•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo lần hai Đề tài cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay”

13/09/2016
Ngày 9/9/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Ban chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ 2015 - 2016 “Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay” do PGS. TS. Phạm Hữu Nghị làm Chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo khoa học lần thứ hai.

Tham gia Hội thảo có TS. Lê Mai Thanh – Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, TS. Nguyễn Văn Phương – Trưởng Bộ môn Luật Môi trường, Đại học Luật Hà Nội, các thành viên Đề tài và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, Chủ nhiệm Đề tài

 

Tại Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đã báo cáo về tiến độ thực hiện Đề tài và kết quả nghiên cứu của các chuyên đề của Đề tài. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu đã đạt được, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày về khung của Báo cáo tổng hợp và các kết quả nghiên cứu dự kiến được đưa vào Báo cáo tổng hợp.

 

Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, cơ cấu của Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu của Đề tài bao gồm:

 

Mở đầu

Chương 1: Những vấn đề chung về biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu và chính sách đối với ứng phó với biến đổi khí hậu

1.1. Quan niệm về biến đổi khí hậu và nguyên nhân của biến đổi khí hậu

1.2. Các tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta

1.3. Chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

- Khái niệm chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

- Các yêu cầu đặt ra đối với chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

- Nội dung của chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu

Chương 2: Thực trạng chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

2.1. Khái quát về chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí

2.2. Thực trạng chính sách pháp luật về thích ứng với biến đổi khí hậu

2.3. Thực trạng chính sách pháp luật giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu

2.4. Thực trạng cơ sở pháp lý của các thiết chế ứng phó với biến đổi khí hậu

Chương 3: Quan điểm và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay

3.1. Quan điểm xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu

3.2. Giải pháp xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu

Kết luận

           

Sau khi nghe Chủ nhiệm Đề tài báo cáo về tiến độ, dự kiến khung Báo cáo tổng hợp và các kết quả nghiên cứu chủ yếu, các thành viên Đề tài và các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề mà Chủ nhiệm Đề tài gợi ý.

 

TS. Lê Mai Thanh (trái) và TS. Nguyễn Văn Phương (giữa)

 

TS. Nguyễn Văn Phương cho rằng, khái niệm chính sách pháp luật và chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu cần được thể hiện rõ ràng hơn trong Báo cáo tổng hợp. TS. Nguyễn Văn Phương lưu ý đến các thiết chế nhà nước và các thiết chế dân sự về ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo TS. Phương, khi trình bày pháp luật quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu nên nêu sự đóng góp của Việt Nam trong việc soạn thảo và thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu.

 

ThS. Nguyễn Tiến Đức, phòng NC Pháp luật Quốc tế góp ý kiến về việc cần phải nhấn mạnh nguyên tắc bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

TS. Lê Mai Thanh cho biết, qua tra cứu, TS. Thanh nhận thấy khái niệm chính sách pháp luật rất ít được các nhà luật học trên thế giới sử dụng. Chính sách pháp luật dù hiểu ở nghĩa nào cũng cần coi trọng tính hợp lý, hợp lòng dân thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong quan điểm, định hướng và giải pháp giải quyết các vấn đề của xã hội, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

           

ThS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện Nhà nước và Pháp luật

 

ThS. Nguyễn Thanh Tùng đồng ý với ThS. Nguyễn Tiến Đức về luận điểm cần coi trọng quan điểm bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Về vấn đề nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, ThS. Tùng cho rằng, cần đa dạng các hoạt động giáo dục, đào tạo, tuyên truyền giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

NCV. Vũ Hoàng Dương, phòng NC Nhà nước pháp quyền nhất trí với các tiếp cận nội dung của chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu gồm hai nội dung chủ yếu là thích nghi và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời NCV. Dương góp ý nên bổ sung nội dung phân tích các nguyên nhân của biến đổi khí hậu, vì đây là căn cứ để đề xuất các giải pháp xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu.

 

 

Kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đã cảm ơn các thành viên Đề tài, các cán bộ nghiên cứu của Viện đã đến dự và tham gia trao đổi, có những ý kiến đóng góp rất bổ ích cho Đề tài. Chủ nhiệm Đề tài khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện Đề tài trong thời gian sắp tới, bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn và có chất lượng tốt.