•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Thực trạng sử dụng nguồn luật ở Việt Nam hiện nay”

20/08/2016
Sáng ngày 18/8/2016, tại Viện Nhà nước và Pháp luật đã diễn ra buổi sinh hoạt khoa học của Đề tài cơ sở “Thực trạng sử dụng nguồn luật ở Việt Nam hiện nay” do ThS. Cao Việt Thăng, Trưởng phòng Phòng Lý luận và Lịch sử nhà nước và pháp luật, làm chủ nhiệm. Tham gia buổi sinh hoạt khoa học có đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật.

ThS. Cao Việt Thăng (bên phải)

 

Trong khoa học pháp lý hiện nay, nguồn luật theo cách hiểu thông thường là các dạng biểu hiện khác nhau của pháp luật. ThS. Cao Việt Thăng nêu ra có những loại chính sau: văn bản quy phạm pháp luật; án lệ; tập quán pháp; thói quen thương mại; học thuyết pháp lý; lẽ công bằng;… Trong phạm vi chuyên đề của mình, ThS. Cao Việt Thăng phân tích các nguồn luật chính hiện sử dụng ở Việt Nam là văn bản quy phạm pháp luật, án lệ, tập quán phán và thói quen thương mại. Trong đó, văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đóng vai trò là nguồn luật cơ bản để điều chỉnh các quan hệ pháp luật. Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận có 26 loại văn bản với 18 chủ thể có thẩm quyền ban hành. Để đánh giá thực trạng sử dụng nguồn luật này, ThS. Cao Việt Thăng chia làm 2 phần: thực trạng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực trạng áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

 

Theo đó, ThS. Cao Việt Thăng cho rằng, đang có tình trạng lạm phát, chồng chéo trong xây dựng, ban hành VBQPPL. Các VBQPPL được ban hành một cách tràn lan, không kiểm soát. Trong 10 tháng đầu năm 2004, Bộ Tư pháp chỉ ra có đến 10.000 văn bản quy phạm có dấu hiệu vi hiến, trái pháp luật được ban hành bởi các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương. Ví dụ cụ thể cho tình trạng này là có nhiều ý kiến cần sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2015 vừa ban hành nhưng chưa có hiệu lực. Ngoài ra, Quốc hội đã phải đưa ra Nghị quyết tạm ngừng áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 khi phát hiện có 90 lỗi kỹ thuật. Điều 292 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã nhận được nhiều kiến nghị hủy bỏ khi đi ngược lại chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế với tội kinh doanh trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông gây ra sự đối xử không công bằng với các ngành nghề kinh doanh khác.

 

Nguồn luật thứ hai là án lệ. Về khái niệm, án lệ là đường lối giải thích và áp dụng pháp luật của Tòa án, được coi là tiền lệ để thẩm phán áp dụng vào xét xử các vụ án tương tự. Đây là nguồn luật để bổ sung pháp luật kịp thời trong việc giải quyết các quan hệ xã hội khi chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh. Nghị quyết số 49 năm 2006 của Bộ Chính trị nêu rõ Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết số 03/2015 về quy trình lựa chọn và công bố án lệ. Kể từ đó, án lệ trở thành nguồn lực chính thức được áp dụng ở Việt Nam. Ngày 5/6/2016, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã thông qua 6 án lệ đầu tiên, trong đó có 5 án lệ dân sự và 1 án lệ hình sự. Tuy nhiên, ThS. Cao Việt Thăng cho rằng, các bản án được dùng để làm án lệ còn sơ sài, chưa phù hợp về khái niệm. ThS. Cao Việt Thăng đã phân tích 1 án lệ để chứng minh cho lập luận của mình. Sau đó, ThS. Cao Việt Thăng tiếp tục giới thiệu về một nguồn luật nữa được áp dụng tại Việt Nam là tập quán, thói quen thương mại.

 

PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

 

Bình luận về phần báo cáo này, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho rằng ngoài việc nhận định về tình trạng lạm phát trong việc ban hành các VBQPPL, ThS. Cao Việt Thăng cũng cần nêu ra những ưu điểm, mặt tích cực từ những VBQPPL được ban hành trong 30 năm đổi mới vừa qua. Báo cáo viên cần đưa ra cơ sở, tiêu chí trong việc đánh giá thực trạng sử dụng nguồn luật. PGS.TS. Phạm Hữu Nghị cho biết, khi đánh giá, thẩm định trước khi ban hành một VBQPPL cụ thể, Bộ Tư pháp đưa ra 4 tiêu chí là tính hợp hiến, tính thống nhất, tính khả thi và phù hợp với đường lối của Đảng.

 

Về án lệ, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đồng ý với báo cáo viên khi cho rằng những án lệ mới được Tòa án nhân dân tối cao công bố chưa thực sự là án lệ theo quan niệm của quốc tế. Theo PGS.TS. Nguyễn Như Phát, án lệ được hình thành dựa trên cơ sở giải thích pháp luật. Trong quá trình xét xử, nhận thấy pháp luật không rõ ràng (theo mô hình civil law) hoặc không có văn bản pháp luật (theo mô hình common law) thì Tòa án cần giải thích pháp luật từ đó hình thành án lệ, tức là một quy tắc xử sự mới để bổ sung cho luật thành văn. Các án lệ vừa được Tòa án nhân dân tối cao công bố được hình thành từ việc tổng kết các vụ án đã xử nên không thể hiểu đó là án lệ.

 

PGS.TS. Nguyễn Như Phát

 

Trao đổi về Đề tài, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng trong chuyên đề của mình, ThS. Cao Việt Thăng đã nêu rõ được có các dạng nguồn luật. Tiếp theo, báo cáo viên cần chỉ ra được việc sử dụng nguồn luật ra sao, cần tìm hiểu các nguyên tắc, điều kiện và trình tự sử dụng nguồn luật đó. Mối quan hệ giữa các nguồn luật như thế nào trong sự phát triển nhanh chóng về nhà nước và pháp luật mà cụ thể hơn là sự phát triển của các nguồn luật ở các nước trên thế giới? PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nêu ra một số yếu tố cần được luận giải cho câu hỏi trên, đó là: (i) Nhà nước pháp quyền với Hiến pháp và luật là tối thượng, trong khi đó với Việt Nam các đạo luật phải chờ các văn bản dưới luật để cụ thể hóa; (ii) Mối quan hệ giữa các quy phạm do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận với các quy phạm xã hội; (iii) Chủ quyền Nhà nước khi ban hành luật đã thuyên giảm khi tham gia vào các hiệp định, công ước quốc tế. Cần phân tích sự thay đổi giá trị nguồn luật, chẳng hạn như các tập quán quốc tế có thể cao hơn pháp luật trong nước.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật (bên trái)

 

Bình luận về nội dung Đề tài, theo NCV. Lê Quang Thưởng, báo cáo viên cần nhìn nhận liệu có sự xung đột hay không khi lựa chọn sử dụng nguồn luật. Từ đó, cần sắp xếp thứ tự  ưu tiên trong việc sử dụng nguồn luật nào. Báo cáo viên cũng nên đưa thêm các quy định trong nội bộ tổ chức xã hội là một loại nguồn luật, chẳng hạn như quy chế của ngân hàng.

 

Về nguồn luật nội dung, TS. Phạm Thị Thúy Nga cho rằng chuyên đề của ThS. Cao Việt Thăng cần đánh giá pháp luật Việt Nam hiện nay thể hiện thế nào về đường lối chính sách của Đảng, nhu cầu quản lý kinh tế xã hội của Nhà nước và các tư tưởng, học thuyết pháp lý. Về nguồn hỗn hợp, ngoài việc đã phân tích VBQPPL và án lệ, Đề tài cũng cần chú ý đến các nguyên tắc chung của pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết có được áp dụng trực tiếp hay được điều chỉnh, chuyển hóa thế nào.

 

Kết thúc buổi sinh hoạt khoa học, ThS. Cao Việt Thăng cám ơn và ghi nhận những nhận xét, bình luận, góp ý nhiệt tình về nội dung của Đề tài của các nhà khoa học. Đề tài này cũng là một phần trong luận án của ThS. Cao Việt Thăng nên những ý kiến đóng góp này thật sự có giá trị khoa học, giúp cho nghiên cứu sinh hoàn thành luận án trong thời gian tới.