•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Có được phép ủy quyền tiến hành tố tụng không?

24/02/2011
Tố tụng hình sự là hoạt động có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, quyền tự do, tài sản, danh dự, nhân phẩm của con người, vì vậy Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, từng chức danh tiến hành tố tụng. Mỗi cơ quan, mỗi chức danh chỉ được phép thực hiện các công việc trong phạm vi quyền hạn của mình mà không có quy định nào cho phép ủy quyền lại cho cơ quan, chức danh khác thực hiện thay (loại trừ việc ủy thác thực hiện ngoài địa giới hành chính). Tuy nhiên, trên thực tế có văn bản cho phép thực hiện việc ủy quyền tiến hành tố tụng.
Ngày 02/01/2008 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã ban hành Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC về Quy chế Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự. Theo Quy chế này: Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp tỉnh giữ chức vụ Trưởng phòng được thừa ủy quyền của Viện trưởng ký 57 loại văn bản tố tụng, Kiểm sát viên giữ chức vụ Phó Trưởng phòng cũng có quyền thừa ủy quyền của Viện trưởng ký 16 loại văn bản; Kiểm sát viên VKSNDTC giữ chức vụ Vụ trưởng được thừa ủy quyền của Viện trưởng ký 54 loại văn bản tố tụng, Kiểm sát viên giữ chức vụ Phó Vụ trưởng được thừa ủy quyền của Viện trưởng ký 25 loại văn bản thuộc thẩm quyền của Viện trưởng. Quy định như vậy có phù hợp với lý luận và thực tiễn hay không là vấn đề cần trao đổi.

Mọi hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước liên quan đến quyền lợi của người dân được quy định cụ thể và kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, một lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của con người nếu có sai lầm. Tùy thuộc vào tầm quan trọng của từng chức danh tố tụng mà pháp luật quy định cụ thể điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, thời gian công tác… mới được bổ nhiệm vào chức danh đó, đồng thời giao những nhiệm vụ, quyền hạn có tầm quan trọng tương xứng. Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 đã quy định rất cụ thể, rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Theo đó, những hoạt động tố tụng đặc biệt quan trọng ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tham gia tố tụng như: khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam, chuyển vụ án, phân công, thay đổi người tiến hành tố tụng… đều thuộc thẩm quyền của những chức danh quan trọng như Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện kiểm sát, Chánh án Tòa án, Hội đồng xét xử (một tập thể).

Viện kiểm sát là cơ quan vừa thực hành quyền công tố, vừa có chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tố tụng khác, do đó vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng đặc biệt quan trọng. Thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát thì Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và BLTTHS đều quy định đối với các hoạt động tố tụng quan trọng là thuộc thẩm quyền của Viện trưởng. Theo quy định tại Điều 36 BLTTHS thì ngay cả Phó Viện trưởng cũng chỉ được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng khi được Viện trưởng ủy nhiệm hoặc phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án hình sự. Còn Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, Vụ trưởng, Phó vụ trưởng chỉ là những chức vụ quản lý mà không phải là chức danh tố tụng theo quy định tại Điều 33 BLTTHS nên trong hoạt động tố tụng hình sự đơn thuần cũng chỉ là Kiểm sát viên. BLTTHS không có quy định cho phép Viện trưởng ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc Viện trưởng ủy quyền cho Kiểm sát viên thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình không phù hợp với quy định của BLTTHS và không đáp ứng yêu cầu về xu hướng xây dựng các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các quyền của cá nhân. Xin đơn cử, trong số những văn bản mà Kiểm sát viên giữ chức vụ Trưởng phòng, Vụ trưởng được quyền ký theo ủy quyền của Viện trưởng có quyết định gia hạn tạm giam để truy tố. Quyết định gia hạn tạm giam bản chất là lệnh tạm giam thêm, việc kéo dài thêm thời hạn tạm giam nếu có sai lầm thì còn nghiêm trọng hơn việc tạm giam trước đó, thế nhưng Kiểm sát viên lại có quyền ký quyết định này.

Vấn đề đặt ra là, VKSNDTC có quy định cho phép Kiểm sát viên ký các văn bản tố tụng thuộc thẩm quyền của Viện trưởng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, thì theo logic đó, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an có quyền quy định cho phép Thẩm phán, Điều tra viên được ký các văn bản tố tụng thuộc thẩm quyền của Chánh án, của Thủ trưởng Cơ quan điều tra không? Nếu như vậy sẽ không tránh khỏi việc lộn xộn, thuận ai nấy làm trong việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, dẫn đến tạo nguy cơ làm nảy sinh việc lạm dụng quyền hạn trong hoạt động tố tụng hình sự.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)