•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

NCS. Nguyễn Thị Thu Thủy báo cáo thực hiện luận án “Các biện pháp khẩn cấp tam thời trong giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam”

21/09/2015
Ngày 16/9/2015, tại Viện Nhà nước và Pháp luật, NCS. Nguyễn Thị Thu Thủy – nghiên cứu viên phòng Pháp luật Dân sự báo cáo việc thực hiện luận án trước lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

NCS. Nguyễn Thị Thu Thủy

 

Người hướng dẫn khoa học là PGS.TS. Hà Thị Mai Hiên. Đến thời điểm này, luận án đã bảo vệ xong cấp cơ sở và gửi đến phản biện kín.

 

Trong phần Mở đầu, NCS nhận định các giao dịch thương mại đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế cụ thể. Sự tồn tại của các giao dịch thương mại luôn có sự đồng hành của các tranh chấp thương mại. Khi xảy ra hiện tượng này, các bên liên quan đều mong muốn giảm thiểu những tổn thất của mình và có thể thực hiện những hành vi nhằm trốn tránh trách nhiệm tài chính cũng như có thể thay đổi, tiêu hủy các bằng chứng bất lợi cho mình. Do đó, các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) luôn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn cản các hành vi trên, đảm bảo sự công bằng trong giải quyết các tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế, chính trị, xã hội đã đặt ra những yêu cầu mới đối với pháp luật về BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại.

 

 

Luận án đã phân tích nội dung các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam trong những năm gần đây, từ đó chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật và nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập đó trong các quy định của pháp luật Việt Nam về BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại.

 

Kết cấu luận án gồm phần Mở đầu và 4 chương:

- Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu luận án

- Chương 2: Những vấn đề lý luận về các BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại

- Chương 3: Nội dung các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng các BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam hiện nay

- Chương 4: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về các BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Việt Nam

 

Theo tác giả, BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại về bản chất là biện pháp tư pháp mang tính tạm thời và khẩn cấp với nội dung hạn chế quyền hoặc xác lập nghĩa vụ của chủ thể tham gia tranh chấp, do người có thẩm quyền áp dụng theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại.

 

Các nguyên tắc áp dụng BPKCTT bao gồm: bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên, bảo đảm sự bình đẳng của các bên trong quan hệ tố tụng và bảo đảm tính hiệu quả. Các BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, bao gồm các biện pháp kê biên tài sản, cấm chuyển dịch quyền về tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản,…

 

Các BPKCTT cụ thể đã được quy định một cách chi tiết về nội dung, điều kiện áp dụng, phạm vi áp dụng,… Tuy nhiên, các điều kiện áp dụng của từng BPKCTT cụ thể còn hạn chế phạm vi áp dụng trong khi vẫn bị chồng lấn giữa các biện pháp, điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ quyền, lợi ích của các bên tranh chấp mà còn có khả năng bị sử dụng không thống nhất, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các bên tranh chấp.

 

Ở Việt Nam hiện nay, thẩm quyền áp dụng BPKCTT của tòa án được xác định theo các nguyên tắc xác định thẩm quyền đối với quyền xét xử sơ thẩm vụ án dân sự. Trong tố tụng trọng tài, có sự phối hợp giữa tòa án và cơ quan trọng tài trong việc thực hiện thẩm quyền áp dụng BPKCTT. Luận án đã phân tích một cách cụ thể các ưu và nhược điểm trong cơ chế phối hợp thẩm quyền này ở Việt Nam hiện nay.

 

Trong Chương 4, tác giả đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về các BPKCTT trong giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Việt Nam. Một trong số đó là mở rộng hơn về đối tượng áp dụng và điều kiện áp dụng. Các biện pháp kê biên tài sản, cấm chuyển dịch quyền về tài sản, cấm thay đổi hiện trạng tài sản đều áp dụng đối với tài sản đang tranh chấp còn biện pháp phong tỏa tài sản lại chỉ được áp dụng đối với tài sản của người có nghĩa vụ. Do vậy, với các biện pháp này, để đảm bảo khả năng bao quát, cần xác định đối tượng áp dụng là “tài sản”. 

 

Về trình tự, thủ tục áp dụng BPKCTT, tác giả kiến nghị bổ sung quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện, bởi lẽ việc áp dụng BPKCTT tiền tố tụng sẽ giúp tăng cường hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp khác, giảm gánh nặng công việc cho Tòa án cũng như phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

 

PGS.TS. Vũ Thư

 

Bình luận về luận án, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng cấu trúc, cơ cấu của luận án có thể sắp xếp linh hoạt hơn. Tác giả có thể thay đổi số lượng chương, đề mục để nội dung của luận án có chất lượng tốt hơn. Ông đề xuất tác giả cần chỉ ra vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm áp dụng BPKCTT.  

 

Nhận xét về buổi báo cáo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng phần trình bày của tác giả chưa nêu bật rõ nội dung của luận án. Tại buổi bảo vệ chính thức, tác giả cần trình bày súc tích hơn để Hội đồng có thể nắm bắt nhanh chóng những ý kiến, đề xuất của tác giả thể hiện trong luận án. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh góp ý tác giả cần chỉ ra được điểm chung và điểm riêng giữa việc áp dụng các BPKCTT với các biện pháp tố tụng tụng trên cả ba phương diện lý luận, điều chỉnh pháp luật và giải pháp.