•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân”

14/08/2023
Thực hiện nhiệm vụ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức tọa đàm nhằm thu hút rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong Viện về Dự thảo Nghị định quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Sau 05 năm thực hiện, Bộ Tài chính đã tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình quản lý cho thấy việc triển khai thực hiện Nghị định đã thu được những kết quả ban đầu, song vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện.

 

Vì thế, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định mới và trình Chính phủ ban hành để thay thế cho Nghị định số 29/2018/NĐ-CP nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bổ sung các quy định về các vấn đề chưa có quy định điều chỉnh, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Kết cấu của Dự thảo Nghị định (Dự thảo) gồm 13 chương và 115 điều.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan (giữa) chủ trì tọa đàm và ThS. Nguyễn Thu Dung (bên trái)

 

Chủ trì buổi tọa đàm là TS. Phạm Thị Hương Lan, Trưởng phòng Phòng Pháp luật Kinh tế. Mở đầu tọa đàm là phần góp ý của TS. Nguyễn Thị Hường (phòng Pháp luật Dân sự) về nội dung các chương 2, 3 và 4 của Dự thảo. Điều 18 Dự thảo quy định: Hình thức xử lý tài sản là vật chứng vụ án, tài sản của người kết án bị tịch thu thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này”. Khoản 3 Điều 8 Dự thảo quy định: “Nộp vào ngân sách nhà nước đối với tiền Việt Nam”. Tác giả nhận thấy, đối với tài sản là tiền Việt Nam trong các vụ án hiện nay, gần đây là vụ án về “chuyến bay giải cứu”, ngoài việc nộp vào ngân sách nhà nước thì cũng cần phải có phương án bồi thường cho người bị hại là những khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng cần phải chứng minh được là mình bị thiệt hại trong các chuyến bay giải cứu đó như thế nào? Ban soạn thảo nên cân nhắc vấn đề này để bổ sung vào Dự thảo nhằm bảo đảm quyền lợi của người bị thiệt hại.

 

Quy định về việc xử lý tài sản công trong trường hợp bán đấu giá không thành, Khoản 7 Điều 14 Dự thảo quy định, việc xử lý trong trường hợp đấu giá tài sản không thành thực hiện theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Theo Điều 25 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, khi xử lý tài sản công trong trường hợp đấu giá không thành thì tổ chức đấu giá lại trong trường hợp đấu giá lần đầu không thành; hoặc qua 2 lần tổ chức đấu giá không thành thì cơ quan được giao tiếp tục thực hiện đấu giá lại hoặc quyết định bán tài sản theo hình thức xử lý khác… Khi đó sẽ phát sinh hai vướng mắc: (i) Chưa có quy định về việc giảm giá trong trường hợp đấu giá lại. Hiện nay, việc giảm giá khi bán lại chỉ áp dụng đối với trường hợp bán niêm yết theo Khoản 8 Điều 26 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP mà không có quy định việc giảm giá đối với trường hợp đấu giá lại. Nếu vẫn giữ nguyên giá khởi điểm cao như ban đầu thì nguy cơ dẫn đến việc đấu giá lại không thành là rất cao; (ii) Chưa có hướng dẫn về việc lựa chọn hình thức xử lý tài sản khi đã 2 lần đấu giá không thành. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung các quy định này cho hợp lý.

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thu Dung (phòng Pháp luật Kinh tế) đóng góp ý kiến liên quan đến các quy định về tài sản của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tài sản do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam… Cam kết chuyển giao không bồi hoàn tài sản cho Nhà nước Việt Nam sau khi kết thúc thời hạn hoạt động của dự án đầu tư là một dạng cam kết đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài được thể hiện ngay trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy đăng ký đầu tư. Nhìn chung, việc chuyển giao tài sản không bồi hoàn được thực hiện khá dễ dàng trong trường hợp doanh nghiệp FDI có nhiều dự án đầu tư, và về bản chất thì việc chuyển giao tài sản không bồi hoàn này là việc doanh nghiệp FDI “tặng cho” Nhà nước tài sản của một dự án đầu tư nào đó đã kết thúc hoạt động.

 

Tuy nhiên, sẽ phức tạp hơn nếu doanh nghiệp FDI chỉ có 1 dự án duy nhất và khi dự án đó kết thúc thì đồng thời chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp FDI sẽ phải thực hiện thủ tục giải thể và tài sản của doanh nghiệp sẽ được xử lý theo các quy định của pháp luật về giải thể. Khi đó, tài sản cam kết chuyển giao không bồi hoàn có được tính vào khối tài sản thanh lý của doanh nghiệp FDI hay không và cách thức xử lý như thế nào.

 

TS. Dương Quỳnh Hoa (thứ hai từ phải sang) và TS. Nguyễn Thị Hường (thứ ba từ phải sang)

 

Sau đó, TS. Dương Quỳnh Hoa (Trưởng phòng Phòng Pháp luật Dân sự), trao đổi và góp ý về các quy định liên quan đến tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm; xác định giá trị tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; quản lý trong xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân… Điều 82 Dự thảo về nguyên tắc xử lý tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chằm đắm được tìm thấy ưu tiên xử lý theo các nguyên tắc: trả lại cho chủ sở hữu nếu xác định được chủ sở hữu hợp pháp; nếu không có hoặc không xác định được chủ sở hữu hợp pháp thì trả cho tổ chức, cá nhân tìm thấy tài sản hoặc xác lập quyền sở hữu toàn dân với các điều kiện, trường hợp đi kèm với từng nguyên tắc.

 

Tuy nhiên, không phải trong mọi trường hợp thì các tài sản được khai quật, trục vớt, tìm thấy đều còn giá trị và giá trị sử dụng mà cần phải tiêu hủy ngay. Trong trường hợp đó, phải có phương án tiêu hủy tài sản theo quy định của pháp luật. Do vậy, điều luật này cần bổ sung thêm một phương án ưu tiên xử lý là tiêu hủy đối với tài sản phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

 

Bên cạnh đó, Khoản 7 Điều 91 Dự thảo quy định: “Trường hợp khi tiêu hủy tài sản có vật liệu, phế liệu thu hồi có thể sử dụng được thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản thành lập Hội đồng xác định giá trị tài sản theo quy định tại Điều này hoặc/và thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị vật liệu, phế liệu thu hồi để xác định hình thức bán thanh lý theo quy định tại điểm b Khoản 6 Điều 13 Nghị định này”. Việc quy định tại khoản này cho thấy trong số các phương án xử lý tài sản có cả phương án tiêu hủy tài sản.

 

Ngoài các đóng góp trên, tọa đàm còn thu nhận nhiều ý kiến của các nhà khoa học về các nội dung liên quan đến: Bất động sản vô chủ; quỹ xã hội, quỹ từ thiện bị giải thể do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội; căn cứ xác định giá, khảo sát giá, phương pháp xác định giá tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân...