•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Đề tài cơ sở “Pháp luật về truyền thông ở Việt Nam”

24/09/2014
Chiều ngày 17/9/2014, các thành viên Đề tài cơ sở “Pháp luật về truyền thông ở Việt Nam” đã thực hiện buổi sinh hoạt khoa học với sự tham gia của các cán bộ nghiên cứu trong Viện.

Đề tài gồm có 2 chuyên đề:

Chuyên đề 1: Quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin: Những vấn đề lý luận và thực tiễn – ThS. Phạm Thị Hiền

Chuyên đề 2: Pháp luật về báo chí ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp – TS. Trần Văn Biên (Chủ nhiệm đề tài)

 

Phân tích về quyền tự do ngôn luận, báo chí và thông tin, ThS. Phạm Thị Hiền trích dẫn Điều 19 Công ước quốc tế về những quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc năm 1966. Điều này quy định: “Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia. Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý”.

 

Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, tại Điều 25. Ngoài đạo luật cơ bản này, quyền thông tin ở Việt Nam cũng được quy đinh chi tiết trong các đạo luật riêng là Luật Báo chí, Luật Xuất bản.

 

Về bản chất, quyền thông tin là một quyền cơ bản của con người. Theo thống kê có tới 90% số nước trên thế giới quy định về quyền này trong Hiến pháp. Tuy nhiên, chúng ta chưa ban hành luật riêng quy định về tiếp cận thông tin và quyền thông tin. Vì thế, để đảm bảo và bảo vệ quyền thông tin, Quốc hội cần đẩy mạnh việc thông quan Luật Tiếp cận thông tin cũng như sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập, không phù hợp với thực tế của Luật Báo chí.

 

Trao đổi về pháp luật về báo chí ở Việt Nam, TS. Trần Văn Biên cho biết Luật Báo chí năm 1989 (sửa đổi, bổ sung năm 1999) ra đời đã tạo hành lang pháp lý cho cơ quan báo chí hoạt động theo đúng định hướng của Đảng, quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thực hiện, Luật Báo chí đã và đang xuất hiện những vấn đề bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn hiện nay đặt ra. Đó là:

  • Văn bản quy phạm pháp luật về báo chí hiện nay quá nhiều. Trong khi đó, Luật Báo chí chỉ điều chỉnh ba loại hình báo chí gồm có: báo in, báo nói, báo hình. Các loại hình khác được điều chỉnh bởi các nghị định khác với khoảng 50 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Điều này dẫn đến sự tùy tiện trong việc thi hành luật;
  • Theo Luật Báo chí, Nhà nước cho phép một cơ quan báo chí chỉ thực hiện một loại hình báo chí. Nhưng thực tế lại khác, chẳng hạn như Đài Tiếng nói Việt Nam có 4 loại hình: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử;
  • Nhà nước cấp phép tràn lan các cơ quan báo chí mà không có sự quy hoạch. Hiện nay trên cả nước có trên 500 cơ quan báo chí, mỗi cơ quan báo chí có nhiều sản phẩm. Việc này gây ra lãng phí về nguồn lực, tăng gánh nặng cho ngân sách;
  • Vi phạm bản quyền tác giả, đặc biệt là lĩnh vực báo điện tử khi lấy, đăng lại tin bài mà không có sự cho phép của báo gốc. Một số trang không có giấy phép hoạt động báo chí nhưng vẫn tập hợp các bài viết từ các trang khác;
  • Mối quan hệ giữa báo chí và nhà quản lý. Nhà nước chưa thừa nhận báo chí tư nhân. Hoạt động báo chí ở Việt Nam vẫn được coi là thiếu cởi mở, gây ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân.

 

TS. Trần Văn Biên cũng cho rằng, Luật Báo chí hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động báo chí. Theo Điều 25 Hiến pháp năm 2013, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tuy nhiên, theo Luật Báo chí, Nhà nước là chủ thể ban hành quyền. Để tháo gỡ một số bất cập trên, TS. Trần Văn Biên đưa ra một số giải pháp:

  • Cần thay đổi khái niệm “cơ quan báo chí” trong Luật Báo chí và quy định rõ hơn trách nhiệm của Tổng biên tập;
  • Cần có quy định riêng về báo điện tử, bản quyền của báo điện tử;
  • Nên nghiên cứu về việc công nhận và cho phép báo chí tư nhân. Một số lĩnh vực của báo chí có thể xã hội hóa, tạo điều kiện cho tư nhân, những người trong ngành trực tiếp thực hiện.

 

Để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Báo chí sửa đổi trong năm 2015. Hy vọng dự thảo luật sẽ có những quy định mới nhằm tạo môi trường pháp lý để hoạt động báo chí phát triển.