•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Pháp luật về quản lý nước thải ở Việt Nam hiện nay”

21/09/2016
Ngày 19/9/2016, tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật, Đề tài cơ sở do ThS. Bùi Đức Hiển là chủ nhiệm có chủ đề “Pháp luật về quản lý nước thải ở Việt Nam hiện nay” đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học. Các thành viên còn lại của Đề tài là TS. Phạm Thị Hương Lan và ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga.

Đề tài gồm 3 chuyên đề:

-  Những vấn đề lý luận về quản lý nước thải ở Việt Nam (ThS. Bùi Đức Hiển);

-  Thực trạng và phương hướng hoàn thiện pháp luật về quản lý nước thải công nghiệp ở Việt Nam hiện nay (TS. Phạm Thị Hương Lan);

-  Thực trạng và phương hướng hoàn thiện pháp luật về quản lý nước thải sinh hoạt và các loại nước thải khác ở Việt Nam hiện nay (ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga).

 

Nhóm nghiên cứu Đề tài chủ yếu tập trung làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến pháp luật về quản lý nước thải sinh hoạtnước thải công nghiệp, trong đó cũng có những nghiên cứu làm sáng tỏ thêm một số quy định về chất thải khác.

 

ThS. Bùi Đức Hiển, Chủ nhiệm Đề tài

 

Trong chuyên đề đầu tiên, ThS. Bùi Đức Hiển đã phân tích và làm sáng tỏ những nội dung sau: (i) Khái niệm, đặc điểm, phân loại nước thải và pháp luật về quản lý chất thải; (ii) Vai trò, các yếu tố ảnh hưởng đến pháp luật về quản lý nước thải; (iii) Nội dung điều chỉnh, nguyên tắc điều chỉnh và yêu cầu đối với pháp luật về quản lý nước thải. 

 

Về khái niệm, tác giả cho rằng, nước thải là nước đã bị thay đổi đặc điểm, tính chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Quản lý nước thải là tổng thể các hoạt động của các chủ nguồn thải, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chủ thể khác trong phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý nước thải. Trên cơ sở nội hàm của quản lý nước thải, theo ThS. Bùi Đức Hiển, pháp luật về quản lý nước thải là một hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể trong phòng ngừa, giảm thiểu, giám sát, phân loại, tập trung, lưu giữ, tái chế, tái sử dụng, xử lý nước thải nhằm phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

 

Tiếp theo, tác giả nêu ra các nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về quản lý nước thải, một trong số đó là nguyên tắc bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Nguyên tắc này thể hiện ở chỗ:

- Nhà nước phải ban hành và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quản lý nước thải;

- Các tổ chức, cá nhân chủ nguồn thải phải thực hiện phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường nước;

- Các hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường nước xâm phạm đến quyền được sống trong môi trường trong lành phải bị xử lý theo Hiến pháp và theo pháp luật;

- Khi các chủ thể bị xâm phạm quyền này thì có thể khởi kiện ra Tòa hoặc cơ quan quản lý nhà nước để yêu cầu bảo vệ quyền lợi của mình theo trình tự, thủ tục luật định.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan (bìa phải)

 

Trong chuyên đề thứ hai, TS. Phạm Thị Hương Lan đã nêu lên những nguyên nhân, bất cập trong quản lý nước thải công nghiệp ở Việt Nam hiện nay như: (i) Việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay quá nhanh và quá nhiều dẫn đến chúng ta không quản lý được hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; (ii) Sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp. Hiện nay, do tối đa hoá lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã cố tình vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp không xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hoặc nếu có xây dựng thì mang tính thủ tục, vận hành không hiệu quả; (iii) Cơ chế, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc triển khai những quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa mang lại hiệu quả; (iv) Chế tài xử lý vi phạm còn thiếu và các hành vi vi phạm pháp luật chủ yếu là xử phạt hành chính; (v) Việc phân định thẩm quyền cho các cơ quan bảo vệ môi trường  còn nhiều điểm chưa rõ ràng, nhiều cơ quan chưa được trao đầy đủ thẩm quyền nên đã hạn chế hiệu trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường;… Từ những nguyên nhân, bất cập đã nêu, Đề tài đã đề xuất và định hướng một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý nước thải công nghiệp trong thời gian tới.

 

Về pháp luật quản lý nước thải sinh hoạt, qua quá trình nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga nêu ra một số những tồn tại cần khắc phục, đó là: (i) Các nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước và quản lý theo lưu vực sông được quy định trong Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã được quy định nhưng vẫn chưa được áp dụng; (ii) Tiêu chuẩn nước thải sau khi xử lý được ban hành thay đổi nhiều lần khiến cho chính quyền và các chủ thể liên quan lúng túng khi triển khai thực hiện công tác quản lý; (iii) Thiếu các quy định về phân loại nước thải sinh hoạt có tính chất nguy hại và đặc thù trước khi đưa vào xử lý, cũng như các quy định hướng dẫn về việc lựa chọn công nghệ xử lý đối với từng loại nước thải sinh hoạt; (iv) Các quy định về trách nhiệm pháp lý của các chủ thể chưa rõ ràng, còn chồng chéo dẫn đến công tác quản lý nước thải sinh hoạt trên thực tế vừa thiếu vừa yếu; (v) Hiểu biết của cộng đồng về lợi ích đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng khi ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải sinh hoạt gây ra còn hạn chế. Do vậy, sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động quản lý là rất thấp;…

 

Sau khi nghe chủ nhiệm và các thành viên Đề tài trình bày báo cáo, đông đảo các nhà khoa học đã trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến Đề tài. PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Nguyễn Linh Giang, ThS. Nguyễn Thanh Tùng và NCV. Lê Quang Thưởng đánh giá cao những nội dung nghiên cứu của các chuyên đề cả về mặt lý luận và thực tiễn và cho rằng Đề tài sẽ có chất lượng tốt hơn hơn nếu làm sáng tỏ một số vấn đề. Chẳng hạn như, về những vấn đề lý luận, PGS.TS. Nguyễn Như Phát cho rằng trên cơ sở các quan điểm về quản lý chất thải, Đề tài cần đưa ra khái niệm về quản lý nước thải vượt ra ngoài khuôn khổ các quy định pháp luật (không bị phụ thuộc vào cách hiểu của pháp luật hiện hành). Đề tài cũng không chỉ đánh giá những quan điểm được ghi nhận trong Nghị quyết, Văn kiện Đại hội Đảng mà cần phải gắn các chính sách, quan điểm này với thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật về quản lý nước thải; làm sáng tỏ mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, theo đó phát triển kinh tế tất yếu có tác động xấu đến môi trường, trong đó có môi trường nước. Điều quan trọng là giới hạn của sự chấp nhận này đến đâu nhằm cân bằng lợi ích giữa chủ nguồn thải với người dân và Nhà nước.

 

Về thực trạng pháp luật quản lý nước thải, theo NCV. Lê Quang Thưởng, việc coi trọng vai trò của xã hội dân sự trong giám sát quản lý nước thải của các chủ nguồn thải, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cần thiết song Đề tài cần phân loại rõ hơn vai trò, sự tham gia của các chủ thể này. Việc sớm ban hành Luật về Hội sẽ cụ thể hóa hơn vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong bảo vệ môi trường.

 

TS. Nguyễn Linh Giang cũng có những trao đổi thông tin thêm với Đề tài, Tòa án hình sự quốc tế ICC đã thông qua Quy chế về thẩm quyền thụ lý, giải quyết các vụ kiện liên quan đến ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam vẫn chưa ký tham gia Quy chế này.