•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hội thảo quốc tế “Môi trường và Nhà nước pháp quyền: Tăng cường thực thi pháp luật về môi trường ở khu vực Đông Nam Á”

28/10/2014
Trong 02 ngày, 21-22/10/2014, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Viện KAS, CHLB Đức tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Môi trường và Nhà nước pháp quyền: Tăng cường thực thi pháp luật về môi trường ở khu vực Đông Nam Á” tại Khách sạn Hotel de l’Opera, 29 Tràng Tiền, Hà Nội.

Mở đầu Hội thảo là lời phát biểu của ông Marc Spitzkatz, Giám đốc Chương trình Pháp quyền Châu Á, Viện KAS. Ông cho biết, Chương trình Pháp quyền Châu Á của Viện KAS đã triển khai tọa đàm luật môi trường thường niên từ năm 2012. Năm nay, các buổi tọa đàm được tổ chức tại Philippines, Indonesia và Việt Nam. Là một khu vực được thiên nhiên ưu đãi với sự phong phú của tài nguyên thiên nhiên đồng thời xuất hiện nhiều vấn đề môi trường khác nhau đã xảy ra trong những năm gần đây, sự đồng thuận đối với vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra nhằm đáp ứng tình hình hiện nay là nhu cầu thiết yếu.

 

 

Mục tiêu thực thi pháp luật về môi trường phù hợp với mục tiêu lâu dài của Viện KAS trong việc tạo ra tiếng nói chung để thúc đẩy công bằng xã hội, hiệu quả kinh tế và bền vững về mặt sinh thái. Do đó, Nhà nước pháp quyền là một yếu tố quan trọng để thực hiện mục tiêu này.

 

Bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những nhu cầu cấp bách xét trên nhiều phương diện: sự phát triển bền vững của đất nước; đảm bảo quyền con người, an ninh quốc gia;… Trong bài tham luận của mình, "Nhà nước pháp quyền và nhu cầu bảo vệ môi trường quốc gia" GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện NC Pháp luật và Kinh tế ASEAN, phân tích các nhu cầu bảo vệ môi trường quốc gia trong mối liên hệ với các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

 

Thứ nhất là vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phân tích pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường không thể không đề cập những chủ trương, chính sách về bảo vệ môi trường mà Đảng ban hành, chẳng hạn như: Nghị quyết 41/NQ-TW ngày 15/11/2004, Cương lĩnh xây dựng Chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển được thông quan tại Đại hội Đảng lần thứ XI, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là vấn đề được đặc biệt quan tâm) và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2011-2020,…

 

Thứ hai là phát triển hệ thống pháp luật với những đạo luật cơ bản được ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học 2008, Luật Bảo vệ tài nguyên nước 2012, Luật Khoáng sản. Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật, Việt Nam đã phê duyệt nhiều công ước quốc tế quan trọng về bảo vệ môi trường. Việt Nam cũng hợp tác với các nước rong cộng đồng ASEAN thực hiện các chương trình hành động chung về bảo vệ môi trường.

 

Tiếp theo là bài tham luận của PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, chuyên gia luật môi trường, đất đai, “Nhà nước pháp quyền và các cơ chế pháp lý đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành”. Nhận định về mối liên hệ này, ông cho rằng một tiêu chí không thể thiếu để đo tính pháp quyền của một Nhà nước chính là Nhà nước phải tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền con người được sống trong môi trường trong lành.

 

Cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền con người sống trong môi trường trong lành được hiểu là các thiết chế và thể chế pháp lý bảo đảm cho quyền con người được thực hiện trong cuộc sống. Theo đó, yếu tố thể chế trong cơ chế pháp lý bảo đảm thực hiện quyền con người sống trong môi trường trong lành được thể hiện trong:

-          Thể chế hiến pháp: Lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận quyền con người đối với môi trường tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013, “Mọi người có quyền được sống trong moi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Ngoài ra, nguyên tắc người gây thiệt hại môi trường phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại được ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại” (Khoản 3 Điều 63 Hiến pháp 2013).

-          Thể chế luật nội dung: Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005 và mới nhất là Luật Bảo về môi trường năm 2014. Ngoài ra còn có các đạo luật liên quan khác.

-          Thể chế luật hình thức: quy định về phương thức, trình tự, thủ tục yêu cầu, khởi kiện khi quyền con người sống trong môi trường trong lành bị xâm hại, bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường.

 

Trả lời câu hỏi của GS. Laode M.Syarif, Tổ chức KEMITRAAN (Indonesia) về hiệu lực thi hành trực tiếp của Hiến pháp trong Điều 43 Hiến pháp 2013, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho biết Hiến pháp 2013 nêu rõ Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền con người được sống trong môi trường trong lành. Hiện nay, Việt Nam đang xem xét chỉnh sửa các đạo luật để người dân có thể khởi kiện khi quyền của họ bị xâm hại.

 

Vấn đề thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường được các đại biểu quan tâm. GS. Koh Kheng Lian – Đại học Quốc gia Singapore cho biết, ở Singapore một trong những quyền và nhiệm vụ của Tòa án tối cao là giải thích nội hàm của Hiến pháp. Vì thế, Tòa án có thể áp dụng trực tiếp pháp luật từ quy định của Hiến pháp. Còn ở Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho biết chức năng giải thích Hiến pháp, giải thích luật được giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động này diễn ra không nhiều. Việt Nam chưa xây dựng quy trình, thủ tục để thực hiện và giá trị pháp lý của hoạt động này không được xác định. Theo GS. Jorg Menzel – Đại học Bonn (CHLB Đức), thực thi pháp luật trong vấn đề này ở nhiều nước là rất khó khăn, với những vấn đề đặt ra như: cơ chế bảo vệ như thế nào, có cần một Tòa án chuyên biệt để giải quyết vụ việc về môi trường không, xác định thiết chế nào là phù hợp để xem xét, giải quyết vụ việc liên quan đến quyền này. Vai trò, năng lực của các tổ chức xã hội dân sự trong việc bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.

 

Về cơ chế hợp tác quốc tế nhằm phòng chống tội phạm môi trường, tại Hội thảo, GS. Menzel tham gia với bài tham luận “Các khía cạnh của trách nhiệm hình sự trong pháp luật quốc tế về môi trường”. Ông cho biết, ngày nay, các luật chuyên ngành có xu hướng đưa ra các chế tài hình sự với các hành vi vi phạm môi trường xảy ra. Ông cho rằng, việc xử lý hình sự nên là biện pháp cuối cùng. Trước đó, Tòa án có thể áp dụng thủ tục tố tụng hành chính để xử lý.

 

Về thẩm quyền xét xử tội phạm môi trường xuyên quốc gia, dựa trên nguyên tắc thẩm quyền biên giới, quốc tịch, các quốc gia liên quan có thể thương lượng, áp dụng hiệp định tương trợ tư pháp để dẫn độ tội phạm về một quốc gia để xét xử. Những hành vi vi phạm môi trường do cẩu thả, vô ý thì việc xác định áp dụng chế tài hình sự hay chuyển sang một hình thức khác như nộp tiền phạt nhiều khi không dễ dàng.

 

Bình luận về vai trò của ASEAN trong việc phòng chống tội phạm môi trường, cụ thể là về buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia bất hợp pháp, GS. Koh Kheng Lian mong muốn vấn đề này cần đưa vào chương trình nghị sự tại các cuộc họp bộ trưởng của ASEAN. Bà cho rằng, vấn đề môi trường cần là một trụ cột trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, có tầm quan trọng ngang với với các trụ cột về kinh tế và an ninh. Ngày 10/8/2014, các quốc gia trong khối ASEAN đã nhất trí về các biện pháp thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (Công ước CITES). Đây là một tiền đề để các quốc gia ASEAN mở rộng mạng lưới xuyên quốc gia về việc hợp tác, ngăn chặn, xử lý tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

 

Ngoài các tham luận nêu trên, các nhà khoa học đã cùng lắng nghe và thảo luận về các vấn đề khác:

-          Nhà nước pháp quyền và quyền tiếp cận thông tin về môi trường ở Việt Nam;

-          Xung đột môi trường và cơ chế giải quyết tranh chấp môi trường trong Nhà nước pháp quyền;

-          Phòng chống và ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp – GS. Gloria Ramos, Philippines;

-          Vai trò của tòa án đặc biệt trong cuộc chiến chống tội phạm về môi trường ở Indonesia – GS. Laode Syarif, Indonesia.

 

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng Hội thảo đã diễn ra thành công. Các nhà khoa học đã thảo luận tích cực, các tham luận có chủ đề đa dạng gây hứng thú. Chắc chắn các đại biểu đã có thêm nhiều thông tin, thu nhận nhiều kiến thức hữu ích từ Hội thảo này.  PGS.TS. Nguyễn Như Phát cũng cám ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của cá nhân ông Marc Spitzkatz và Viện KAS nói chung trong việc lên kế hoạch và tổ chức Hội thảo này.