•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Sinh hoạt khoa học Đề tài cơ sở “Những vấn đề lý luận pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”

03/10/2018
Tọa đàm diễn ra ngày 21/9/2018 tại Hội trường. Đề tài cơ sở do ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga là chủ nhiệm. TS. Bùi Đức Hiển là thành viên của đề tài.

ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga (bìa trái)

 

Chuyên đề đầu tiên do ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga trình bày, “Sự cố tràn dầu trên biển và sự cần thiết ứng phó với sự cố tràn dầu trên biển”. Theo thống kê của Hiệp hội các chủ hàng chở dầu quốc tế, từ năm 2005 đến năm 2014, trong số 39 quốc gia thì Việt Nam là một trong ba quốc gia (cùng với Trung Quốc và Mỹ) có sự cố tràn dầu nhiều nhất với trên 10 vụ. Năm 2007, hàm lượng dầu ở khu vực biển ven bờ tăng lên đột biến do vụ tràn dầu không rõ nguồn gốc phát hiện vào tháng 2/2007 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến 20/28 tỉnh thành ven biển, với lượng dầu vớt được là 1,7 nghìn tấn, ước tính thiệt hại trên 200 tỷ đồng.

 

Dựa trên tài liệu, thông tin đã thu thập, chuyên đề nêu ra khái niệm cơ bản về dầu, biển, đại dương, sự cố, tràn dầu; từ đó, tác giả đưa ra khái niệm sự cố tràn dầu trên biển (SCTDTB) là hiện tượng dầu từ các phương tiện chứa, vận chuyển khác nhau, từ các công trình và các mỏ dầu thoát ra ngoài môi trường tự nhiên do sự cố kỹ thuật, thiên tai hoặc do con người gây ra.

 

Tác giả cũng đã phân loại sự cố tràn dầu, phân tích mức độ ảnh hưởng và đối tượng bị ảnh hưởng của SCTDTB.

 

Tiếp theo, ThS. Nguyễn Thị Bảo Nga đã phân tích về sự cần thiết ứng phó với SCTDTB. Trong đó, tác giả cho rằng, dầu tràn gây ô nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như gây thiệt hại về kinh tế ở các lĩnh vực như du lịch, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Sự cố tràn dầu gây ảnh hưởng nhiều mặt đến môi trường nước và phải mất nhiều thời gian mới có thể phục hồi nếu không có sự phòng ngừa và ứng cứu kịp thời của các cơ quan, đơn vị và của các cấp chính quyền. Đây cũng được coi là vấn đề môi trường xuyên biên giới. Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường biển và nguồn tài nguyên biển trước những mối đe dọa từ SCTDTB, cần thiết phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố và hậu quả tràn dầu trên biển.

 

TS. Bùi Đức Hiển trình bày chuyên đề thứ hai

 

Chuyên đề thứ hai của đề tài là “Lý luận pháp luật về ứng phó sự cố tràn dầu trên biển” do TS. Bùi Đức Hiển trình bày. Tác giả đã phân tích cụ thể nội dung pháp luật về ứng phó SCTDTB. Trong đó, chủ thể tham gia vào việc ứng phó sự cố là Nhà nước, chủ tàu và cộng đồng. Đề tài đã làm rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể. Sau khi xác định nội dung pháp luật về ứng phó SCTDTB, TS. Bùi Đức Hiển đã chỉ ra những yêu cầu đặc thù trong xây dựng pháp luật về ứng phó SCTDTB:

  • Đảm bảo tính dự báo và cảnh báo;
  • Đảm bảo tính phòng ngừa rủi ro phát sinh;
  • Đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời;
  • Đảm bảo tính liên kết, hợp tác giữa các quốc gia;
  • Xây dựng các khu vực ưu tiên với vùng biển có đa dạng sinh học cao.

Chuyên đề cũng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng và nguồn pháp luật về ứng phó SCTDTB.

 

PGS.TS. Lê Mai Thanh (giữa) bình luận

 

Bình luận tại tọa đàm, PGS.TS. Lê Mai Thanh cho rằng, cách nhận diện và xử lý khi tràn dầu trên biển khác rất nhiều với hiện tượng tương tự xảy ra trên đất liền. Vì thế, đề tài cần làm rõ đặc điểm này dựa trên căn cứ từ pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Đề tài cũng cần phân nhóm nguyên nhân gây tràn dầu là chủ ý hay bất khả kháng (sự cố từ thiên nhiên) để làm rõ căn cứ pháp lý và trách nhiệm của Nhà nước.

 

Để có thêm thông tin, TS. Phạm Thị Hương Lan cho biết đề tài nên tham khảo Quyết định số 02/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/1/2013 về quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu.

 

Trao đổi về quy định của pháp luật quốc tế, ThS. Nguyễn Tiến Đức cho biết, khi phát hiện SCTDTB, mỗi quốc gia có nghĩa vụ nhanh chóng thông báo cho các quốc gia lân cận cũng như liên kết, hợp tác trong xử lý sự cố.