20/05/2022
Lê Thánh Tông và triều đại của ông đã để lại những dấu ấn đặc sắc trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Đã có nhiều công trình nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau về nhân vật lịch sử đặc biệt này, nhưng vẫn cần có những nghiên cứu bổ sung về cuộc đời, sự nghiệp của ông và triều đại mà ông trị vì.
Lê Thánh Tông lên ngôi và trị vì đất nước suốt 37 năm (1460 - 1497), đây là giai đoạn lịch sử nước Đại Việt bước vào thời kỳ phát triển cực thịnh và được coi là thời kỳ hoàng kim của chế độ phong kiến Việt Nam, để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử nước nhà. Nhà nghiên cứu lịch sử cổ - trung đại Việt Nam Nguyễn Hải Kế nhận định: “Không nghi ngờ gì thời Lê Sơ mà tập trung là giai đoạn Lê Thánh Tông trị vì, chế độ phong kiến nhà nước quan liêu đã đạt tới sự ổn định, kỷ cương và thịnh trị thường vẫn được coi vào bậc nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam… Đương thời cũng như hậu thế, các sử gia phong kiến hay hiện đại đều có chung một đánh giá về sự ổn định và thành tựu của nhiều lĩnh vực trong giai đoạn Lê Thánh Tông”.
Sau giai đoạn Lê Thái Tổ khôi phục và xây dựng lại đất nước bị tàn phá qua nhiều năm chiến tranh, đến thời Lê Thánh Tông, ông đã thực hiện công cuộc cải cách toàn diện trên các lĩnh vực hành chính, kinh tế, luật pháp, quân sự, giáo dục và tôn giáo. Kết quả của công cuộc cải cách đó là đã xây dựng được một nhà nước quân chủ tập quyền quan liêu hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực mà các triều đại trước chưa thể thực hiện.
Về lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, công cuộc cải cách hành chính được thực hiện dưới thời Lê Thánh Tông bao gồm nhiều phương diện.
Với cải cách bộ máy nhà nước ở trung ương, từ 3 bộ là Lại Bộ, Lễ Bộ và Dân Bộ (tức Hộ Bộ) ở thời Lê Thái Tổ đến thời Lê Thánh Tông đã tổ chức thành lục bộ (6 bộ) là Lại Bộ, Lễ Bộ, Hộ Bộ, Binh Bộ, Hình Bộ và Công Bộ. Ngoài ra, ông cho bổ sung thêm lục tự để làm các công việc mà lục bộ chưa đảm đương hết, thành lập lục khoa để kiểm soát các công việc của lục bộ tương ứng.
Với cải cách hành chính ở địa phương, Lê Thánh Tông đã tiến hành xóa bỏ hệ thống tổ chức hành chính cũ thời Lê Thái Tổ từ 5 đạo đổi thành 13 đạo (thừa tuyên).
Với cải cách chế độ quan lại, ông giới hạn tuổi làm việc tối đa của các quan lại là 65, luật cha truyền con nối cho các gia đình có công (công thần) bị bãi bỏ, việc chọn quan phải thông qua khoa cử để chọn người có tài và đức, chế độ tuyển chọn sát hạch quan lại (khảo công) được thực hiện thường xuyên. Kết quả của công cuộc cải cách này đã nhanh chóng chấm dứt tình trạng chia rẽ trong triều đình, quyền lực nhà nước thuộc về tay chính quyền trung ương.
Về lĩnh vực pháp luật, dưới niên hiệu Hồng Đức thời Lê Thánh Tông trị vì, Bộ Quốc triều hình luật được hoàn thiện và được gọi với một tên gọi khác là Bộ luật Hồng Đức. Bộ luật này gồm 13 chương với 722 điều được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của Nho giáo nhằm xây dựng nhà nước phong kiến Đại Việt cường thịnh với truyền thống nhân nghĩa, lấy dân làm gốc.
Về lĩnh vực kinh tế, Lê Thánh Tông trực tiếp ban hành các chiếu chỉ nhằm phát triển kinh tế như: sửa đổi luật thuế khóa, điền địa, khuyến khích nông nghiệp, mở đồn điền. Các ngành nghề thủ công nghiệp và xây dựng thời kỳ này rất phát triển. Thương mại và giao dịch buôn bán với các lân ban có bước phát triển mới. Chính nhờ sự quan tâm phát triển công – thương nghiệp nên nông nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội phát triển mẽ.
Về lĩnh vực quân sự, Lê Thánh Tông quan tâm chỉnh đốn lại quân đội, đôn đốc và thực hiện các bước để tăng cường khả năng chiến đấu của 5 vệ quân, tích trữ lương thực, sản xuất vũ khí, canh phòng bảo vệ đất nước, xây dựng lực lượng quân đội chuyên nghiệp, tổ chức quân thường trực và lực lượng quân dự bị ở các địa phương.
Về lĩnh vực giáo dục, năm 1484, Lê Thánh Tông khởi xướng lập bia tiến sĩ lần đàu tiên ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám và đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài. Nhờ kết quả của chính sách giáo dục và đào tạo khoa cử thời Lê Thánh Tông, nhiều trạng nguyên, tiến sĩ đỗ đạt, thành danh, từ đó đã cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hệ thống quan lại trong bộ máy nhà nước.
Về lĩnh vực tôn giáo, bắt đầu từ dưới thời Lê Thánh Tông trị vì cho tới thời Hậu Lê, Phật giáo bị đẩy lui xuống hàng thứ yếu và trở về sinh hoạt ở các làng xa, trong khi đó Nho giáo lại được coi trọng và trở thành hệ tư tưởng chính trị chính thống, làm nền tảng tư tưởng chính trị - pháp lý cho việc xây dựng một nhà nước phong kiến tập quyền vững mạnh và phát triển.
Như vậy, có thể thấy rằng, lịch sử thời Lê Thánh Tông trị vì có một vị trí rất quan trọng trong tiến trình phát triển của Đất Việt. Nhà nghiên cứu lịch sử cổ - trung địa Việt Nam Vũ Minh Giang nhận xét: “Nước Đại Việt trong thời kỳ này là một trong những quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở khu vực Đông Nam Á, bờ cõi lãnh thổ mở rộng gần gấp rưỡi, đời sống của nhân dân được nâng lên, dự trữ quốc gia dồi dào”.
Khi nói đến Lê Thánh Tông, không thể không nói đến những tư tưởng, quan niệm của ông về nhà nước và pháp luật. Từ những tư tưởng và quan niệm đó đã tạo ra một thiết chế chính trị - pháp lý dưới triều đại của ông, góp phần quan trọng vào sự phát triển cực thịnh của xã hội Đại Việt đương thời. Thiết chế chính trị - pháp lý này đã trở thành mẫu mực để các triều đại phong kiến Đại Việt tiếp theo kế thừa, củng cố, xây dựng và phát triển nhà nước quân chủ quan liêu.
Có thể tóm tắt những tư tưởng, quan niệm của Lê Thánh Tông về nhà nước, pháp luật và thiết chế chính trị - pháp lý của triều đại ông như sau: (i) Chính quyền trung ương quản lý đất nước thông qua các bộ và các cơ quan chức năng, các bộ có quyền hạn lớn nhưng bị giám sát chặt chẽ và bị điều tiết bởi các cơ quan chức năng; (ii) Đội ngũ quan lại được đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, các quan lại cao cấp được trả lương bổng cao để liêm khiết và trung thành với chế độ quân chủ; (iii) Đề cao vai trò của pháp luật trong cai trị đất nước và quản lý xã hội; (iv) Thiết lập bộ máy quản lý hành chính đến cấp xã, hạn chế thiết chế tự quản làng xã; (v) Do quản lý được ruộng đất nên Nhà nước quân chủ có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ.
Những vấn đề nêu trên trong tư tưởng và trong thực tiễn trị nước của Lê Thánh Tông đã được nhiều ngành khoa học như triết học, sử học, chính trị học và khoa học về lịch sử nhà nước và pháp luật quan tâm nghiên cứu và có được nhiều kết quả đáng trân trọng. Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn rất cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu với cách tiếp cận liên ngành khoa học xã hội nhằm làm rõ thêm các giá trị lịch sử về xây dựng nhà nước và pháp luật của triều đại Lê Thánh Tông để chọn lọc kế thừa và phát triển sáng tạo trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở giai đoạn hiện nay.
Đổi mới toàn diện ở đất nước, trong đó có đổi mới hệ thống chính trị, cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền đang là một trong những nhiệm vụ cấp bách của sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ở giai đoạn hiện nay. Công cuộc đổi mới này là một công việc hết sức hệ trọng nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải được tiến hành với một tinh thần trách nhiệm rất cao và phải được đặt trên những cơ sở khoa học vững chắc. Một trong những cơ sở đó là phải hiểu thấu đáo những đặc điểm truyền thống dân tộc trong lịch sử, phải nắm chắc được những yếu tố thuộc về sức mạnh nội sinh, phải thấy được những điểm mạnh cũng như những hạn chế mà lịch sử để lại và tiếp tục gây ảnh hưởng trong hiện tại nhằm hình thành một định hướng đúng đắn để từ đó xây dựng một mô hình nhà nước pháp quyền phù hợp, vừa chứa đựng trong nó những di sản tốt đẹp của truyền thống dân tộc, vừa mang giá trị của thời đại.
Chính vì vậy, kế thừa những thành tựu nghiên cứu về nhà nước và pháp luật thời Lê Sơ nói chuung và triều đại Lê Thánh Tông nói riêng của các học giả đi trước, tiếp nối công trình “Thiết chế chính trị - pháp lý Việt Nam thời Lê Sơ (1428 - 1527)” mà tác giả đã công bố năm 2017, đề tài “Nhà nước và pháp luật dưới triều đại Lê Thánh Tông được hoàn thành và đây cũng chính là tên gọi của cuốn sách này.
Ngoài Lời nói đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung cuốn sách gồm 04 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Lê Thánh Tông và xã hội Việt Nam thế kỷ XV;
Chương 3: Vấn đề nhà nước – pháp luật trong tư tưởng và hành động của Lê Thánh Tông;
Chương 4: Vấn đề kế thừa các giá trị về xây dựng nhà nước và pháp luật của Lê Thánh Tông trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay.
Mặc dù đã rất cố gắng, song cuốn sách không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Rất mong nhận được những góp ý chân tình của bạn đọc!