•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học các đề tài cơ sở tuần từ ngày 20/9 đến 24/9/2021

04/10/2021
Trong các ngày từ 20/9 đến 24/9/2021, Viện Nhà nước và Pháp luật tiếp tục tổ chức các tọa đàm trực tuyến báo cáo kết quả nghiên cứu của 03 đề tài cấp cơ sở năm 2021.

Tọa đàm tổ chức ngày 21/9 về Đề tài cơ sở cá nhân “Giải quyết xung đột nghĩa vụ trong thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại” của ThS. Phạm Hồng Nhật. Mở đầu, tác giả trình bày những vấn đề lý luận về xung đột nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế: khái quát về xung đột nghĩa vụ; khái niệm, nội dung và biện pháp giải quyết xung đột nghĩa vụ trong thực hiện các cam kết quốc tế về tự do hoá thương mại.

 

Các nhà khoa học tham gia tọa đàm Đề tài cơ sở của ThS. Phạm Hồng Nhật

(người đầu tiên từ bên trái của hàng thứ ba)

 

Nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế là trách nhiệm của các quốc gia trong việc đảm bảo thực hiện các cam kết, thỏa thuận mà quốc gia đã ký kết. Nghĩa vụ này xuất phát từ 2 nguyên tắc chính là bình đẳng chủ quyền của các chủ thể luật quốc tế và tận tâm, thiện chí khi thực hiện các hiệp định, điều ước quốc tế. Về khái niệm, tác giả cho rằng, xung đột nghĩa vụ khi thực hiện các cam kết quốc tế xảy ra khi các cam kết quốc tế được áp dụng để điều chỉnh một vấn đề có liên quan đến hai hay nhiều quốc gia thành viên mà không được quy định giống nhau về cách giải quyết. Ví dụ, Việt Nam đã ký cam kết quốc tế về tự do thương mại với Chi-lê, sau đó Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Chi-lê cũng là thành viên. Hai cam kết có cùng một nội dung thương mại nhưng có thể khác nhau về mức độ thực hiện cam kết thì dẫn đến xung đột nghĩa vụ trong thực hiện các cam kết quốc tế.

 

Trên thực tế, có nhiều dạng xung đột nhưng phần lớn là các xung đột giữa điều ước song phương với điều ước đa phương khu vực và điều ước song phương với điều ước đa phương toàn cầu. Từ việc phân tích thực tiễn xung đột và giải quyết xung đột nghĩa vụ khi thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam từ kinh nghiệm quốc tế, đề tài đã đưa ra một số đề xuất gợi mở cách giải quyết xung đột, đó là: (i) Thông qua thỏa thuận mới hoặc giải thích điều ước giữ các quốc gia thành viên; (ii) Tuân thủ nguyên tắc hiệu lực của điều ước quốc tế theo Công ước Viên năm 1969; (iii) Đề xuất hủy bỏ điều khoản xung đột hoặc yêu cầu chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế.

 

Trao đổi về phần lý luận, PGS.TS. Lê Mai Thanh góp ý về một số vấn đề liên quan đến thời điểm kết tinh xung đột, nội dung xung đột, nhận diện các cơ sở để tiến hành bảo lưu, hệ quả pháp lý khi xử lý xung đột,…

 

Đề tài cũng nhận được những góp ý khác của các nhà khoa học như: phân biệt giữa xung đột nghĩa vụ với tranh chấp pháp lý; làm rõ khái niệm cam kết quốc tế trong lĩnh vực tự do thương mại chứ không chỉ cam kết quốc tế nói chung;…

 

TS. Nguyễn Linh Giang, người chủ trì tọa đàm, đánh giá cao nỗ lực của ThS. Phạm Hồng Nhật trong việc triển khai thực hiện một đề tài với nội dung khá phức tạp và mong muốn tác giả lĩnh hội được những góp ý tại tọa đàm để có thể hoàn thiện trước khi nghiệm thu.

 

Đề tài cơ sở do ThS. Mai Thị Minh Ngọc làm chủ nhiệm

 

Buổi sinh hoạt khoa học thứ hai trong tuần (ngày 23/9) là của Đề tài cơ sở do ThS. Mai Thị Minh Ngọc thực hiện: “Thể chế hóa quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về cải cách hành chính”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc cải cách thể chế nền hành chính, chấn chỉnh tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, tổ chức hoạt động của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước các cấp... Việc này đã góp phần không nhỏ trong quá trình cải cách hành chính, thu được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

 

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Cải cách hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chế độ và trách nhiệm công vụ không rõ ràng, thiếu minh bạch, một bộ phận cán bộ, công chức suy giảm phẩm chất, lối sống, vi phạm đạo đức công vụ, chưa thực hiện tốt quan điểm nền hành chính phục vụ gây bất bình trong nhân dân. Việc thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính chưa đạt kết quả như mong muốn, số lượng thủ tục hành chính còn nhiều và phức tạp, hiệu quả của cơ chế một cửa chưa cao, chưa đáp ứng được mong mỏi của đông đảo nhân dân.

 

Đề tài này cũng nhận được những trao đổi, thảo luận, góp ý của PGS.TS. Vũ Thư, PGS.TS. Hồ Sỹ Sơn, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương và các nhà khoa học khác.

 

Đề tài cấp cơ sở “Pháp luật về bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Cao Thị Lê Thương thực hiện cũng đã tổ chức sinh hoạt khoa học vào ngày 24/9.

 

Ở Việt Nam, bảo hộ quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung đã được điều chỉnh bởi một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả. Tuy nhiên, pháp luật về bảo vệ quyền tác giả, trong môi trường số lại chưa được chú trọng phát triển, trong bối cảnh Việt Nam chưa gia nhập Hiệp ước về Quyền tác giả (WCT) và Hiệp ước về Biểu diễn và Ghi âm (WPPT) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO). Hiện nay, sau khi ký kết Hiệp định CPTPP thì Việt Nam đã cam kết sẽ gia nhập hai hiệp ước này đồng thời đã bảo lưu 11 điều khoản trong Chương 18 về sở hữu trí tuệ của CPTPP, trong đó có 4 điều khoản liên quan đến công cụ bổ trợ cho bảo hộ quyền tác giả trong môi trường Internet. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế về quyền tác giả trong môi trường số, chúng ta cần chỉnh sửa một số nội dung trong hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số.

 

Tọa đàm Đề tài cơ sở của ThS. Cao Thị Lê Thương

 

Theo ThS. Cao Thị Lê Thương, bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số gồm có 4 đặc điểm chính sau:

  • Bảo hộ quyền tác giả là sự bảo hộ của Nhà nước dành cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm ngay cả trong môi trường bình thường hay là môi trường số;
  • Bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ tự động;
  • Vấn đề lãnh thổ trong bảo hộ quyền tác giả trong môi tường số;
  • Internet tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả.

Có hai nhóm quyền chính trong quyền tác giả, đó là: quyền nhân thân (quyền đặt tên, công bố, sửa chữa tác phẩm,...) và quyền tài sản (quyền sao chép tác phẩm; quyền biểu diễn, phân phối; truyền đạt tác phẩm đến công chúng;...).

 

Tác giả đã phân tích về thực trạng pháp luật bảo hộ quyền tác giả trong môi trường số ở Việt Nam hiện nay với 2 nội dung chính: thực trạng quy định về bảo hộ quyền tác giả và thực tiễn bảo hộ quyền tác giả.

 

Về thực tiễn bảo hộ quyền tác giả, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, xã hội xuất hiện thêm các chủ thể mới gây tranh cãi khi trí thông minh nhân tạo có thể tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay pháp nhân có được coi là tác giả không khi tác phẩm được tạo ra bởi rất nhiều người và theo một dây truyền, một quy trình phức tạp chủ trì bởi một pháp nhân.

 

Thảo luận tại tọa đàm, các ý kiến đều nhìn nhận quyền tác giả là quyền tài sản vô hình nên dễ bị xâm phạm. Về nội dung quyền tác giả, việc bảo hộ quyền này là rất cần thiết, trong đó tác giả quan tâm đến quyền kinh tế để làm động lực, kích thích họ tiếp tục sáng tạo các tác phẩm mới có chất lượng. Quyền sao chép là quyền dễ bị xâm phạm dưới nhiều hình thức khác nhau, đe dọa đến tính lãnh thổ nên quyền này trong môi trường số càng rất dễ bị xâm phạm. Về mặt lý luận, đề tài cần nêu bật hơn nữa đặc điểm “trong môi trường số” này.

 

Đề tài cũng tiếp nhận các góp ý, trao đổi về các vấn đề: xác lập quyền, thực hiện quyền, chứng mình chủ sở hữu sản phẩm và người vi phạm khi khởi kiện ra Tòa án,… 

Các tin cùng chuyên mục: