•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Cơ sở pháp lý về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay”

31/07/2014
Đây là đề tài nằm trong Nhiệm vụ theo kế hoạch hoạt động chung năm 2014 của Viện Nhà nước và Pháp luật do ThS. Bùi Đức Hiển làm chủ nhiệm. Tọa đàm khoa học này diễn ra vào sáng ngày 30/7/2014 tại Hội trường Viện.

Các thành viên của đề tài mong muốn những nghiên cứu của mình là những gợi mở ban đầu tạo tiền đề, căn cứ để tiếp tục thực hiện đề tài cấp Bộ liên quan đến chủ đề này trong thời gian tới.

 

Đề tài này gồm có 6 Báo cáo:

 

1. Một số vấn đề lý luận về ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu hiện nay - PGS.TS. Phạm Hữu Nghị

Bài viết đưa ra 3 ý chính:

-         Nhận thức về sự tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam;

-         Nhận thức về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu;

+ Giải pháp giảm nhẹ (kiểm soát) biến đổi khí hậu

+ Các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

+ Giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu đối với các khu vực địa- khí hậu

- Đề xuất khung chính sách pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 

2. Tác động của biến đổi khí hậu và nhu cầu điều chỉnh pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (trong mối quan hệ với bảo vệ quyền con người) ở Việt Nam - ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga

Bài viết chỉ ra những tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là các quyền con người. Từ  đó đặt ra nhu cầu điều chỉnh pháp luật.

 

3. Nội dung điều chỉnh pháp luật trong các công ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu - ThS. Trần Thị Huệ (Khoa Luật, Đại học Công Đoàn)

Báo cáo phân tích nội dung điều chỉnh pháp luật trong các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, như: Công ước khung về ứng phó với biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc; Nghị định thư Kyoto,…

 

4. Thực trạng điều chỉnh pháp luật về ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay - ThS. Bùi Đức Hiển

Báo cáo trình bày thực trạng quy định và thực hiện pháp luật Viêt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu. Từ đó bước đầu đánh giá những ưu điểm và hạn chế của các quy định cũng như thực tiễn thực hiện pháp luật về vấn đề này.

 

5. Pháp luật về cơ chế phát triển sạch ở một số nước trên thế giới trong bối cảnh cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu - ThS. Phạm Văn Hảo (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương)

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, bài viết phân tích về một trong các cơ chế giảm thiểu phát thải các chất gây hiệu  ứng nhà kính, đó là cơ chế phát triển sạch (CDM) ở một số nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Brasil và qua đó có so sánh đánh giá thực tiễn quy định và thực hiện CDM ở Việt Nam hiện nay.

 

6. Quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay - ThS. Phạm Thị Hương Lan

Bài viêt đưa ra quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay.

 

Sau khi lắng nghe các thành viên đề tài trình bày, các nhà khoa học trong Viện đã cùng trao đổi về các vấn đề liên quan đến đề tài. ThS. Nguyễn Linh Giang cho biết, buổi tọa đàm này giúp chị lần đầu tiên tiếp xúc một số khái niệm mới. Về báo cáo của ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga, chị cho rằng quyền được sống trong môi trường trong lành cần phải được nhắc đến đầu tiên, đây là một quyền thiết yếu trong mối liên hệ giữa quyền con người với việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Ngoài ra, liên quan đến chủ đề này, thế giới hiện nay đã nhận thức và đưa ra khái niệm một quyền mới - quyền được công bằng trong các thế hệ. Thế hệ hôm nay cần có trách nhiệm, thể hiện đạo đức trong hành động của mình để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống cho thế hệ con cháu mai sau. Những hành động xâm phạm đến môi trường, phá vỡ cân bằng sinh thái, tính đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của thế hệ sau.

 

Bình luận tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Như Phát khẳng định biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn mà Việt Nam đang đối mặt và cần phải tìm ra những giải pháp ứng phó cũng như bảo vệ để tránh khỏi hoặc giảm thiểu những thiệt hại mà nó gây ra. Các thành viên đề tài cần tiếp tục đánh giá, phân tích những chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước đã ban hành về việc ứng phó với biến đổi khí hậu để từ đó đưa ra những cơ sở khoa học và pháp lý trong vấn đề này.