•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí: Nhiều nhưng vẫn thiếu

18/06/2015
Theo GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Luật Báo chí và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí hiện hành dù đã bao quát được khá đầy đủ các nội dung quản lý nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được quy định hoặc quy định thiếu cụ thể, cần bổ sung.

 

Được quy định trong quá nhiều văn bản

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có tới 50 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong lĩnh vực này, chưa kể các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương và VBQPPL, văn bản chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hầu hết các VBQPPL về báo chí đều đã được kiểm nghiệm qua thực tế áp dụng, nay có thể xem xét để hợp nhất vào Luật Báo chí, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà quản lý, nhà báo và người dân theo dõi và thi hành pháp luật.

 

Văn bản có thời gian kiểm nghiệm thực tế lâu nhất, tới gần 20 năm, là Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được ban hành theo Thông tư liên bộ số 84-TTLB-BVHTT-BNG ngày 31.12.1996 và được thay thế bằng Nghị định 88/2012/NĐ-CP ngày 23.10.2012 với nội dung tương tự. Các quy định này nên được đưa thành một bộ phận của Luật Báo chí, vì chỉ trừ quy định phóng viên nước ngoài phải có giấy phép hoạt động thông tin - báo chí và thẻ phóng viên nước ngoài do Bộ Ngoại giao cấp, quyền tác nghiệp của phóng viên nước ngoài về cơ bản không khác so với nhà báo Việt Nam. Trong quan hệ quốc tế thời hội nhập, chúng ta không nên giữ mãi tình trạng phân biệt nhà báo Việt Nam, nhà báo nước ngoài bằng những VBQPPL khác nhau. 

 

Ngoài Quy chế quản lý hoạt động thông tin, báo chí của phóng viên nước ngoài, các cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các VBQPPL khác trong lĩnh vực báo chí - thông tin - internet cũng đã được ít nhiều kiểm nghiệm trong thực tế. Theo tôi, cũng đã đến lúc hợp nhất những quy định đó vào Luật Báo chí.

 

Báo chí khó tiếp cận thông tin

Để thực hiện quy định về nhiệm vụ và quyền của báo chí tại Điều 6 Luật Báo chí, đặc biệt là “thông tin trung thực về tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân”, “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”, báo chí phải được quyền tiếp cận thông tin một cách kịp thời, đầy đủ và chính xác. Từ quy định có tính nguyên tắc của Luật, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (theo Quyết định số 77/2007/QĐ-TTg ngày 28.5.2007). Theo Quy chế này, cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí, đồng thời, “người phát ngôn có trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí trong các trường hợp […] xảy ra vụ việc cần có ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là hai (02) ngày, kể từ khi vụ việc xảy ra […]; khi cơ quan báo chí hoặc cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí có yêu cầu phát ngôn hoặc cung cấp thông tin về các sự kiện, vấn đề của cơ quan, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan được nêu trên báo chí. (Điều 4 Quy chế).

 

Tuy nhiên, thực tế, việc báo chí tiếp cận thông tin, tiếp cận với người phát ngôn thường gặp nhiều khó khăn. Trước hết, người phát ngôn có thể lấy lý do những điều báo chí hỏi là “vấn đề thuộc bí mật Nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn phát ngôn” hoặc là “văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến, lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội” (khoản 3, Điều 5) để từ chối phát ngôn hoặc cung cấp thông tin. Thứ hai, người phát ngôn thường là thủ trưởng cơ quan hoặc giữ trọng trách trong cơ quan nên bận họp, đi công tác, báo chí tiếp cận không dễ. Không hiếm trường hợp người phát ngôn chỉ nắm được những thông tin chung chung nên cũng không giúp làm sáng tỏ sự việc được bao nhiêu. Những người am hiểu sự việc không dám phát ngôn hoặc cung cấp thông tin cho báo chí vì sợ trách nhiệm được quy định rất nghiêm khắc tại khoản 4, Điều 2.

 

Cần bổ sung nhiều quy định cụ thể

Luật Báo chí và VBQPPL về báo chí hiện hành dù đã bao quát được khá đầy đủ các nội dung quản lý nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được quy định hoặc quy định thiếu cụ thể, cần được bổ sung. Trước hết, cần bổ sung những quy định liên quan đến tổ chức báo chí như hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập cơ quan báo chí; thủ tục giải thể cơ quan báo chí; hoạt động xã hội của cơ quan báo chí. Thứ hai, cần bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có chức vụ trả lời trên báo chí về các vấn đề báo chí nêu và trả lời đơn, thư của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, tránh tình trạng để nhiều vụ việc rơi vào im lặng. Thứ ba, bổ sung những quy định liên quan đến báo điện tử. Báo điện tử không xuất bản theo số mà cập nhật tin, bài đến từng phút; khi phát hiện sai sót, có thể chỉnh sửa hoặc tự gỡ bỏ từng phần, thậm chí gỡ bỏ cả bài. Do vậy, rất khó xác định bản nào được coi là bản gốc để lưu chiểu, lưu trữ cũng như khó có căn cứ để khởi kiện hoặc buộc cải chính khi báo có sai phạm. Một đặc điểm đáng chú ý nữa của báo điện tử là khả năng tương tác tức thời với độc giả. Báo có thể nhận được ngay ý kiến phản hồi đối với từng bài báo hoặc tổ chức các diễn đàn trực tuyến, thu hút công chúng tham gia, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian. Bản thân các báo điện tử cũng luôn có nguy cơ bị kẻ xấu chèn thông tin không lành mạnh, ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo và gây nhiễu loạn thông tin. Đây là những điểm cần chú ý điều chỉnh trong luật. Thứ tư, Luật Báo chí cần bổ sung quy định về văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí cho đầy đủ hơn. Thứ năm là bổ sung quy định về quan hệ quốc tế trong hoạt động của báo chí Việt Nam.

 

Sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là sự phát triển có tính chất bước ngoặt của công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi Luật Báo chí phải được sửa đổi một cách căn bản. Việc chậm sửa đổi Luật Báo chí trong lúc Luật Báo chí hiện hành và việc thi hành Luật bộc lộ nhiều bất cập một mặt có thể gây trở ngại cho sự phát triển của báo chí và công tác quản lý báo chí, mặt khác sẽ dẫn đến tình trạng một số quy định trong Luật mất tác dụng điều chỉnh thực tế, làm giảm tính tôn nghiêm của pháp luật.

 

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Khóa XIII cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Mười (tháng 10.2015) và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một (tháng 3.2016).

 

(Theo http://daibieunhandan.vn)