•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Các biện pháp phòng vệ thương mại theo Hiệp định thương mại tự do (FTA)”

24/09/2015
Chiều ngày 18/9/2015, tại Hội trường, phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài cơ sở “Các biện pháp phòng vệ thương mại theo Hiệp định thương mại tự do (FTA)”, do ThS. Nguyễn Thu Hương, NCV phòng Pháp luật Quốc tế thực hiện.

 

Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free trade agreement) về cơ bản, là hiệp định trong đó các nước tham gia ký kết thỏa thuận dành cho nhau những ưu đãi, đó là các hàng rào thương mại kể cả thuế quan và phi thuế quan đều được loại bỏ, song mỗi nước thành viên vẫn được tự do quyết định những chính sách thương mại độc lập của mình đối với các nước không phải thành viên của hiệp định.

 

FTA có thể là song phương (được ký kết giữa 2 nước) hoặc đa phương (ký giữa nhiều nước). Tuy nhiên, dù là song phương hay đa phương, FTA thường đem lại lợi ích rất lớn cho các nước thành viên trong việc thúc đẩy thương mại, tận dụng những lợi thế so sánh của nhau. Không những thế, do có phạm vi hợp tác rộng, FTA còn xúc tiến tự do hóa đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, hiệu suất hóa thủ tục hải quan và nhiều dịch vụ khác.

 

FTA ngày càng trở nên phổ biến bởi những lợi ích kinh tế mà nó mang lại, nhất là trong bối cảnh bế tắc của các vòng đàm phán do WTO chủ trương, khiến các nước đã phải chuyển hướng sang hợp tác song phương và liên kết khu vực nhằm tìm giải pháp cho phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, tham gia FTA còn tạo cho các nước một sự “yên tâm” hơn khi có những bất ổn trong kinh tế, thương mại toàn cầu, cũng như đem lại lợi ích chính trị cho các nước tham gia qua việc nâng cao vị thế của họ trong đàm phán.

 

Các biện pháp bảo hộ (phòng vệ)  thương mại quốc tế có thể được hiểu là các biện pháp phòng vệ mà một nước sử dụng nhằm bảo vệ các nhà sản xuất hay hàng hoá của nước đó trước sự cạnh tranh của hàng hoá nước ngoài. Các biện pháp tự vệ theo nghĩa trên là rất rộng, được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau và chịu sự giám sát của các Hiệp định đa biên của WTO, chẳng hạn như các biện pháp kiểm dịch thực vật, các biện pháp chống trợ cấp, chống bán phá giá… Các Hiệp định đa biên tương ứng chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các biện pháp trên trong những điều kiện chặt chẽ chứ không nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nước thành viên sử dụng thường xuyên các biện pháp bảo hộ trên nhằm làm cản trở đến tự do hoá thương mại.

 

Hệ thống các biện pháp bảo hộ trong thương mại quốc tế bao gồm ba trụ cột, đó là: các biện pháp chống bán phá giá (antidumping), chống trợ cấp (countervailing) và tự vệ thương mại (safeguard).

           

Các biện pháp trên nhằm bảo hộ thương mại quốc gia, tuy nhiên mục tiêu của từng biện pháp có thể khác nhau. Các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp là nhằm bảo vệ nền sản xuất quốc gia khỏi những hành vi thiếu lành mạnh trong cạnh tranh thương mại quốc tế. Biện pháp chống bán giá được áp dụng đối với các hàng hóa được các nhà sản xuất bán với giá thành dưới mức giá hợp lý (fair price) gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tương tự. Còn biện pháp chống trợ cấp nhằm ngăn cản chính phủ quốc gia trợ cấp doanh nghiệp nội địa một cách bất công khi cạnh tranh với các hàng hóa ngoại nhập khác thông qua một số chính sách như ưu đãi về thuế, đầu tư... Nói chung, hai biện pháp trên là nhằm chống lại những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh dù xuất phát từ phía doanh nghiệp sản xuất hay từ phía chính phủ.

 

Khác với hai biện pháp trên, các biện pháp tự vệ vẫn có thể được quốc gia áp dụng trong trường hợp môi trường cạnh tranh vận động bình thường. Nói cách khác, hành vi cạnh tranh không lành mạnh không phải là căn cứ để quốc gia xem xét áp dụng biện pháp tự vệ. Quốc gia thực hiện các biện pháp tự vệ này nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước khỏi sự tổn thương xuất phát từ sự tràn ngập bất thường của hàng hóa ngoại nhập, khiến cho các doanh nghiệp trong nước thiệt hại do không thể cạnh tranh lại được. Chính vì không căn cứ vào hành vi cạnh tranh không lành mạnh nên yêu cầu đối với việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại trở nên rất khắt khe, đòi hỏi phải có sự điều tra, chứng minh hết sức kĩ lưỡng.

 

Ngày nay, đứng trước thách thức về cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường nội địa, các quốc gia đã tăng cường sử dụng các công cụ bảo hộ thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại công bằng của WTO, trong đó có thuế chống bán phá giá. Đối với Việt Nam tính đến tháng 3/2006 đã phải đối phó với 21 vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có 13 vụ Việt Nam phải chịu thuế chống bán phá giá. Điều đáng chú ý là số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá tăng mạnh trong thời gian gần đây. Từ vụ kiện cá tra, cá ba sa năm 2002 đến nay có thể thấy không chỉ một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: thuỷ sản, giày dép… mà cả những mặt hàng xuất khẩu có số lượng chưa lớn nhưng mới thâm nhập thị trường đều có thể trở thành đối tượng của kiện bán phá giá do phương thức tính gộp tổng lượng hàng hoá liên quan từ nhiều nguồn nhập khẩu (không được quá 7%) của nước khởi kiện.

 

Dự báo, các vụ kiện bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẻ còn tiếp tục xảy ra không chỉ từ các nước phát triển mà còn từ các nước đang phát triển. Đối với các mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao vào một số thị trường cũng sẽ có nguy cơ đối đầu với các vụ kiện bán phá giá trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, theo ThS. Nguyễn Thu Hương, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa ý thức được hậu quả về uy tín kinh doanh, lợi ích kinh tế khi phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá. Khi bị kiện, nhiều doanh nghiệp không có khoản chi phí dành riêng để tham gia vụ kiện cũng như hồ sơ tham gia kiện chưa được chuẩn bị kỹ càng.

 

ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng, xu thế trong thời gian tới Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do mới. Vậy xu hướng này tác động thế nào đến nền kinh tế quốc gia?

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (bên phải) và PGS.TS. Nguyễn Như Phát

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhận định, trong ba biện pháp phòng vệ thương mại, biện pháp tự vệ thương mại được Việt Nam áp dụng nhiều hơn hai biện pháp còn lại. Vậy thì, tác giả cần giả thích vì sao và chỉ ra tính đặc thù, riêng biệt của Việt Nam khi áp dụng các biện pháp này.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho biết, Mỹ trước đây tỏ ra thờ ơ với FTA mà dành nhiều sự quan tâm cho WTO và hệ thống thương mại đa phương, thì nay cũng đã có sự thay đổi. Sau nhiều năm chỉ ký FTA với Canada và Mexico trong Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và FTA song phương với Israel, gần đây Mỹ đã có thêm FTA song phương với Singapore và Chile, hiện tiếp tục đàm phán với các đối tác khác ở châu Á, Trung Mỹ... Như vậy, Mỹ đang có xu hướng phá bỏ luật chơi của WTO mà chuyển sang ký các FTA. Ông mong muốn chủ nghiệm đề tài giải thích nguyên nhân của hiện tượng này? Để đề tài đạt chất lượng cao, PGS.TS. Nguyễn Như Phát gợi ý tác giả cần nghiên cứu phân biệt giữa bán pháp giá trong thị trường quốc tế và bán phá giá ở thị trường nội địa theo Luật Cạnh tranh.