•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

NCS. Bùi Đức Hiển báo cáo thực hiện luận án “Pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam”

28/09/2015
Ngày 23/9/2015, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, NCS. Bùi Đức Hiển – nghiên cứu viên phòng Pháp luật Môi trường báo cáo việc thực hiện luận án trước lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

NCS. Bùi Đức Hiển (bên trái)

 

Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS. Phạm Hữu Nghị. Đến thời điểm này, luận án đã bảo vệ xong cấp cơ sở và gửi đến phản biện kín.

 

Kết cấu luận án gồm phần Mở đầu và 4 chương:

- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu

- Chương 2: Những vấn đề lý luận về pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí (KSONMTKK)

- Chương 3: Thực trạng pháp luật về KSONMTKK ở Việt Nam hiện nay

- Chương 4: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về KSONMTKK ở Việt Nam

 

Theo tác giả, KSONMTKK là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải và là quyền của các chủ thể khác trong phòng ngừa, dự báo; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường không khí, hiện trạng môi trường không khí; sự biến đổi của môi trường không khí; ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, cải tạo phục hồi hiện trạng môi trường không khí; xử lý các hành vi làm ô nhiễm môi trường không khí nhằm đảm bảo cho môi trường không khí được trong lành, sạch đẹp.

 

Ngoài các đặc điểm chung của kiểm soát ô nhiễm môi trường như chủ thể, mục tiêu, phương thức kiểm soát… thì so với môi trường đất, nước, môi trường không khí có nhiều điểm đặc biệt, đó là:

- Phải KSONMTKK tại nguồn;

- Việc KSONMTKK cần có sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương, các vùng và giữa các quốc gia trong khu vực và toàn cầu;

- Khẳng định trách nhiệm hàng đầu của nhà nước và các chủ nguồn thải;

- Nhấn mạnh ý nghĩa, giá trị về mặt sức khỏe, sinh tồn của môi trường không khí đối với con người trong KSONMTKK.

 

Những phân tích, lập luận của tác giả tại Chương 2 nhằm biện minh cho tầm quan trọng, vai trò của pháp luật trong KSONMTKK. Trên cơ sở nội hàm của thuật ngữ kiểm soát ô nhiễm và đặc thù của môi trường không khí, NCS Bùi Đức Hiển cho rằng, pháp luật về KSONMTKK là tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải và các chủ thể khác trong phòng ngừa, dự báo; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường không khí, hiện trạng môi trường không khí; sự biến đổi của môi trường không khí; ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, cải tạo phục hồi hiện trạng môi trường không khí; xử lý các hành vi làm ô nhiễm môi trường không khí nhằm đảm bảo cho môi trường không khí được trong lành, sạch đẹp.

 

Hiện nay, ở Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn: Quy chuẩn chất lượng môi trường không khí xung quanh và Quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải. Phân tích thực trạng pháp luật về KSONMTKK ở Việt Nam, tác giả kết hợp, lồng ghép việc phân tích, làm sáng tỏ các quy định pháp luật với việc chỉ ra thực trạng ô nhiễm môi trường dựa trên các báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các chỉ số về tiếng ồn, bụi và khí thải độc hại trên các báo cáo này đều cao hơn quy chuẩn cho phép. Dựa vào những phân tích trên, tác giả chỉ ra những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của những bất cập theo quy định của pháp luật cũng như trên thực tế.

 

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn được làm sáng tỏ, luận án chỉ ra nhu cầu hoàn thiện pháp luật về KSONMTKK ở nước ta xuất phát từ yêu cầu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển bền vững, hội nhập khu vực và quốc tế cũng như thực trạng các quy định pháp luật và từ chính thực tiễn ô nhiễm môi trường không khí hiện nay. Bình luận về nhu cầu phát triển bền vững, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng yếu tố phát triển bền vững thường đối nghịch với tăng trưởng kinh tế. Vì thế, pháp luật cần được hoàn thiện thế nào để tạo ra sự hòa giữa hai yếu tố này?

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

  

Nhận xét về luận án, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng, trong khái niệm về KSONMTKK, hành vi theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những tác động đến môi trường không khí có phải là đối tượng không? Tại Chương 3, tác giả cần phân tích thêm các vụ kiện điển hình về ô nhiễm môi trường không khí đã xảy ra gần đây.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, về giải pháp hoàn thiện, tác giả cần tập trung phân tích sâu việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật về KSONMTKK.