•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Nghiên cứu so sánh luật hiến pháp, luật hình sự và luật tố tụng hình sự ở các quốc gia ASEAN”

01/09/2016
Ngày 29/8/2016, tại Hội trường, Viện Nhà nước và Pháp luật đã tổ chức tọa đàm của Đề tài cở sở “Nghiên cứu so sánh luật hiến pháp, luật hình sự và luật tố tụng hình sự ở các quốc gia ASEAN” do ThS. Nguyễn Thị Hưng, Phó trưởng phòng Phòng NC Luật so sánh là chủ nhiệm.

Hai thành viên của Đề tài là ThS. Phạm Thị Hiền và NCV. Nguyễn Thị Thùy Linh. Đề tài gồm có 3 chuyên đề:

-  Nghiên cứu so sánh luật hiến pháp các nước trong khối ASEAN;

-  Nghiên cứu so sánh luật hình sự các nước trong khối ASEAN;

-  Nghiên cứu so sánh luật tố tụng hình sự các nước trong khối ASEAN.

 

Về luật hiến pháp, Đề tài phân tích các nội dung chính trong Hiến pháp của các nước như: chế độ chính trị; quyền con người, quyền cơ bản của công dân; các cơ quan nhà nước; cơ chế bảo vệ Hiến pháp; hiệu lực của Hiến pháp và việc sửa đổi Hiến pháp. Trong đó, quyền cơ bản của công dân được quy định trong hầu hết các bản Hiến pháp của các nước ASEAN, ngoại trừ Brunei. Thậm chí, một số nước còn quy định quyền của công dân nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ của mình như Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia. Trong khối ASEAN, quy định về hiệu lực Hiến pháp của các nước Thái Lan, Singapore, Malaysia được ghi nhận ngay ở những điều khoản đầu tiên của Hiến pháp nhằm khẳng định tính quan trọng về hiệu lực của Hiến pháp.

 

ThS. Nguyễn Thị Hưng (trái) và ThS. Phạm Thị Hiền

 

Hiến pháp các nước đều có quy định về việc sửa đổi Hiến pháp với mức độ và phạm vi điều chỉnh khác nhau. Ở Brunei, người có quyền đề xuất sửa đổi Hiến pháp là Quốc vương, một số cơ quan nhà nước chỉ có vai trò cố vấn và người dân không có quyền tham gia vào quá trình này. Có 3 nước không có quy định về cơ chế bảo vệ Hiến pháp là Lào, Malaysia và Brunei. Riêng Singapore có điều khoản ngắn gọn quy định cách thức xử lý những trường hợp vi phạm Hiến pháp. Với các nước còn lại chẳng hạn như Philippines lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp là Tòa án, với Campuchia là Hội đồng bảo hiến.

 

Trong chuyên đề thứ hai nghiên cứu so sánh luật hình sự các nước ASEAN, ThS. Phạm Thị Hiền trình bày thành 3 phần: nguồn luật hình sự; chế định tội phạm; hệ thống hình phạt.

 

Nguồn luật hình sự chủ yếu ở các nước ASEAN là Bộ luật Hình sự, án lệ và kinh thánh với các quốc gia theo đạo Hồi (hay còn gọi là luật hồi giáo). Ở Campuchia, các văn bản quy phạm do cơ quan hành pháp ban hành cũng được coi là nguồn luật hình sự, các văn bản này thường quy định với các tội ít nghiêm trọng áp dụng hình phạt tiền. Tập quán được coi là một trong nhưng nguồn luật hình sự chính ở Lào, nguồn luật này điều chỉnh các quan hệ xã hội về hợp đồng đòi nợ, tội giết người đặc biệt là giết trẻ em, hiến dâm, loạn luân,... Với Malaysia, một nước có 60% dân số theo đạo Hồi thì nước này có riêng hệ thống tòa án hồi giáo để xét xử tội phạm theo đạo Hồi. Nói chung, các nước ASEAN có nguồn luật hình sự rất phong phú: luật thành văn, luật bất thành văn, luật hồi giáo và với một số nước còn áp dụng luật quốc tế dưới hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Với nguồn luật thành văn, chỉ có Việt Nam và Lào quy định Bộ luật Hình sự là nguồn luật duy nhất.

 

Về chế định tội phạm, ThS. Phạm Thị Hiền phân tích, so sánh luật hình sự giữa các nước thông qua  dấu hiệu tội phạm, khách thể, chủ thể, yếu tố lỗi, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, có 6 quốc gia trong khối ASEAN quy định chế định tội phạm với hai đối tượng cá nhân và pháp nhân. Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định trong luật có sự khác biệt ở các quốc gia, từ 18 tuổi trở lên với Campuchia, 14 tuổi trở lên với Việt Nam, 15 tuổi trở lên với Lào. Có 4 quốc gia quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự giống nhau là 12 tuổi trở lên ở Malaysia, Singapore, Brunei, Myanmar. Bởi lẽ, các nước này đều chịu ảnh hưởng bởi pháp luật Vương quốc Anh.

 

Sau đó, ThS. Nguyễn Thị Hưng trình bày chuyên đề về luật tố tụng hình sự (TTHS) các nước ASEAN. Trong chuyên đề này, ThS. Nguyễn Thị Hưng chỉ ra một số điểm đặc biệt ở một số nước. Chẳng hạn như, Bộ luật TTHS ở các nước Lào, Campuchia và Thái Lan không có phần giải thích thuật ngữ. Ngoài ra, trong từng điều luật ở Bộ luật TTHS Brunei có đưa ra các ví dụ để minh họa, giải thích rõ hình phạt. Quy định về cơ quan điều tra, ThS. Nguyễn Thị Hưng cho biết, Thái Lan và Lào không quy định rõ thẩm quyền của từng cơ quan điều tra. Trong khi đó, pháp luật Malaysia ghi nhận rất nhiều cơ quan điều tra, ngoài các cơ quan chuyên trách còn có các cơ quan khác như thuế vụ, hải quan, kiểm lâm, ngân hàng trung ương.

 

Về cơ quan công tố, nhiều nước quy định cơ quan này trực thuộc Bộ Tư pháp. Ở Thái Lan, người bị hại cũng có quyền công tố, người này có thể chủ động thực hiện hành vi tố tụng với vị trí là công tố viên. Trong khi, ở Việt Nam, người bị hại chỉ có thể đề nghị khởi tố hoặc truy tố trong một số trường hợp nhất định. Viện công tố (Viện kiểm sát) ở các nước ASEAN chỉ thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và đưa người phạm tội ra trước Tòa đề nghị xét xử chứ không có quy định giám sát hoạt động xét xử. Về cơ quan xét xử, Tòa án Việt Nam ngoài chức năng xét xử thì trong một số trường hợp còn có chức năng điều tra, khởi tố vụ án. Quy định này khác biệt so với các nước ASEAN khi luật tố tụng hình sự các nước này phân biệt rõ thẩm quyền, chức năng giữa cơ quan điều tra, cơ quan công tố và cơ quan xét xử.

 

Bình luận về Đề tài, ThS. Đinh Thế Hưng, Phòng Pháp luật Hình sự cho rằng, nguồn luật hình sự là các quy phạm về tội phạm và hình phạt. Vì thế, các văn bản hướng dẫn thi hành luật không phải là nguồn luật. Một số nước trong khối ASEAN coi Hiến pháp là một trong những nguồn luật hình sự, vậy thì Hiến pháp các nước đó có quy định cụ thể về tội phạm và hình phạt không? Giống như Lào, ThS. Đinh Thế Hưng ủng hộ việc Việt Nam nên áp dụng tập quán như một loại nguồn luật hình sự, bởi lẽ một số điều luật trong Bộ luật Hình sự có thể được áp dụng để kết tội người dân tộc thiểu số khi họ kết hôn sớm hơn so với độ tuổi quy định.

 

TS. Lê Mai Thanh nhận xét, Đề tài đã đưa ra khá nhiều thông tin về quy định pháp luật của các nước nhưng cần chỉ ra sự giống nhau và khác nhau, từ đó luận giả nguyên nhân của sự khác biệt đó. Các thành viên Đề tài cũng nhận được những ý kiến thảo luận, góp ý của PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Vũ Thư và các nhà khoa học khác.