•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm “Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”

30/06/2016
Sau hơn 10 năm triển khai thi hành, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 đã không còn phù hợp do tình hình kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi. Ngày 27/11/2015, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 10. Tọa đàm “Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015” do phòng Pháp luật Hình sự phối hợp với phòng Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế tổ chức ngày 28/6/2016 tại Hội trường Viện Nhà nước và Pháp luật.

Tham gia Tọa đàm là các nhà nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật. Mục đích của buổi tọa đàm là đánh giá những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) năm 2015 trong việc đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, thể chế hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013 và xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn hiện nay.

 

Tọa đàm gồm 3 chuyên đề chính:

- Những điểm mới trong hệ thống những nguyên tắc của TTHS Việt Nam - ThS. Đinh Thế Hưng;

- Những quy định về quyền của người bị buộc tội – ThS. Nguyễn Ngọc Mai;

- Những điểm mới về các giai đoạn của TTHS Việt Nam – ThS. Lê Thị Hồng Xuân.

 

Các báo cáo viên của Tọa đàm: ThS. Đinh Thế Hưng, ThS. Nguyễn Ngọc Mai

và ThS. Lê Thị Hồng Xuân (từ phải sang)

 

ThS. Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Phòng Pháp luật Hình sự cho biết, Bộ luật TTHS năm 2015 quy định 20 nguyên tắc cơ bản, đặc trưng của TTHS, giảm bớt 14 nguyên tắc so với Bộ luật năm 2003. Đầu tiên là nguyên tắc pháp chế trong TTHS khẳng định rằng một chứng cứ nếu được thu thập bất hợp pháp thì được coi là trái pháp luật và không có giá trị. Đây là một nguyên tắc nhỏ nhưng có ý nghĩa rất lớn trong TTHS Việt Nam.

 

Một trong những nguyên tắc quan trọng khác là nguyên tắc suy đoán vô tội, một thuật ngữ mới lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật TTHS Việt Nam (Điều 13). Theo đó, người bị buộc tội được coi là không có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Quy định này nhằm đề cao quyền con người, thể hiện tính nhân văn khi đối xử với người chưa bị coi là có tội. Khi mọi nghi ngờ không thể được chứng minh thì cơ quan tiến hành tố tụng phải giải thích có lợi cho người bị buộc tội.

 

Một nguyên tắc nữa thể hiện sự bình đẳng giữa các bên tham gia tố tụng và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế là nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Điều 26). Các bên có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để xác định sự thật của vụ án. Tuy nhiên, điều luật này chỉ quy định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, một giai đoạn của TTHS. Về mặt thực chất, nguyên tắc tranh tụng phải là một quá trình. Ngay từ khi khởi tố bị can, bị cáo, người bào chữa đã có quyền xem toàn bộ hồ sơ của cơ quan điều tra.

 

Ngoài ra, ThS. Đinh Thế Hưng còn phân tích, đánh giá nguyên tắc chính khác như: đảm bảo quyền bào chữa; một hành vi không bị xét xử hai lần;…

 

 

Chuyên đề tiếp theo do ThS. Nguyễn Ngọc Mai trình bày là hệ thống các quyền của người bị buộc tội trong Bộ luật TTHS năm 2015. Điểm đ Khoản 1 Điều 4 quy định người bị buộc tội là người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Như vậy, so với Bộ luật năm 2003, người bị buộc tội trong Bộ luật năm 2015 đã bổ sung thêm một đối tượng nữa là người bị bắt.

 

Một trong những quyền có những điểm mới so với Bộ luật năm 2003 là quyền bào chữa được quy định tại Điều 16 như sau: Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

 

Ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền bào chữa như hiện hành, thì người bị bắt cũng được bảo đảm quyền bào chữa. Người bào chữa có quyền thu thập chứng cứ thay vì chỉ có quyền thu thập tài liệu, đồ vật như hiện nay. Bộ luật năm 2015 bổ sung quyền của người bị buộc tội được đọc bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội họ trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra. Quyền này là cần thiết để đảm bảo cho người bị buộc tội có căn cứ tự bào chữa cho mình.

 

Một quyền nữa có tác động tích cực đến việc bảo đảm quyền con người trong TTHS là quyền im lặng. Quyền này giải quyết được nhiều bất cập trong các vụ án mà các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng lời khai bất lợi cho bị can, bị cáo hoặc chỉ sử dụng duy nhất lời nhận tội của họ để kết tội khi đưa ra truy tố, xét xử. Theo đó, các điều khoản trong Bộ luật năm 2015 ghi nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, người bị tạm giữ, bị can và bị cáo đều có quyền trình bày ý kiến, trình bày lời khai, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Như vậy, có thể hiểu người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

 

 

Trong chuyên đề về phân tích các quy định về các giai đoạn của TTHS trong Bộ luật TTHS từ trước đến nay, ThS. Lê Thị Hồng Xuân chỉ ra những điểm mới được bổ sung vào Bộ luật năm 2015 như:

- Nâng cao vai trò của Viện Kiểm sát với tư cách là cơ quan công tố;

- Hệ thống các biện pháp điều tra đặc biệt (ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử) được áp dụng khi tiến hành điều tra một số tội: xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền, tham nhũng, ma túy và một số loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

 

Nhận định về biện pháp này, PGS.TS. Vũ Thư cho rằng các biện pháp đặc biệt là cần thiết giúp hỗ trợ cho nghiệp vụ trinh sát của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, trong chừng mực khác nhau, các biện pháp này đều hạn chế một hoặc một số quyền con người, quyền công dân nào đó. Để đảm bảo nguyên tắc Hiến định và tính minh bạch cũng như ngăn ngừa sự tùy tiện, lạm dụng các biện pháp này, cơ quan có thẩm quyền cần có những quy định rõ ràng, chặt chễ về thủ tục áp dụng. Về biện pháp này, ThS. Đinh Thế Hưng cho biết thêm, nếu cá nhân thực hiện biện pháp này và lấy làm chứng cứ thì được coi là bất hợp pháp và không có giá trị.

 

TS. Phạm Thị Hương Lan đặt ra câu hỏi về vai trò của Viện Kiểm sát trong giai đoạn điều tra. Viện Kiểm sát có được giám sát chứng cứ hay không khi mà thực tế cho thấy vai trò kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát bị cơ quan điều tra lấn át. ThS. Đinh Thế Hưng đồng ý với nhận định của TS. Phạm Thị Hương Lan và cho rằng về mặt lý thuyết, quyền công tố của Viện Kiểm sát rất lớn. Vì thế, Viện Kiểm sát cần tham gia sâu hơn nữa vào quá trình tố tụng.

 

Các nhà khoa học cũng đưa ra câu hỏi, ý kiến về những vấn đề khác như: khởi tố theo yêu cầu của người bị hại; xóa án tích; nhân thân của người bị buộc tội; vai trò, vị trí của công an xã trong điều tra vụ án hình sự;…

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, thay mặt phòng Pháp luật Hình sự, ThS. Đinh Thế Hưng mong muốn hợp tác với các phòng chuyên ngành khác trong việc nghiên cứu liên ngành như: pháp luật hình sự trong việc thể chế kinh tế; pháp luật hình sự về tội xâm phạm sở hữu; dẫn độ tội phạm; pháp luật hình sự với bảo đảm quyền con người;…