•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Cơ chế pháp lý bảo đảm các quyền tự do và an ninh cá nhân ở Việt Nam”

10/08/2016
Sáng ngày 8/8/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên Đề tài cơ sở “Cơ chế pháp lý bảo đảm các quyền tự do và an ninh cá nhân ở Việt Nam” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học. Đề tài do TS. Nguyễn Linh Giang, Trưởng phòng Phòng NC Quyền con người làm chủ nhiệm.

Đề tài gồm có 3 chuyên đề:

- Các vấn đề lý luận cơ bản về quyền tự do và an ninh cá nhân;

- Thực trạng cơ chế thực hiện quyền tự do và an ninh cá nhân ở Việt Nam;

- Kiến nghị hoàn thiện cơ chế bảo đảm và bảo vệ quyền tự do và an ninh cá nhân ở Việt Nam.

 

Các thành viên của Đề tài là ThS. Bùi Thị Hường và CN. Trần Thị Loan.

 

Đề tài phân nhóm quyền về tự do và an ninh cá nhân thành hai nhóm lớn, bao gồm: (1) Các quyền không thể bị xâm phạm gồm: quyền sống, quyền không bị tra tấn và quyền không bị bắt làm nô lệ; và (2) Các quyền tự do cá nhân gồm: quyền tự do và an ninh thân thể, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền được tôn trọng đời sống riêng tư, tự do tôn giáo, tín ngưỡng và tự do hôn nhân.

 

Đề tài phân tích các khái niệm, nội hàm và nội dung của các quyền tự do và an ninh cá nhân trong pháp luật quốc tế về quyền con người; mở rộng nội hàm của các khái niệm này theo các Công ước của Liên hợp quốc và các Bình luận chung của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.

 

Trong nhóm quyền không thể bị xâm phạm, quyền sống là quyền đặc biệt quan trọng của con người. Đây là quyền cơ bản, không được phép xâm phạm trong mọi hoàn cảnh. Hiện nay, ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới có xu hướng giảm số tội áp dụng hình phạt tử hình.

 

Bàn về nhóm quyền tự do cá nhân, TS. Nguyễn Linh Giang cho biết đây là quyền có giới hạn, Ủy ban Nhân quyền ghi nhận các cơ quan công quyền được phép thu thập thông tin cá nhân nhưng không được phát tán. Công ước về quyền dân sự, chính trị quy định Nhà nước có trách nhiệm ban hành luật và cách thức để ngăn chặn chống lại sự xâm phạm, tấn công đến quyền này, đảm bảo thông tin đời tư của người dân không lọt vào tay những người không được pháp luật cho phép.

 

Dựa trên các phân tích về các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam về nhóm quyền này cũng như dựa trên thực tế thực hiện nhóm quyền này, Đề tài đã đưa ra các kiến nghị về hoàn thiện thiết chế và thể chế nhằm đảm bảo và bảo vệ quyền tự do và an ninh cá nhân ở Việt Nam.

 

Liên quan đến quyền sống, so với Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục giảm số tội áp dụng hình phạt tử hình từ 21 xuống còn 18 tội. Theo ThS. Bùi Thị Hường, hình phạt này vẫn cần tiếp tục giảm bớt, cụ thể là tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội liên quan đến kinh tế (tội phạm ma túy). Một vấn đề mới có liên quan là quyền an tử, quyền được chết khi mắc bệnh nan y hoặc sống thực vật. Một số nước đã ghi nhận quyền này. Việt Nam cần tìm hiểu và nghiên cứu thêm.

 

Một quyền rất quan trọng trong nhóm quyền không thể bị xâm phạm là quyền không bị tra tấn, quyền này đã được Hiến pháp năm 2013 quy định rõ tại Điều 20. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn và nội luật hóa cụ thể trong Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng như trong Bộ luật Hình sự về tội dùng nhục hình, bức cung (Điều 373, 374).

 

Buổi sinh hoạt khoa học đã đón nhận nhiều ý kiến, trao đổi của các nhà khoa học trong Viện. Những ý kiến này đã thể hiện sự quan tâm của các nhà nghiên cứu đến những quan điểm khoa học liên quan đến quyền con người ở Việt Nam.