Tham gia Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, TS. Phạm Thị Thúy Nga – Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, PGS.TS. Nguyễn Như Phát, TS. Nguyễn Văn Phương – Đại học Luật Hà Nội, các thành viên Đề tài và các nhà khoa học của Viện Nhà nước và Pháp luật.
PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Chủ nhiệm Đề tài
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị đưa ra khái niệm cơ bản về biến đổi khí hậu, nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng này đến con người. Theo đó, biến đổi khí hậu là hiện tượng toàn cầu do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác. Biểu hiện của hiện tượng này là sự nóng lên của trái đất nóng dần lên, mực nước biển dâng cao do băng tan, dẫn tới ngập úng ở các vùng đất thấp, các đảo nhỏ trên biển, sự thay đổi năng suất sinh học của các hệ sinh thái, chất lượng và thành phần của thuỷ quyển, sinh quyển, các địa quyển.
Những minh chứng cho các vấn đề này được biểu hiện qua hàng loạt tác động cực đoan của khí hậu trong thời gian gần đây như những trận lũ lụt ở Nam Á, châu Phi và Mexico. Ở Việt Nam, các tỉnh Nam Trung Bộ vừa qua phải đối mặt với những đợt hạn hán nghiêm trọng dẫn tới những trận cháy rừng, sa mạc hóa. Những trận bão lớn vừa xảy ra tại một số nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản,... có nguyên nhân từ hiện tượng trái đất ấm lên trong nhiều thập kỷ qua. Những dữ liệu thu được qua vệ tinh từng năm cho thấy số lượng các trận bão không thay đổi, nhưng số trận bão, lốc cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đã tăng lên, đặc biệt ở Bắc Mỹ, tây nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, bắc Đại Tây Dương.
Biến đối khí hậu còn kéo theo sự thay đổi của thời tiết, ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng, sản xuất nông, lâm, công nghiệp và nuôi trồng, đánh bắt thủy - hải sản, an ninh năng lượng, du lịch, sức khỏe con người, tài nguyên nước,…. Đặc biệt là sự xuất hiện của dịch bệnh và khan hiếm về lương thực, nước ngọt. Dự báo, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu trong những năm tới.
Bàn về chính sách pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, ông cho rằng chính sách pháp luật được hiểu là đường lối, định hướng, thái độ của Nhà nước về ứng phó biến đối khí hậu được cụ thể hóa qua các giải pháp, biện pháp, kế hoạch đề ra để ứng phó với biến đối khí hậu ở Việt Nam. Hiện nay, theo PGS.TS. Phạm Hữu Nghị, nội dung của chính sách pháp luật về vấn đề này có 4 dạng chính:
-
Trực tiếp ứng phó biến đối khí hậu: chưa xứng tầm, khó thực hiện, chủ yếu là văn bản dưới luật mang tính chất chỉ đạo (nghị quyết, quyết định, chỉ thị,…).
-
Thích ứng với biến đối khí hậu: xây dựng theo kiểu lồng ghép với các lĩnh vực tài nguyên nước, thủy lợi, nông nghiệp, y tế, kinh doanh du lịch, đa dạng sinh học.
-
Giảm nhẹ biến đối khí hậu: chính sách pháp luật về công nghiệp, giao thông, lâm nghiệp,... Đây là những ngành ảnh hưởng lớn đến môi trường, khí hậu.
-
Hỗ trợ ứng phó với biến đối khí hậu.
Từ những phân tích tổng quát mang tính định hướng nêu trên, PGS.TS. Phạm Hữu Nghị - Chủ nhiệm Đề tài góp ý các thành viên cần xem lại các chuyên đề của mình thuộc vào dạng chính sách pháp luật nào để từ đó triển khai cho đúng với yêu cầu, mục đích mà Đề tài đề ra. Ông cũng đưa ra một số gợi mở để hội thảo cùng thảo luận:
- Có nên luật hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây ra biến đối khí hậu?
- Việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương với địa phương trong ứng phó biến đối khí hậu;
- Việc phân công, phối hợp giữa các bộ, ngành trong ứng phó biến đối khí hậu;
- Chính sách pháp luật của quốc gia và của từng vùng, từng tỉnh;
Bình luận về 4 dạng chính sách pháp luật trên, ThS. Đỗ Đình Lương cho rằng Nhà nước cần chú trọng xây dựng và thực thi những chính sách pháp luật nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Với tốc độ thải khí nhà kính hiện nay, các mối hiểm họa trở nên đáng sợ hơn, khó kiểm soát hơn và các biện pháp để đối phó sẽ chỉ có hiệu quả ở mức độ nhất định. Các chính sách thích ứng biến đối khí hậu phải đa dạng với nhiều lĩnh vực, chia sẻ lợi ích và huy động cộng đồng cùng tham gia. Nhà nước cũng cần sớm xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về ứng phó biến đối khí hậu.
Hội thảo cũng lắng nghe chuyên đề của TS. Nguyễn Văn Phương (Đại học Luật Hà Nội), “Các thiết chế về ứng phó biến đối khí hậu ở Việt Nam”. Ông tiếp cận vấn đề này từ hai hướng:
- Thiết chế từ trên xuống: Ý chí của Nhà nước, chính quyền thông qua việc ban hành chính sách pháp luật để áp đặt cho người dân, cộng đồng.
- Thiết chế từ dưới lên: Là hành động của cộng đồng, doanh nghiệp. Khi những hậu quả, tác hại của biến đối khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, sinh kế, chính người dân tự thấy mình cần phải hành động để tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, hiện nay chính sách pháp luật của Nhà nước không tạo điều kiện hoặc hỗ trợ, giúp đỡ để người dân, cộng đồng thực hiện các giải pháp của mình.
Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Như Phát phát biểu: Ở Việt Nam, có một vấn đề nội tại là phát triển kinh tế chưa đi liền với phát triển bền vững. Nền kinh tế tận dụng tối đa tài nguyên thiên nhiên. Chính sách phát triển của chúng ta làm cho tác động của biến đối khí hậu trở nên trầm trọng hơn. Vấn đề biến đối khí hậu ngoài yếu tố khách quan thì tác động của con người là nguyên nhân chính. Đề tài cần tiếp cận theo hướng phát triển con người. Biến đối khí hậu liên quan đến nhiều bộ, ngành nên việc quản lý chưa có sự đồng bộ. Vì thế cần có một thiết chế liên ngành chuyên biệt. Trách nhiệm ứng phó biến đối khí hậu không chỉ là quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam.
Hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đối khí hậu không giống và khó khăn hơn so với hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác. Thông thường, mục đích của việc hợp tác là hai bên cùng có lợi. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế trong ứng phó biến đối khí hậu có đặc thù riêng, vì mỗi quốc gia, mỗi khu vực có sự ưu đãi do thiên nhiên tạo ra là khác nhau. Để có thể đáp ứng mục đích thì bắt buộc các bên phải đánh đổi.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh (bìa phải)
Bình luận về chủ đề này, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng đây là một Đề tài mang tính thời sự trong bối cảnh Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) đang diễn ra. Việt Nam đã có một số công trình nghiên cứu về chủ đề này tuy nhiên cách tiếp cận từ chính sách pháp luật thì chưa. Ông góp ý Đề tài cần nghiên cứu việc xây dựng chính sách an sinh xã hội như thế nào để thích ứng với tình trạng này. Các chuyên đề cần chỉ rõ, đánh giá xem những chính sách pháp luật hiện nay đã hợp lý chưa? Từ đó, Đề tài đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về ứng phó biến đối khí hậu.