•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận về chế độ bầu cử ở Việt Nam hiện nay”

19/09/2016
Ngày 16/9/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận về chế độ bầu cử ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Mai Thị Minh Ngọc là chủ nhiệm. Thành viên còn lại của Đề tài là ThS. Nguyễn Kim Anh.

ThS. Mai Thị Minh Ngọc (bên trái) và ThS. Nguyễn Kim Anh

 

Đề tài gồm 2 chuyên đề:

-        Những vấn đề chung về chế độ bầu cử - ThS. Mai Thị Minh Ngọc;

-        Chế độ bầu cử ở Việt Nam hiện nay – ThS. Nguyễn Kim Anh.

 

Mở đầu buổi sinh hoạt, ThS. Mai Thị Minh Ngọc giới thiệu những nội dung chính mà chị thực hiện trong chuyên đề của mình: khái niệm, bản chất, vai trò của chế độ bầu cử; khái quát sự tương đồng và khác biệt về mô hình bầu cử ở một số nước trên thế giới.

 

Bầu cử trước hết là sự lựa chọn của nhân dân và thứ hai là trao quyền của nhân dân cho người đại diện. Đây là quy trình chính trị pháp lý trong đó cử tri tự do bỏ phiếu lựa chọn đưa ra các quyết định của mình theo cách thức do pháp luật quy định để chọn ra người đại diện cho ý chí của mình nắm giữ chức vụ ở các cơ quan dân cử của chính quyền trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, thay mặt mình quản lý xã hội.

 

TS. Dương Quỳnh Hoa (bìa phải)

 

Trong xã hội hiện nay, với các quốc gia dân chủ, bầu cử là một hoạt động chính trị pháp lý sâu sắc và không thể thiếu trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. ở Việt Nam, bầu cử là quá trình mà cử tri đưa ra các quyết định theo cách thức do pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử.

 

Chế độ bầu cử (CĐBC) là một khái niệm có nội dung phong phú, được hiểu theo nhiều góc độ, phương diện khác nhau. Dưới góc độ chính trị học, CĐBC là biểu hiện của nền dân chủ, là tiêu chuẩn đánh giá mức độ dân chủ, nguyên tắc đánh giá mức độ dân chủ ở một nước. Về phương diện pháp lý, bầu cử là thủ tục thành lập cơ quan nhà nước hoặc thủ tục trao quyền lực cho cá nhân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật của mỗi nước. Tập hợp các quy trình, thủ tục đó tạo thành CĐBC. Nói tóm lại, CĐBC là tổng thể các nguyên tắc, quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục bầu ra các cơ quan đại diện của nhà nước và điều chỉnh các quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình bầu cử.

 

Theo đó, ThS. Mai Thị Minh Ngọc cho rằng, CĐBC ở Việt Nam là tổng thể các quy định của pháp luật về bầu cử bao gồm các nguyên tắc về: (i) bầu cử, quyền bầu cử, quyền ứng cử; (ii) hiệp thương, giới thiệu, lựa chọn các ứng viên, vận động bầu cử; (iii) trình tự, thủ tục trong quá trình bầu cử, bầu cử thêm, bầu cử lại, bầu cử bổ sung; (iv) điều chỉnh các quan hệ xã hội hình thành trong quá trình bầu cử nhằm chuyển hóa ý chí của nhân dân thành Quốc hội, HĐND các cấp. Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia chỉ có 1 Đảng và là Đảng cầm quyền nên CĐBC còn bao gồm các quy định của Đảng Cộng sản liên quan để việc chỉ đạo bầu cử, hướng dẫn bầu cử và các văn bản của MTTQ Việt Nam quy định về hiệp thương.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát (bìa trái)

 

Hiện nay, xét một cách tổng thể, có 2 mô hình CĐBC cơ bản trên thế giới tương ứng với 2 chế độ chính trị đó là mô hình CĐBC tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Với các nước tư bản chủ nghĩa, CĐBC tuân theo nguyên tắc phân chia quyền lực cho nên bầu cử không chỉ là phương thức thành lập ra cơ quan đại diện mà còn áp dụng bầu các chức danh cho các nhóm quyền lực khác. Đối với các cơ quan khác nhau thì cách thức bầu cử cũng khác nhau. Ở Mỹ, cách thức bầu cử và nhiệm kỳ hoạt động của thượng viện và hạ viện là khác nhau. Theo đó, Thượng viện Mỹ được bầu cử theo cách thức gián tiếp còn Hạ viện là trực tiếp.

 

Để có cái nhìn cụ thể hơn, ThS. Nguyễn Kim Anh đã trình bày chuyên đề về CĐBC ở Việt Nam hiện nay. Sau đó, các nhà khoa học, trong đó có PGS.TS. Nguyễn Như Phát, PGS.TS. Vũ Thư, TS. Dương Quỳnh Hoa, ThS. Ngô Vĩnh Bạch Dương đã bình luận và góp ý cho Đề tài một số vấn đề về hiệp thương, nguyên tắc tự do trong bầu cử, hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong CĐBC.