•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Vương mắc trong triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

28/02/2011
Sau 1 năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại các Bộ ngành, địa phương đã có nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn, từ cơ chế tổ chức, bộ máy quản lý công tác bồi thường, cán bộ chuyên trách và cả văn bản hướng dẫn...Đây chính là những rào cản thực thi luật trong cuộc sống kịp thời, có hiệu quả.
Thiếu người, thiếu biên chế

Theo Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp có nhiệm vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Song đến thời điểm này chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về tổ chức, bộ máy, biên chế nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thực thi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tại các địa phương tùy tình hình về biên chế, tài chính, mức độ cụ thể... công việc này được phân cho các phòng, ban... dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Chẳng hạn trao cho Phòng Xây dựng, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật hay Thanh tra Sở hoặc Phòng Bổ trợ tư pháp. Đặc biệt hơn, ở cấp quận, huyện như huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh thì giao nhiệm vụ này cho Phòng Tài chính - Kế hoạch; Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh thì giao cho Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nội vụ; Quận Tân Bình – Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Nội vụ; Quận 9 lại giao cho Toà án nhân dân phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh. Điều đáng lưu tâm hơn một số địa phương thì hiện nay ở cấp huyện vẫn chưa giao cho cơ quan, đơn vị nào trực thuộc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường (Bắc Kạn).

Phó giám đốc Sở Tư pháp Yên Bái Đinh Xuân Cường chia sẻ hiện nay cán bộ tư pháp được trao thêm rất nhiều công việc mới, nhưng biên chế thì đã bị đóng cứng trong nhiều năm. Thực tế là biên chế hàng năm của Sở Tư pháp do UBNB tỉnh quản lý, giao quyền nhưng không cho người thì chúng tôi cũng không biết xoay xở như thế nào hay; không thể rút biên chế từ phòng này sang phòng khác được, vì mỗi phòng mỗi việc, nghiệp vụ khác nhau.

Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Đoàn Thị Tân Hương cho hay, tính đến thời điểm này tỉnh Hà Giang chưa có trường hợp nào có đơn gửi lên cơ quan chức năng, song hiện Sở Tư pháp cũng chưa biết bố trí biết cơ cấu, tổ chức biên chế như thế nào.

Thực tế này đã dẫn đến tình trạng nhân sự được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường chủ yếu làm công tác kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm giải quyết vụ việc. Đồng thời, đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường tại một số địa phương cũng không biết lấy nhân sự ở đâu, "ghép"vào phòng, ban nào là hợp lý .

Phải chờ văn bản hướng dẫn

Trên thực tế, số lượng đơn từ yêu cầu giải quyết đòi bồi thường thiệt hại của người dân đối với các cơ quan quản lý nhà nước, toà án, thi hành án không phải là nhỏ và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng, cấp phép...

Nhưng nhiều quy định hiện hành của luật TNBTNN chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống, nhiều vấn đề cụ thể về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa được đề cập rõ ràng… Hiện này, mới chỉ có 1/6 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Luật được ban hành. Cụ thể là mới ban hành được Thông tư liên tịch số 19/TTLT- BTP-BTC-TTCP ngày 26.11.2010 hướng dẫn trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính; còn 5 thông tư còn lại thì đang được soạn thảo (Thông tư  liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự - hành chính; Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự; Thông tư liên tịch hướng dẫn giải quyết bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự; Thông tư liên tịch hướng dẫn việc lập sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước). Đó là chưa bàn đến rất nhiều lĩnh vực khác nảy sinh mà chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của các Bộ, ngành chẳng hạn như theo dõi giám sát, thanh tra kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bồi thường của nhà nước...

Cần thành lập đơn vị chuyên trách

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định thực tiễn thi hành Luật đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác giải quyết bồi thường. Việc QH vừa thông qua Luật Tố tụng hành chính, theo đó, mở rộng thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính của Toà án, cũng như xử lý các vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, đặt ra yêu cầu ngày một cao đối với việc giải quyết bồi thường do khả năng phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước trên cơ sở phán quyết của Toà án về xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Thực tế này cho thấy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ giải quyết bồi thường cho các cán bộ phụ trách công tác này là một nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa bảo đảm tính khả thi của luật và kỷ cương của hoạt động giải quyết bồi thường thuộc trách nhiệm của Nhà nước.

Hiện Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp và kiện toàn tổ chức của Sở Tư pháp để giúp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Dự kiến ở Trung ương có đơn vị chuyên trách (tương đương cấp Cục, Vụ, Viện) nhằm bảo đảm tính tập trung, chuyên sâu và đủ năng lực để tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong phạm vi cả nước; ở địa phương, cụ thể là ở mỗi Sở Tư pháp, bổ sung 2 biên chế chuyên trách vào đầu mối Phòng chuyên môn chịu trách nhiệm thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật để tham mưu giúp Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường và tổ chức thi hành Luật trên thực tế.

Trên cơ sở việc Đề án được phê duyệt, qua đó thành lập đơn vị chuyên trách thuộc Bộ Tư pháp, bảo đảm về biên chế cho các Sở Tư pháp sẽ bảo đảm điều kiện thiết yếu để giúp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường.

Tuy nhiên, bên cạnh việc hình thành một đội ngũ chuyên trách về công tác này cần đẩy nhanh việc soạn thảo các thông tư hướng dẫn, trước mắt là 5 thông tư nêu trên. Đồng thời tiếp tục cập nhật những vấn đề nảy sinh từ thực tế để tiếp tục có kế hoạch xây dựng những văn bản hướng dẫn để Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước thực sự là cơ sở pháp lý khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; khẳng định chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
(Nguồn: http://daibieunhandan.vn)