•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi”

10/08/2015
Sáng ngày 7/8/2015, tại Hội trường tầng 1, 27 Trần Xuân Soạn, Hà Nội, Viện Nhà nước và Pháp luật tổ chức Tọa đàm khoa học “Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi”. Đây là hoạt động khoa học nằm trong Nhiệm vụ cấp Bộ về đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản luật cũng như để thực hiện Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về viêc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Tham dự Tọa đàm có TS. Nguyễn Thị Thoa - Bộ Tư pháp, thành viên Tổ biên tập dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi, PGS.TS. Bùi Nguyên Khánh – Phó Giám đốc Học viện Khoa học xã hội, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa – Đại học Luật Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí – Khoa Luật, Đạo học Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo cán bộ Viện Nhà nước và Pháp luật.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Như Phát – Chủ nhiệm Nhiệm vụ cấp Bộ và ThS. Đinh Thế Hưng – Trưởng phòng Phòng Pháp luật Hình sự đồng chủ trì Tọa đàm.

 

Ban chủ trì Tọa đàm: ThS. Đinh Thế Hưng, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh,

PGS.TS. Nguyễn Như Phát (trừ trái sang)

 

Sau hơn 14 năm thi hành, BLHS năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã có những tác động tích cực đối với công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, hiện nay đất nước ta đã có những thay đổi lớn về mọi mặt, bên cạnh đó tình hình tội phạm nhìn chung vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm luôn có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, môi trường. Điều này đã làm cho BLHS hiện hành trở nên bất cập không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

 

Mở đầu Tọa đàm là tham luận “Những định hướng cơ bản cho việc sửa đổi Bộ luật Hình sự 1999” của TS. Nguyễn Thị Thoa, Bộ Tư pháp. Bà cho biết, dự thảo BLHS sửa đổi có tổng số 443 điều (tăng 99 điều so với BLHS hiện hành), trong đó giữ nguyên nội dung 43 điều, bãi bỏ 06 điều, bổ sung mới 68 điều và sửa đổi 329 điều (trong đó có 51 điều được tách ra từ 20 điều của BLHS hiện hành). So với quy định của BLHS hiện hành, dự thảo BLHS sửa đổi lần này có 6 nội dung mới chủ yếu sau đây:

- Dự thảo BLHS sửa đổi góp phần bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

- Thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013;

- Thể hiện tinh thần đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm;

- Góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đồng thời thể hiện chính sách xử lý đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI);

- Góp phần hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo trong các quy định của BLHS; bảo đảm tính thống nhất về mặt kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác.

 

TS. Nguyễn Thị Thoa, Bộ Tư pháp (bên trái)

 

Ở nội dung thứ nhất, dự thảo sửa đổi, bổ sung các điều luật về 2 nhóm tội phạm, đó là nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (chương XVIII) và nhóm các tội phạm về môi trường (chương XIX). Trong đó, ở chương XVIII, dự thảo quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 06 tội, đó là: buôn lậu; trốn thuế; cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán; thao túng giá chứng khoán; trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động (các điều 190, 204, 213, 214, 215 và 220).

 

Trong nội dung thứ hai, một trong những vấn đề được xã hội quan tâm trong dự thảo lần này là sửa đổi, bổ sung quy định về hình phạt tử hình (Điều 39) theo hướng tiếp tục thể chế hóa chủ trương hạn chế hình phạt tử hình được xác định tại các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49/NQ-TW và bám sát tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Dự thảo quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, theo đó hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể:

   Về đối tượng: Người phạm tội thuộc một trong các đối tượng là người tổ chức, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, người thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.

   Về loại tội: Xuất phát từ tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm cũng như đặc điểm nhân thân của người phạm tội; yêu cầu bảo vệ khách thể bị xâm hại và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như khả năng trấn áp tội phạm bằng các biện pháp ngoài tử hình, trên cơ sở cân nhắc thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước thì thấy rằng, hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, xâm phạm tính mạng con người; tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do BLHS quy định.

 

Trên tinh thần đó, dự thảo BLHS bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh (các điều 167, 316, 407, 413, 436, 437, 438). Đồng thời, dự thảo BLHS tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 của BLHS hiện hành) thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Còn đối với các tội danh khác thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân (các điều 250, 251, 252, 253).

 

GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí (từ trái sang)

 

Bàn về nguồn của luật hình sự, GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa ủng hộ việc mở rộng nguồn của luật hình sự, nghĩa là tội phạm và hình phạt không chỉ được quy định trong BLHS mà còn được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành. Mặc dù, BLHS đã trải qua 6 lần sửa đổi, bổ sung nhưng nhìn chung BLHS vẫn chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn. Một trong những nguyên nhân là do BLHS quy định tất cả các tội phạm thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tương đối ổn định song có lĩnh vực lại có tính biến động cao như các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ… Khi một lĩnh vực nào đấy có sự thay đổi thì đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung BLHS, nếu không sẽ nảy sinh bất cập. Từ đó tạo ra một áp lực không nhỏ về quy trình sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS với ý nghĩa là một trong những Bộ luật quan trọng mang tính rường cột trong hệ thống pháp luật nước ta. Bởi thế, việc nghiên cứu khả năng mở rộng nguồn của luật hình sự là cần thiết để khắc phục các nhược điểm nêu trên. Việc mở rộng nguồn luật hình sự sẽ đảm bảo tính ổn định, kịp thời, đồng bộ và tạo điều kiện để phân hóa và cụ thể hóa các tội.

 

Về Chương XV Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Chí cho rằng, dự thảo cần phải thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013. Việc hình sự hóa các hành vi cản trở quyền lập hội, quyền biểu tình và quy định trong dự thảo là cần thiết (điều 162, 166). Hiện nay, dự thảo Luật Biểu tình, Luật về Hội đang được Quốc hội thảo luận và sẽ thông qua trong thời gian tới sẽ giúp đảm bảo thực hiện quyền con người trong thực tế. Về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, một số tội không nên quy định trong dự thảo mà nên để cho các luật chuyên ngành điều chỉnh trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ chính xác và nhanh chóng hơn.

 

Bình luận về các ý kiến trên, ThS. Đinh Thế Hưng đồng ý với GS.TS. Nguyễn Ngọc Hòa về việc cần thiết mở rộng nguồn của luật hình sự. Nếu mở rộng nguồn thì các quy định về tội phạm trong dự thảo cần được sửa lại. Tuy nhiên, thực tế là chất lượng của các luật chuyên ngành rất thấp. Để luật chuyên ngành có thể áp dụng vào thực tế thì Chính phủ cần soạn thảo các nghị định, thông tư hướng dẫn. Nếu thế, có thể gây ra sự tùy tiện trong việc áp dụng luật.

 

Liên quan đến hình phạt tử hình, ThS. Đinh Thế Hưng cho rằng Nhà nước cần đưa ra hỏi ý kiến nhân dân về việc bỏ hay giữ hình phạt này. Vì hình phạt này liên quan trực tiếp đến người dân và liên quan đến công lý mà công lý là từ cảm nhận của số đông dân chúng. ThS. Hưng ủng hộ việc bỏ án tử hình với tội phạm ma túy vì thực tế tội phạm này không giảm mà có xu hướng gia tăng. Việc giảm tội phậm loại này không phụ thuộc vào việc có án tử hình hay không.

 

Sau đó, các nhà khoa học đã cùng nhau thảo luận, đưa ra ý kiến đối với các tham luận phân tích về các tội: xâm phạm trật tự quản lý (ThS. Đinh Thế Hưng), xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình (ThS. Lê Thị Hồng Xuân), các quy định đối với người chưa thành niên phạm tội (ThS. Nguyễn Ngọc Mai).

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn các nhà khoa học đã đến dự và đưa ra nhiều ý kiến góp ý cho dự thảo BLHS sửa đổi. Các ý kiến của các nhà khoa học và các tham luận của các báo cáo viên sẽ giúp Viện Nhà nước và Pháp luật chắt lọc, hoàn thiện báo cáo để gửi Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đây là những ý kiến đóng góp hữu ích cho cơ quan soạn thảo dự thảo BLHS tham khảo để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.