•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Tọa đàm khoa học “Tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy luật học”

18/07/2016
Sáng ngày 14/7/2016, tại trụ sở Học viện Khoa học xã hội, Viện Nhà nước và Pháp luật phối hợp với Học viện Khoa học xã hội tổ chức Tọa đàm khoa học “Tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy luật học” do GS.TS. Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật đồng chủ trì.

GS.TS. Võ Khánh Vinh và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đồng chủ trì Tọa đàm

 

Sau thành công của buổi sinh hoạt chuyên đề “Một số vấn đề nghiên cứu cấp bách về khoa học pháp lý ở nước ta hiện nay” diễn ra tháng 1/2016, lãnh đạo Học viện Khoa học xã hội và Viện Nhà nước và Pháp luật đã thảo luận và thống nhất tiếp tục tổ chức các sinh hoạt khoa học, trao đổi học thuật giữa hai bên. Tham dự Tọa đàm lần này có TS. Lê Mai Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Nhà nước và Pháp luật; PGS.TS. Đỗ Phú Hải, Trưởng khoa Khoa Chính sách công, Học viện Khoa học xã hội; TS. Đinh Thị Mai, Trường phòng Phòng Quản lý khoa học, Học viện Khoa học xã hội và các nghiên cứu viên cap cấp của Viện Nhà nước và Pháp luật. Đông đảo các nghiên cứu viên của Viện và giảng viên của Học viện Khoa học xã hội cũng tham gia buổi sinh hoạt khoa học này.

 

Phát biểu mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho biết mục đích của Tọa đàm là làm rõ hơn sự cần thiết của việc tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu khoa học nói chung cũng như nghiên cứu luật học nói riêng trong tầm nhận thức và sự quan tâm của việc tiếp cận này; thảo luận và cung cấp tri thức nghiên cứu đa ngành, liên ngành đối với luật học, tiếp tục đẩy mạnh phương pháp nghiên cứu này trong hoạt động nghiên cứu của Viện Nhà nước và Pháp luật và công tác giảng dạy tại Học viện Khoa học xã hội. Diễn giả của Tọa đàm là GS.TS. Võ Khánh Vinh, người đi tiên phong trong tổ chức thực hiện phương pháp tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và đào tạo sau đại học về khoa học xã hội.

 

Trình bày về chủ đề này, GS.TS. Võ Khánh Vinh chia thành 3 phần chính:

-          Khái quát về các cách tiếp cận nghiên cứu và giảng dạy luật học ở nước ta hiện nay;

-          Tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy luật học;

-          Triển khai thực hiện tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu luật học ở nước ta hiện nay.

 

Về các cách tiếp cận trong nghiên cứu và giảng dạy luật học, ngoài cách tiếp cận thực định (thực chứng) mang tính truyền thống, độc lập, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, đang hình thành các cách tiếp cận mới dựa trên quyền, tiếp cận so sánh, tiếp cận xã hội học, triết học, chính trị học,… trong nghiên cứu và giảng dạy luật học nhưng còn khiêm tốn và chưa phổ biến.

 

Pháp luật và nhà nước là những hiện tượng, quá trình xã hội phong phú, phức tạp, đa phương diện do vậy cần có các cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu về các hiện tượng đó. Hơn nữa, nhu cầu hiểu biết hiện nay về pháp luật và nhà nước ngày càng tăng. Các nhà khoa học cần có hiểu biết sâu hơn, tổng thể hơn, khám phá bản chất, các quy luật vận động, sự tương tác của pháp luật với nhà nước và ngược lại; của pháp luật và nhà nước với các hiện tượng, quá trình khác trong xã hội,…

 

Ngoài ra, các nước trên thế giới đã và đang hình thành các cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy luật học như: tiếp cận xã hội học, triết học, chính trị học, so sánh, tâm lý học, kinh tế học, tiếp cận dựa trên quyền và các cách tiếp cận khác (văn hóa, các phương diện nghiên cứu mới trên thế giới,…)

 

Giới thiệu về tiếp cận luật học so sánh, GS.TS. Võ Khánh Vinh cho biết, đây là hướng nghiên cứu mới hình thành (tuy rằng chưa được rõ). Đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, hệ thống tri thức đã được hình thành cần được tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau: nghiên cứu ở cấp độ lý luận luật học so sánh chung, lý luận luật học so sánh chuyên ngành và ở cấp độ thấp hơn là so sánh chế định như chế định hợp đồng, chế định về quyền sở hữu,... Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc cần tập trung nghiên cứu luật học so sánh chuyên ngành, chẳng hạn như nghiên cứu luật học so sánh hình sự khi tình hình tội phạm về an ninh mạng, một dạng tội phạm mới, ngày càng gia tăng trên thế giới.  

 

Một hướng tiếp cận khác được GS.TS. Võ Khánh Vinh rất quan tâm là tiếp cận triết học pháp luật. Đối tượng nghiên cứu của cách tiếp cận này bao gồm:

- Lịch sử triết học pháp luật.

- Bản thể luận pháp luật: bản chất bản thể luận pháp luật; hiện thực pháp luật; pháp luật tự nhiên và pháp luật thực định; các hình thức tồn tại của pháp luật (tư tưởng pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, đời sống pháp luật).

- Nhân học pháp luật: bàn chất người và pháp luật; ý nghĩa triết học của quyền con người; cá nhân và pháp luật (bản chất nhân đạo của pháp luật).

- Giá trị học pháp luật: các giá trị và pháp luật; các giá trị trong pháp luật; pháp luật là một giá trị tổng hợp; các giá trị pháp luật (trách nhiệm pháp lý có phải là giá trị hay không?); tự do là một giá trị và pháp luật là một hình thức của tự do; công bằng là một giá trị pháp luật cơ bản.

 

Phương pháp luận của triết học pháp luật là: (i) tư duy pháp luật tự nhiên; (ii) các phương thức luận giải về pháp luật: chủ nghĩa khách quan, chủ nghĩa chủ quan, cái khách quan – chủ quan; (iii) các phương pháp triết học cụ thể: phản ánh và phản ánh vượt trước; cái lịch sử và cái logic; cái cụ thể và cái trừu tượng; hiện tượng và bản chất; nội dung và hình thức; cấu trúc và các yếu tố; cái riêng và cái chung; hiện thực và khả năng;…

 

Một hướng tiếp cận mới nữa là chính trị học pháp luật, tức là nghiên cứu pháp luật dưới phương diện chính trị học (ở nghĩa tương đối là chính sách pháp luật). Đối tượng nghiên cứu của cách tiếp cận này là lịch sử nghiên cứu chính sách pháp luật và những vấn đề lý luận chung về chính sách pháp luật: quan niệm về chính sách pháp luật; đời sống pháp luật – khách thể của chính sách pháp luật; các mục tiêu, các ưu tiên và các nguyên tắc của chính sách pháp luật; các phương tiện (công cụ) của chính sách pháp luật; các hình thức thực hiện chính sách pháp luật; các loại chính sách pháp luật.

 

 

Ngày nay, các nhà khoa học cần nghiên cứu chính sách pháp luật quốc gia, chính sách pháp luật của vùng, khối cũng như toàn cầu. TPP, WTO thể hiện chính sách pháp luật như thế nào? Việc nghiên cứu theo cách tiếp cận này để hình thành hệ thống lý luận về chính sách pháp luật. Đây là vấn đề hoàn toàn mới, có giá trị và cần phải đẩy mạnh nghiên cứu.

 

Để triển khai thực hiện tiếp cận liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu và giảng dạy luật học ở nước ta hiện nay, GS.TS. Võ Khánh Vinh đưa ra những đề xuất, cụ thể là:

- Hình thành đội ngũ cán bộ nghiên cứu và giảng dạy: xã hội học hóa các nhà luật học; triết học hóa các nhà luật học; chính trị hóa các nhà luật học; tâm lý học hóa các nhà luật học; kinh tế học hóa các nhà luật học; liên kết nghiên cứu giữa các nhà luật học với các nhà xã hội học, triết học, chính trị học, tâm lý học, kinh tế học.

- Hình thành các tổ chức (cấu trúc) nghiên cứu và giảng dạy tương ứng trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo luật học.

- Xây dựng hệ thống các đề tài nghiên cứu ở các cấp độ khác nhau mang tính chất liên ngành, đa ngành về nhà nước và pháp luật; các môn học tương ứng trong các cơ sở đào tạo luật học.

- Xây dựng hệ thống các đề tài luận án, luận văn mang tính đa ngành, liên ngành trong đào tạo luật học.

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo luật học.

- Kinh nghiệm thực tiễn.

 

Bình luận về phần diễn thuyết của GS.TS. Võ Khánh Vinh, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đồng ý với những quan điểm của GS.TS. Võ Khánh Vinh về việc tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu luật học là rất cần thiết. Ông cho rằng, các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ hiện nay đang thực hiện theo hướng tiếp cận đa ngành, liên ngành và việc áp dụng những phương pháp này mới có thể giúp các đề tài được hoàn thành và có giá trị khoa học. Việc tiếp cận đa ngành, liên ngành cũng sẽ mở rộng phạm vi cho các nghiên cứu sinh, học viên cao học dễ dàng lựa chọn đề tài. Tuy nhiên, để có thể áp dụng phương pháp này thì nhà nghiên cứu luật cần phải có kiến thức chuyên ngành vững, phải là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của mình. Từ đó, nhà luật học cần tìm hiểu thêm các ngành khác thông qua việc đọc sách, tài liệu,…

 

 

GS.TS. Võ Khánh Vinh cũng nhận định người có kiến thức sâu về chuyên ngành luật học thì càng cần phải có kiến thức về đa ngành, liên ngành. Đây là mối quan hệ biện chứng. Việc tiếp cận đa ngành, liên ngành là xu thế chung của thế giới vì thế chúng ta cần có nhận thức và đi theo nếu không sẽ tụt hậu.

 

Theo PGS.TS. Đỗ Phú Hải, liên ngành là tất cả các ngành liên thông với nhau để những nhà nghiên cứu có một kiến thức chung của các ngành để từ đó giải quyết một vấn đề cụ thể. Hơn nữa, việc nghiên cứu theo nhóm (team-work) ngày càng trở nên phổ biến, cách thức này sẽ giúp các nhà khoa học ở mỗi chuyên ngành có thể hỗ trợ nhau vì không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức về tất cả các ngành khoa học.   

 

ThS. Đinh Thế Hưng cho rằng phần trình bày của GS.TS. Võ Khánh Vinh được coi là phương pháp luận cho phương pháp nghiên cứu này. Để thực hiện được thì các nhà nghiên cứu cần liên kết với nhau. Theo ThS. Đinh Thế Hưng, bước đầu, các nhà luật học hãy liên kết, hợp tác với nhau theo các chuyên ngành cụ thể: luật dân sự, luật hình sự, luật kinh tế, luật quốc tế,…

 

Thay mặt cán bộ Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cám ơn GS.TS. Võ Khánh Vinh đã quan tâm, dành thời gian để chia sẻ những kinh nghiệm nghiên cứu quý báu, tâm huyết của mình. Đây thực sự là những kiến thức hữu ích, thiết thực để các nhà khoa học của Viện xác định những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu hiện nay.

 

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, GS.TS. Võ Khánh Vinh khẳng định trong thời gian tới hai bên sẽ tiếp tục tổ chức các sinh hoạt khoa học với hai chủ đề về xây dựng chính sách pháp luật Việt Nam và các xu hướng phát triển pháp luật trên thế giới hiện nay. Ông cũng mong muốn trong thời gian tới, các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật đưa ra các kết quả nghiên cứu theo hướng tiếp cận đa ngành, liên ngành vào hoạt động đào tạo để có thể lan tỏa đến nhiều người hơn nữa.