách khác sẽ dẫn đến sự lãng phí tài chính và nhân lực quốc gia, đồng thời các mục tiêu không rõ ràng sẽ làm suy yếu hiệu lực pháp lý.

 

Sau đó, TS. Bùi Đức Hiển trình bày tham luận “Mấy vấn đề pháp lý về bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, trong bối cảnh thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam”. Theo Tiến sĩ, quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền con người cơ bản được pháp luật quốc tế cũng như nhiều quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Tác giả đã phân tích, làm rõ một số vấn đề lý luận pháp luật về bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành trong mối quan hệ với phát triển bền vững; chỉ ra những bất cập, hạn chế, thiếu sót và đưa ra bối cảnh và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành ở Việt Nam trong thời gian tới.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày tham luận

 

Về thực trạng hiện nay ở Việt Nam, tác giả nhận định, tuy quyền được sống trong môi trường trong lành là một quyền con người cơ bản, nhưng đang bị xâm phạm do tình trạng ô nhiễm môi trường từ các hoạt động kinh tế gây ra. Muốn đảm bảo quyền này thì cách tốt nhất là thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững để đảm bảo hoạt động kinh tế sẽ không gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, để xử lý hành vi xâm phạm quyền con người được sống trong môi trường trong lành thì Nhà nước cần phải hoàn thiện cả thể chế pháp lý và thiết chế pháp lý ở các cấp độ khác nhau để bảo đảm quyền này.

 

Tham luận cuối phiên do PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương (Phó Viện trưởng Viện Luật so sánh, Trường Đại học Luật Hà Nội) trình bày, “Hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngày nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, hoàn thiện pháp luật an sinh xã hội là thách thức, nhưng cũng là yêu cầu bắt buộc đối với mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, đây là chủ đề được quan tâm hàng đầu, tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. An sinh xã hội và phát triển bền vững là hai vấn đề song hành. Đảm bảo an sinh xã hội là cách thức, cũng là thước đo đánh giá khả năng phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, cần từng bước hoàn thiện pháp luật, hướng đến mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra. Với quan điểm xác định con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước, bảo vệ con người và đảm bảo các điều kiện sống cho con người là đích đến nhưng cũng là phương thức phát triển. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật an sinh và nâng cao hiệu quả thực thi là yêu cầu bắt buộc để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

 

PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương (Trường Đại học Luật Hà Nội)

 

Thảo luận tại hội thảo, TS. Hoàng Kim Khuyên (Viện Nhà nước và Pháp luật) muốn PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương đưa ra ý kiến về việc nếu trong tương lai Việt Nam có chính sách an sinh xã hội riêng thì quan điểm, định hướng gắn với mục tiêu phát triển bền vững sẽ được thể hiện thế nào trong chiến lược này? PGS.TS. Hiền Phương cho rằng, an sinh xã hội và phát triển bền vững luôn đi cùng với nhau và đã được Đảng và Nhà nước đề cập trong rất nhiều các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật. Để cụ thể hóa và thực thi đồng bộ chính sách an sinh xã hội thì cần xác định rõ mục tiêu cho từng giai đoạn với lộ trình cụ thể cũng như xác định rõ nguyên tắc thực thi, xây dựng và hoàn thiện từng nội dung của hệ thống. Vai trò của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quy trình này nhưng cần thiết phải có cơ chế xã hội hóa cho hoạt động này để tăng nguồn thu đáp ứng cho các mục tiêu an sinh xã hội đề ra.

 

TS. Hoàng Kim Khuyên trao đổi về tham luận của PGS.TS. Nguyễn Hiền Phương

 

Trao đổi về tham luận của TS. Nguyễn Hùng, theo ThS. Nguyễn Thu Dung (Viện Nhà nước và Pháp luật), vào thời điểm này, tác giả sẽ ưu tiên chọn giải pháp nào cho kinh tế tuần hoàn. TS. Nguyễn Hùng cho rằng, khi chưa có đạo luật riêng về kinh tế tuần hoàn thì việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về kinh tế tuần hoàn là giải pháp hàng đầu.  

 

Các đại biểu, nhà khoa học cũng đã bình luận, trao đổi về các vấn đề khác liên quan đến: chế tài hành chính và hình sự trong xử lý vi phạm về môi trường; quy hoạch, kế hoach quản lý nguồn nước ở Hàn Quốc; mối liên hệ giữa bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại trong chính sách an sinh xã hội…

 

Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS. Lê Hồng Hạnh gửi lời cảm ơn chân thành đến các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian đến tham dự và phát biểu. Ông ghi nhận những ý kiến chia sẻ, thảo luận và đề xuất, khuyến nghị của các đại biểu. Những ý kiến này không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, kinh tế và xã hội. Những kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở quan trọng để các nhà quản lý, nhà khoa học tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện hệ thống thể chế, hướng tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm