•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội

05/03/2015
Một trong những đổi mới lớn trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội được quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đó là từng bước đưa ra các biện pháp thay thế xử lý hình sự. Đây là chính sách mới thể hiện rõ hơn tính nhân đạo, đề cao mục đích cải tạo người chưa thành niên phạm tội ở nước ta. Song, có nên đưa vấn đề này vào trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) hay không vẫn là băn khoăn của nhiều chuyên gia.

Đưa vào trong dự thảo

Tại Hội thảo góp ý Dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản vừa tổ chức ngày 3.2, các chuyên gia cho biết, tư pháp đối với người chưa thành niên là vấn đề phức tạp và xử lý người chưa thành niên phạm tội đòi hỏi phải có đầy đủ trình tự, thủ tục cần thiết, do vậy dự thảo cần có quy định cụ thể về vấn đề này.

 

Theo chuyên gia Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Lê Thị Hòa, biện pháp xử lý thay thế hình sự thực chất là biện pháp xử lý chuyển hướng song không sử dụng thuật ngữ xử lý chuyển hướng để bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Bởi biện pháp xử lý chuyển hướng đã được ghi nhận trong Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 với 2 biện pháp chủ yếu nhắc nhở, giám sát lại gia đình và hòa giải tại cộng đồng. 

 

Mặc dù vậy, biện pháp xử lý thay thế hình sự không phải bây giờ mới được đề cập tới mà đã được ghi nhận trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2009) theo khoản 2 Điều 69. Theo đó, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu người đó phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Trên cơ sở thực tiễn, nếu xét thấy người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án; giao người chưa thành niên cho gia đình để giám sát, giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần người chưa thành niên phạm tội đều bị phạt tù mà ít áp dụng các biện pháp xử lý thay thế hình sự do thiếu điều kiện cũng như trình tự thủ tục áp dụng quy định này.

 

Mặt khác, theo nguyên tắc của pháp luật hiện hành, việc xem xét xử lý người chưa thành niên phạm tội đều áp dụng biện pháp hình sự trước sau đó mới xét tới những biện pháp tư pháp hoặc xử lý thay thế hình sự. Do vậy, để việc thực hiện biện pháp này được rõ ràng hơn, bảo đảm quyền và nghĩa vụ đối với người chưa thành niên phạm tội, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về biện pháp thay thế hình sự với 3 biện pháp xử lý chuyển hướng là khiển trách, hòa giải tại cộng đồng, giao cho gia đình hoặc cơ quan tổ chức giám sát, giáo dục. Một trong những điểm mới thể hiện tính chặt chẽ bảo đảm thực hiện các biện pháp, dự thảo cũng đưa ra điều kiện áp dụng cũng như nghĩa vụ của người chưa thành niên phạm tội, thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ là trong bao lâu đối với mỗi biện pháp.

 

Thiếu cơ sở áp dụng

Theo các chuyên gia Bộ Tư pháp Nhật Bản, những quy định này trong dự thảo đã thể hiện rõ xu hướng nêu cao lợi ích của người chưa thành niên và biện pháp giáo dục, cải tạo. Những nội dung mới cũng phù hợp với quy định của công ước quốc tế về quyền trẻ em theo hướng xử lý không chỉ căn cứ tính chất mức độ của tội phạm mà còn xét nhân thân của họ. Do vậy, để áp dụng có hiệu quả cần xem xét nhiều khía cạnh, khả năng người đó có tái phạm lần nữa hay không dựa trên căn cứ về tính cách cũng như môi trường sống. Song, nếu không có thủ tục tố tụng thực hiện thì những quy định này chỉ mang tính hình thức. Vì vậy, để áp dụng được, Bộ luật Tố tụng Hình sự cũng cần phải có những quy định sửa đổi, bổ sung về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự.

 

Nhiều chuyên gia cũng băn khoăn đặt câu hỏi, biện pháp giáo dục xử lý theo dõi giám hộ có loại bỏ được khả năng tái phạm hay không? Nếu trong trường hợp người chưa thành niên sau khi áp dụng các biện pháp này mà vẫn tái phạm tội thì có bị xử lý nặng hơn? Rõ ràng, về vấn đề này có hai phương án lựa chọn, nếu đứng trên quan điểm của trẻ vị thành niên thì có thể không áp dụng biện pháp xử phạt nặng hơn song sẽ rất khó thể hiện ý nghĩa giáo dục, cải tạo. Trong trường hợp áp dụng hình phạt nặng hơn sẽ có quan điểm cho rằng, nó trái với quy tắc bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên. Dường như, ban soạn thảo chưa tính tới những khả năng đó.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, Ở Nhật Bản Tòa án Gia đình có trách nhiệm trong việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, không sử dụng tố tụng tư pháp mà chỉ thẩm xét. Ở Việt Nam chưa có Tòa án Gia đình nên nếu thực hiện chuyển hướng ngay trong quy định của Bộ luật Hình sự sẽ mất đi ý nghĩa của nó. Việc giao cho cơ quan điều tra, xem xét chuyển hướng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào trình tự tố tụng, thế nhưng dự thảo cũng chưa đưa ra căn cứ, điều kiện cụ thể và giới hạn độ tuổi được áp dụng biện pháp này.

 

Có khả thi hay không?

Theo ông Nguyễn Mai Bộ - Phó chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có quy định về vấn đề này, nếu lại được quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ gây ra khó khăn cho cơ quan tiến hành điều tra, truy tố xét xử khi phải xác định trường hợp nào sẽ phải chuyển hướng, trường hợp nào thì tiếp tục truy tố. Đồng thời, việc quy định biện pháp thay thế này trong Bộ Luật hình sự sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng, mặc dù thực chất chỉ là quyết định xử phạt hành chính nhưng khi xem xét trường hợp tái phạm, Tòa sẽ coi người đó đã có tiền sự.

 

Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ khó bảo đảm tính hiệu quả trong giáo dục, phòng ngừa người chưa thành niên tái phạm tội. Muốn áp dụng phải có môi trường đạo đức lành mạnh trong khi thực tế hiện nay cho thấy, đạo đức đối với trẻ vị thành niên vẫn là vấn đề đặt ra cho toàn xã hội. Chưa kể, biện pháp chịu trách nhiệm giám sát từ phía gia đình cũng không khả thi bởi phần lớn trẻ vị thành niên phạm tội thường do gia đình buông lỏng quản lý hoặc đã thoát ly khỏi sự giáo dục của chính quyền địa phương. Nếu trả ngược lại chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.

 

Pgs.Ts Dương Tuyết Miên - Giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, quy định về xử lý chuyển hướng trong dự thảo quá mở, đơn cử như cho phép áp dụng biện pháp giám sát giáo dục tại gia đình đối với cả tội rất nghiêm trọng. Trong trường hợp trẻ em đường phố, lang thang cơ nhỡ hay vô gia cư thì giám sát như thế nào cũng là câu hỏi cần được giải đáp. Nếu quy định như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và tiêu cực cũng từ đó mà phát sinh. 

 

Có lẽ đã tới lúc cần có Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên để kết nối quy định từ hành chính tới hình sự, bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phạm tội theo đúng trình tự, thủ tục, không chồng chéo hay mâu thuẫn trong quá trình áp dụng.

(Theo http://daibieunhandan.vn)