•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

UBTVQH thảo luận dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng dân sự

17/02/2011
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ Luật tố tụng dân sự lần này sẽ khắc phục được những hạn chế của Bộ luật hiện hành khi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nhưng vẫn tôn trọng quyền tự quyết của đương sự.
aChiều 16/2, dưới sự chủ tọa của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật tố tụng dân sự hiện đang còn ý kiến khác nhau.

Đây là Bộ luật quy định về trình tự, thủ tục giải quyết một vụ án dân sự đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua.

“Việc dân sự cốt ở hai bên”

Theo các đại biểu, việc sửa đổi bổ sung Bộ Luật tố tụng dân sự lần này sẽ khắc phục được những hạn chế của Bộ luật hiện hành đang nổi lên nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân như thời hiệu kháng nghị bản án dân

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của
Quốc hội
Lê Thị Thu Ba - Ảnh: Chinhphu.vn
           sự của cơ quan có thẩm quyền, đề nghị kháng nghị bản án của đương sự; sự tham gia của Viện Kiểm sát vào quá trình giải quyết vụ án dân sự; cơ chế giải quyết lại các quyết định cuối cùng của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi phát hiện sai nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân; thẩm quyền của Tòa án đối với các quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khi xét xử…

Đây cũng chính là những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến nhằm hoàn thiện trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới.

Tán thành với giải trình của UBTVQH về quy định Viện Kiểm sát tham gia vào quá trình tố tụng của phiên tòa dân sự sơ thẩm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, sự tham gia của Viện Kiểm sát làm tăng thêm tính khách quan, đúng đắn của vụ án, thực hiện đúng chức năng của ngành kiểm sát trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật chứ không can thiệp vào nội dung giải quyết vụ án.

“Khi Viện kiểm sát tham gia vào các vụ án dân sự sơ thẩm, kiểm sát viên phải luôn tôn trọng nguyên tắc cao nhất của tố tụng dân sự là "việc dân sự cốt ở hai bên", không được làm hạn chế quyền tự định đoạt của đương sự”, Phó Viện trưởng Lê Hữu Thể nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Từ Văn Nhũ, thay mặt cơ quan soạn thảo cho rằng, sự tham gia của Viện Kiểm sát tại các phiên tòa sơ thẩm không làm xấu đi tình hình giải quyết vụ án.

Tòa án có quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức

Về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Hữu Thể nhất trí với phương án của UBTVQH là trong quá trình xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền tuyên hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi ích của đương sự.

“Nếu tòa án chỉ có quyền kiến nghị hủy bỏ quyết định trái pháp luật thì phải dừng việc giải quyết vụ án và chờ cơ quan, tổ chức khác tuyên hủy sau đó mới giải quyết tiếp đã gây trở ngại cho xét xử và không kịp thời bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự”, ông Thuận nêu vấn đề.

Về cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng hoặc có chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án, nhiều đại biểu cho rằng đây thực sự là cơ chế “mở” nhằm bảo đảm quyền lợi ích của nhân dân.

Theo Bộ Luật tố tụng dân sự hiện hành, không có bất kỳ cơ chế nào để xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, kể cả trong trường hợp sau đó phát hiện sai lầm nghiêm trọng gây bức xúc trong nhân dân bởi đây là quyết định cao nhất, “điểm dừng” cuối cùng của các cấp xét xử.

“Lâu nay các cơ quan tố tụng Trung ương và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đành bó tay trước các vụ án mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã “quyết” nhưng sau đó phát hiện sai sót nghiêm trọng. Vì thế, đây là hướng giải quyết cần thiết hiện nay”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng nhất trí với quy định về thời hiệu đề nghị kháng nghị bản án của đương sự là 1 năm, của cơ quan có thẩm quyền là 3 năm.
(Nguồn: http://Chinhphu.vn)