•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sáng ngày 28.11.2013, Quốc hội thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

30/11/2013
* QH thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ 97,59% tổng số ĐBQH tán thành * Thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với tỷ lệ 100% tổng số ĐBQH tán thành Hiến pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014
Sáng 28.11, dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, QH đã biểu quyết thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Phiên họp được truyền hình và phát thanh trực tiếp.
QH đã nghe Phó chủ tịch QH, Phó chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
 
 
Với tỷ lệ 97,59% tổng số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
 
Với tỷ lệ 98,59% tổng số ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Nghị quyết nêu rõ: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2014. QH và các cơ quan của QH khóa XIII tiếp tục hoạt động cho đến khi QH Khóa XIV họp Kỳ thứ Nhất. Chủ tịch Nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục hoạt động cho đến khi QH Khóa XIV bầu ra các cơ quan mới theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi). HĐND, UBND tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐND, UBND được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi). Các cơ quan nhà nước quy định tại khoản 1, Điều 2 của Nghị quyết thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi), kể từ ngày Hiến pháp có hiệu lực. Những công việc đang được cơ quan nhà nước giải quyết theo quy định của Hiến pháp năm 1992 mà thẩm quyền này được giao cho cơ quan nhà nước khác thực hiện theo quy định của Hiến pháp (sửa đổi) thì phải chuyển giao cho cơ quan nhà nước đó để tiếp tục giải quyết, kể từ ngày Hiến pháp này có hiệu lực. Các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác được ban hành trước ngày Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực phải được rà soát lại để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới phù hợp với Hiến pháp này. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và ban hành mới Luật Tổ chức chính quyền địa phương phải được trình QH xem xét, thông qua chậm nhất là vào Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2015). 
 
Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
 
Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
 
Các ĐBQH tán thành với việc xây dựng, ban hành Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú tại nước ta.
 
Tuy nhiên do việc quản lý lao động là người nước ngoài hiện còn một số hạn chế, nên nhiều ĐBQH cho rằng, cần quy định chặt chẽ hơn giá trị thị thực đối với người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta vì mục tiêu lao động. Dự thảo Luật cần quy định rõ người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam phải có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của nước ta cấp trước khi xem xét thị thực, không cho phép chuyển đổi mục đích xuất nhập cảnh gây nhiều hiện tượng phức tạp hiện nay. Trong việc cấp thị thực, thẻ tạm trú và gia hạn tạm trú, ĐB Nguyễn Thị Phương Đào (Bến Tre) cho rằng, cần quy định rõ quyền, nghĩa vụ của nước ngoài khi nhập cảnh vào nước ta; quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh. Đồng thời, không cho phép công ty du lịch bảo lãnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta để lao động; quy định thống nhất điều kiện, thời hạn tạm trú để thống nhất với quy định của Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên Huế) đề nghị, ban soạn thảo cần giải trình rõ hơn về quy định cho phép miễn thị thực theo nghị quyết của QH, trong khi Chính phủ đang quyết định miễn thị thực cho người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. Để tạo điều kiện thuận lợi cho QH khi ban hành nghị quyết về vấn đề này, ĐB Hà Huy Thông cũng cho rằng, cần đánh giá việc nước ta đơn phương miễn thị thực cho một số quốc gia hiện nay đang đặt ra vấn đề gì về pháp lý, chính trị, an ninh, đối ngoai, lãnh sự, du lịch, tài chính... và các giải pháp trong thời gian tới.
 
Đây là thời khắc lịch sử quan trọng, mỗi vị đại biểu Quốc hội của chúng ta thực hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân để thay mặt toàn dân quyết định thông qua bản Hiến pháp này, thể hiện ý Đảng, lòng dân.
 
đây là biểu hiện tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... trước lịch sử và vận mệnh đất nước.
 
NGUYỄN SINH HÙNG