•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Cơ sở lý luận, thực tiễn và khả năng áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự Việt Nam”

23/08/2016
Ngày 22/8/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, các thành viên của Đề tài cơ sở “Cơ sở lý luận, thực tiễn và khả năng áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự Việt Nam” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học. Đề tài gồm 2 thành viên là TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (chủ nhiệm) và ThS. Nguyễn Thị Hường.

Các thành viên Đề tài: TS. Nguyễn Thị Thu Thủy (bên trái) và ThS. Nguyễn Thị Hường

 

Đề tài gồm 4 chuyên đề:

-        Những vấn đề lý luận về thủ tục rút gọn (TTRG) trong tố tụng dân sự (TTDS);

-        Kinh nghiệm áp dụng TTRG trong pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới;

-        Các yếu tố mang tính tiền đề cho việc xây dựng TTRG trong TTDS Việt Nam;

-        Đề xuất áp dụng TTRG trong TTDS Việt Nam hiện nay.

 

Mở đầu, ThS. Nguyễn Thị Hường cho biết thủ tục rút gọn là việc đơn giản hóa các thủ tục thông thường trong các vụ án dân sự có chung đặc điểm là nhỏ, đơn giản, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng và có giá ngạch thấp. Thủ tục rút gọn đã được áp dụng từ năm 1921 khi Pháp viện Bắc kỳ quy định Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền giải quyết cấp sơ thẩm và trung thẩm với giá trị tài sản không cao. Năm 1960, Luật Tòa án quy định với các vụ án nhỏ có thể không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân. Tuy nhiên, khi Luật Tòa án nhân dân ban hành năm 1981 quy định Tòa án xét xử theo đa số và không có quy định về việc xét xử các vụ án nhỏ, đơn giản. Tương tự như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng chưa có quy định về thủ tục xét xử rút gọn. Tuy nhiên, chế định về thủ tục rút gọn đã được quy định trong phần 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (từ Điều 316 đến Điều 324), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Theo đó, Điều 316 quy định “TTRG là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án thông thường nhằm giả quyết các vụ án nhanh chóng nhưng vấn đảm bảo đúng pháp luật”.

 

Nhìn chung, trên thế giới, phạm vi áp dụng TTRG thường là các vụ việc có tranh chấp rõ ràng với đầy đủ chứng cứ và/hoặc có giá trị tranh chấp nhỏ. ThS. Nguyễn Thị Hường đưa ra những quy định pháp luật trong áp dụng TTRG ở 3 nước Nhật Bản, Pháp và Nga. Ở Pháp, các vụ án đơn giản, có tranh chấp nhỏ được giao cho Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp xét xử. Hiện nay có 476 Tòa án sơ thẩm thẩm quyền hẹp và 185 Tòa án sơ thẩm thẩm quyền trung. Các vụ án này có giá trị tranh chấp không quá 10.000 euro. Người tham gia xét xử không phải là thẩm phán chuyên trách mà là người có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 7 năm và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

 

 

Ở Nhật Bản, thẩm quyền giải quyết các vụ việc theo TTRG là Tòa án giản lược. Theo nguyên tắc chung, Tòa án giản lược không có thẩm quyền quyết định hình phạt tù không lao động hoặc các hình phạt tù nghiêm khắc hơn. Khi xét thấy hình phạt của bị cáo có thể vượt quá khung hình phạt cho phép thì Tòa án giản lược sẽ chuyển vụ án cho Tòa sơ thẩm giải quyết. Mỗi vụ án của Tòa án giản lược sẽ do 1 thẩm phán xét xử với các thủ tục đơn giản hóa so với các vụ án dân sự thông thường. Chức năng hành chính do chính thẩm phán thực hiện.

 

Có 2 yếu tố chính mang tính tiền đề trong việc xây dựng TTRG, theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy đó là Nghị quyết số 49/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp và Hiến pháp năm 2013. Trong Chương quy định về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân, Hiến pháp năm 2013 quy định “việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp xét xử theo TTRG” và “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo TTRG” (Khoản 1, Khoản 4 Điều 103).

 

Chuyên đề thứ tư của Đề tài là đề xuất áp dụng TTRG trong TTDS Việt Nam. Về việc xác định tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án áp dụng TTRG, theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, dựa trên trình độ của thẩm phán hiện nay cũng như chi phí xã hội thì việc xây dựng tòa chuyên trách là không khả thi. Bộ luật TTDS năm 2015 quy định theo hình thức Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa chuyên trách cấp tỉnh thực hiện chức năng này là hợp lý.

 

Về thủ tục hòa giải trong áp dụng TTRG, có nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết nhưng theo TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, vẫn cần thực hiện thủ tục này vì phù hợp với chủ trương khuyến khích các bên thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp. Về việc cung cấp chứng cứ trong TTRG, Tòa án không hỗ trợ thu thập chứng cứ, nếu phát sinh nhu cầu phải xác minh, thẩm định chứng cứ thì vụ án phải chuyển sang áp dụng thủ tục thông thường. Nhận định về trường hợp Tòa án quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường khi phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Khoản 3 Điều 317 Bộ luật TTDS năm 2015), TS. Nguyễn Thị Thuy Thủy cho rằng điều này là không hợp lý. Bởi lẽ, căn cứ xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoàn toàn dựa trên việc các bên có thể chứng minh chứng cứ, tài liệu là xác thực và rõ ràng. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không liên quan đến việc thu thập thêm chứng cứ hoặc xác minh các tình tiết mới.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (bìa phải)

 

Nhận xét về báo cáo của các thành viên Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng, hai báo cáo viên đã tập trung giới thiệu và phân tích các quy định áp dụng TTRG ở các quốc gia. Tuy nhiên, Đề tài cần tiếp tục chỉ ra được tính phổ biến và tính đặc trưng riêng có về quy định áp dụng TTRG của mỗi quốc gia. Hiện nay, tuy Bộ luật TTDS năm 2015 đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có vụ án nào áp dụng TTRG. Vì thế, Đề tài cần dự báo tính khả thi của chế định này.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan cho rằng, Đề tài cần phân tích sâu hơn về điều kiện áp dụng TTRG và chỉ rõ loại vụ án nào có thể áp dụng. Với vụ án mà giá trị tài sản thấp, không cần xác minh, đương sự thừa nhận nghĩa vụ của mình thì Đề tài có thể kiến nghị áp dụng TTRG. Bình luận về Khoản 3 Điều 317, theo TS. Phạm Thị Hương Lan, việc phải định giá tài sản khi các bên không thống nhất về giá thì vụ án vẫn nên áp dụng TTRG nếu việc định giá này không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án.

 

  

TS. Trần Văn Biên

 

Góp ý với các báo cáo viên, theo TS. Trần Văn Biên, Đề tài vẫn nên bổ sung thêm về cơ sở lý luận và thực tiễn thông qua việc tìm hiểu, tập hợp các ý kiến của người dân, chuyên gia và đại biểu Quốc hội trong quá trình xây dựng Bộ luật này để từ đó đưa ra quan điểm của mình. Chẳng hạn với thủ tục hòa giải, Đề tài cần nêu ra các quan điểm ủng hộ cũng như không ủng hộ thực hiện thủ tục này hoặc như Bộ luật TTDS năm 2015 quy định giải quyết vụ án theo TTRG tại Tòa án cấp phúc thẩm, như thế có hợp lý không?

 

Những nhận xét, trao đổi của các nhà khoa học đã được các thành viên Đề tài chân thành đón nhận và tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Đề tài đúng thời hạn.