•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở ngày 25 và 26/8/2016

31/08/2016
Trong 02 ngày, 25 và 26/8/2016 tại Viện Nhà nước và Pháp luật, hai Đề tài cơ sở do TS. Trương Vĩnh Khang và ThS. Đinh Thế Hưng làm chủ nhiệm đã tổ chức buổi tọa đàm báo cáo kết quả nghiên cứu.

TS. Trương Vĩnh Khang

 

Đề tài thứ nhất thực hiện báo cáo là “Đơn vị hành chính lãnh thổ thời phong kiến Việt Nam” của TS. Trương Vĩnh Khang, cán bộ Phòng Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật. 

 

Thời phong kiến trong Đề tài nghiên cứu này được xác định từ năm 938 khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trong chiến thắng trên sông Bạch Đằng đến năm 1883 khi triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp thừa nhận và chấp nhận Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp cũng như chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.

 

TS. Trương Vĩnh Khang đã tổng hợp, phân tích về quá trình mở rộng đơn vị hành chính lãnh thổ (ĐVHCLT), tên gọi của các cấp đơn vị hành chính (ĐVHC) qua các thời kỳ. Từ đó, báo cáo viên đã chỉ ra các yếu tố đặc trưng dẫn đến việc hình thành các cấp đơn vị hành chính lãnh thổ này:

-        Tăng về số lượng và quy mô đơn vị hành chính;

-        Phân chia thành 2 nhóm chính: đơn vị hành chính trung gian được hình thành trước và ĐVHC cơ sở được hình thành sau;

-        Được thiết lập trong tiến trình lịch sử đều hướng đến việc thực thi quyền lực nhà nước ở trung ương theo nền quân chủ lập hiến;

-        ĐVHC cơ sở dù được chuyên môn hóa nhưng có xu hướng thoát ly khỏi ĐVHC trung ương khi lợi ích của người dân bị ảnh hưởng;

-        Nền kinh tế nông nghiệp là chủ đạo nên ĐVHC ở cấp phường xã đậm chất tự quản, phục vụ cho nhu cầu của người dân.

 

Đề tài này nhận được nhiều ý kiến của các nhà khoa học trong Viện. Theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, tác giả cần phân tích rõ thuật ngữ “ĐVHC trung gian”, chỉ ra mối quan hệ giữa cấp hành chính này với cấp trung ương và cấp cơ sở. PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đề xuất Đề tài cần chỉ ra cái chung trong suốt thời phong kiến ở Việt Nam và cái riêng của mỗi thời kỳ khi phân tích việc hình thành, phân chia ĐVHC. Liệu có tính kế thừa qua mỗi triều đại không?

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương cho rằng, khi phân tích việc phân chia, hình thành ĐVHC cần tính đến tính thống nhất của quốc gia, tác động thế nào đến sự phát triển của kinh tế - xã hội cũng như việc phân chia này ảnh hưởng đến nguyên tác tổ chức quyền lực thế nào. Đề tài hiện chưa xác định rõ giữa ĐVHCLT với cấp chính quyền. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương, chức năng của ĐVHC cấp trung gian không phải là quản lý mà là chuyển giao nhiệm vụ từ trung ương xuống cơ sở.

 

Tiếp theo, ngày 26/8/2016, các cán bộ nghiên cứu trong Viện đã lắng nghe và cùng trao đổi về những chuyên đề của Đề tài “Điều tra trong luật tố tụng hình sự Việt Nam” do các cán bộ nghiên cứu của Phòng Pháp luật Hình sự thực hiện.

-        Lý luận về điều tra trong tố tụng hình sự (TTHS);

-        Đánh giá thực tiễn pháp luật điều tra ở Việt Nam;

-        Quy định của pháp luật về điều tra trong TTHS;

 

ThS. Đinh Thế Hưng (bìa trái)

 

Về mặt lý luận, ThS. Đinh Thế Hưng cho rằng, điều tra là hoạt động nhận thức với đối tượng là xác định sự thật của vụ án. Đây là hoạt động nhận thức đặc biệt, bằng phương pháp chứng minh với phương tiện là chứng cứ. Quá trình điều tra được thực hiện và chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố, đó là: tình hình tội phạm; người bị hại; người làm chứng; mô hình TTHS; con người; cơ sở vật chất – kỹ thuật… Với những vụ án có nhiều tội phạm, tình tiết, thủ đoạn gây án tinh vi, phức tạp thì sẽ gây khó khăn cho quá trình điều tra. Phân tích về yếu tố người làm chứng, theo ThS. Đinh Thế Hưng, trong một vụ án hình sự, ba đối tượng biết rõ nhất là người phạm tội, người bị hại và người làm chứng. Trong đó, tội phạm thường không khai thật trước cơ quan điều tra để chạy tội, người bị hại cũng thường khai không đúng sự thật để có lợi cho mình. Chỉ có lời khai, chứng cứ của người làm chứng là mang tính khách quan. Vì thế, sự cộng tác của người làm chứng đóng vai trò quan trọng khi cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra (CQĐT).

 

Phân tích về cách tiếp cận chế định điều tra, ThS. Đinh Thế Hưng cho biết điều tra là một giai đoạn trong TTHS. Giai đoạn này là một bước trong TTHS do một cơ quan đặc thù đảm nhiệm, là hệ thống CQĐT. Hiện nay, với mô hình TTHS xét hỏi thì đây là gia đoạn quan trọng nhất, đóng vai trò trung tâm trong TTHS. Các cách tiếp cận nữ đó là, điều tra là hệ thống tổ chức các cơ quan thực hiện điều tra, cũng như điều tra được coi là một chế định trong TTHS. Theo đó, chế định điều tra là tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình điều tra bao gồm: biện pháp điều tra, trình tự tiến hành điều tra; tổ chức hoạt động của CQĐT; các giai đoạn điều tra; mối quan hệ giữa CQĐT với cơ quan tiến hành tố tụng.

 

Các thành viên của Đề tài "Điều tra trong luật tố tụng hình sự Việt Nam"

 

Trên cơ sở những phân tích về lý luận, ThS. Lê Thị Hồng Xuân và ThS. Nguyễn Ngọc Mai trình bày các chuyên đề đánh giá pháp luật về điều tra và quy định của pháp luật về điều tra trong TTHS Việt Nam hiện nay. Báo cáo nhằm chỉ ra bản chất của CQĐT, những bất cập, vướng mắc trong hoạt động điều tra. Qua phân tích thực trạng tổ chức của CQĐT cho thấy hiện có nhiều đầu mối với nhiều cơ quan có thẩm quyền điều tra. Nhiều y kiến lo ngại tình trạng này sẽ khó đảm bảo quyền con người.

 

Sau ba phần báo cáo, ThS. Đinh Thế Hưng cho biết các thành viên sẽ tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để bổ sung cho Đề tài như: đánh giá thực tiễn hoạt động điều tra; tìm hiểu hoạt động điều tra ở các nước.