•  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
  •  
     
LIÊN KẾT WEBSITE

Làm rõ các phạm trù phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục

24/08/2012
Cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh, hầu hết các Ủy viên UBTVQH đều tán thành việc cần thiết phải ban hành luật nhằm tạo hành lang pháp lý để thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ việc giáo dục quốc phòng, an ninh, trang bị kiến thức cần thiết cho các đối tượng khác nhau trong nhân dân. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm rõ các phạm trù phổ biến, bồi dưỡng và giáo dục…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Tham vọng của luật rất lớn…
 
Tôi thấy luật đặt tham vọng rất lớn, diện rất rộng và cũng đưa ra những kỷ luật rất ngặt nghèo như nếu trường hợp nào trốn không học giáo dục quốc phòng thì hành vi đó xử lý giống như trốn nghĩa vụ quân sự. Theo tôi có lẽ nên tính phương pháp giáo dục an ninh quốc phòng như thế nào? Nếu có cách nào đó để việc học, việc nghiên cứu đi vào lòng dân, từ kinh nghiệm của các cuộc kháng chiến cũng không có ai hướng dẫn kiến thức quốc phòng, như kháng chiến chống Pháp, nhưng thông qua công tác tuyên truyền, học tập, hỏi bất cứ một người dân nào cũng biết cuộc kháng chiến chống Pháp có 3 giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, cầm cự, tổng phản công. Chúng tôi là học sinh phổ thông qua các trường lớp, qua các môn học, qua lịch sử đều biết nhiệm vụ an ninh quốc phòng như thế nào. Với cách đặt vấn đề ở đây tôi có cảm giác có lẽ chúng ta hơi hành chính trong chuyện học tập này, nếu không sẽ không thành công. Người ta có câu: "Cám ơn trường hành chính công. Học thì nhiều đấy nhưng không hiểu gì". Cho nên phương pháp học, dạy như thế nào tôi thấy đồng tình với ý kiến là kết hợp học tập với tuyên truyền bằng các hình thức phong phú sẽ dễ đi vào lòng người hơn là trường lớp bắt buộc. Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng cần học tập bắt buộc nhưng nếu đưa ra rộng như thế này thì tính khả thi không cao. Tôi đề nghị nên tính toán, rà lại cho đầy đủ hơn, nhất là Điều 5, Điều 6.

Điều 29, ghi như thế này thì dựa vào sau này để lập ngân sách nhưng khi đọc kỹ thấy rất nhiều khoản phải chi, ví dụ phải có trung tâm bồi dưỡng kiến thức. Chúng ta có rất nhiều trung tâm rồi, nào là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị, trung tâm dạy nghề, bây giờ lại thêm một trung tâm nữa, không biết trung tâm này là ở cấp nào, cấp tỉnh hay cấp huyện. Đầu tư cho nó như thế nào, xây dựng ra làm sao. Nếu cứ theo hướng này thậm chí đối với các doanh nghiệp yêu cầu là phải có một khoản chi phí thì chi phí này sẽ như thế nào, các doanh nghiệp có chịu được không, thậm chí chi phí đối với doanh nghiệp nước ngoài như thế nào. Trong luật chưa chỉ ra, 1 năm kinh phí về ngân sách và chi phí về việc này là bao nhiêu, tác động như thế nào, bao nhiêu tiền. Rất nhiều luật chúng ta thông qua nhưng cứ thông qua, ưu tiên như thế này, khuyến khích như thế kia nhưng hỏi phải chi bao nhiêu tiền, liệu chúng ta thực hiện nghiêm tất cả các luật này thì ngân sách nhà nước có chịu được không? Tôi đề nghị phải rà soát lại và có những tác động rất đầy đủ thì mới có điều kiện để thông qua luật này ở các góc độ khác nhau, trong đó có vấn đề của Luật ngân sách và vấn đề liên quan đến kinh phí để thực hiện luật.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Cân nhắc tên luật phù hợp với phạm vi điều chỉnh
 
Trong luật đưa ra 3 phạm trù. Phạm trù thứ nhất là phổ biến, phạm trù thứ hai là bồi dưỡng, phạm trù thứ ba là giáo dục. Ba phạm trù này có mức độ khác nhau, do đó theo tôi nên làm rõ 3 phạm trù này, làm rõ được 3 phạm trù này thì lúc ấy mới áp dụng được đối tượng nào với phạm trù nào. Theo đó tên luật cũng phải phù hợp với đối tượng và phạm trù đang nghiên cứu ở đây.

Luật này là giáo dục quốc phòng, an ninh thì phạm trù là cấp độ phổ biến toàn dân, mọi người tất cả cùng được bồi dưỡng. Khi đã có phần kiến thức nhất định, cơ bản nào đấy thì bồi dưỡng nâng cấp, giáo dục mang tính chất chính quy trong nhà trường. Về tên luật, tôi đề nghị cân nhắc sao phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tên luật có thể là Luật Phổ biến giáo dục pháp luật thì cũng bao hàm tương tự như vậy.

Thứ hai, về kết cấu, bố cục của các chương. Chương I tôi thấy chung như các luật, nhưng từ Chương II, III, IV thì Chương II là Giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường; tên của Chương III là Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh; Chương thứ IV là Phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh toàn dân. Tên thứ nhất là trong nhà trường thì theo lôgic sẽ có cái ngoài nhà trường. Chương III là bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh chỉ nói chung mà không rõ được phạm vi sử dụng. Chương IV có phạm vi toàn dân, toàn xã hội. Do đó, tôi đề nghị các chương này phải có logic nhất định.

Về tên của các nội dung ở Điều 2, Điều 10 và Điều 14. Điều 2 tên là Mục tiêu giáo dục quốc phòng, an ninh. Nói như vậy có nghĩa đã bao trùm hết tất cả. Đến Điều 10, lại cụ thể hơn một lần là :"Mục tiêu giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường". Đến Điều 14, lại nêu thêm: "Mục tiêu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh". Như vậy, liên quan đến mục tiêu của dự thảo luật này ban đầu nêu mục tiêu giáo dục quốc phòng, an ninh, sau đó đến từng phần một có 3 chương nói về 3 phạm trù, nhưng 2 chương là Chương II và Chương IV lại một lần nữa nói mục tiêu, còn Chương III không có. Theo tôi nghĩ, mục tiêu này nên bao trùm ở đầu hoặc không chỉ có ở 3 chương tiếp theo…
 
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi: Tùy hoàn cảnh cụ thể, thực hiện theo hướng từng bước để đạt được mục tiêu
 
Việc ban hành Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý để thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ việc giáo dục quốc phòng, an ninh, trang bị những kiến thức cần thiết cho các đối tượng khác nhau trong nhân dân.

Trước hết, giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường, trong Điều 10 khi trình bày mục tiêu giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường, có lẽ cần biên tập lại một số nội dung cho phù hợp. Tôi ví dụ: Giáo dục quốc phòng, an ninh trong nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mục tiêu là dạy, học và trang bị kiến thức còn dạy và học chỉ là phương tiện để chúng ta làm cái đó thôi, không thể tính đó là mục tiêu. Hai, ở đây nói trang bị kiến thức nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển. Theo tôi dùng câu có vẻ không phù hợp lắm. Nếu không hiểu có khi lại nghĩ mình có ý đồ gì đó. Dạy học để tác động, để góp phần hình thành nhân cách là rất chính xác, chứ tác động thì có thể hiểu một động cơ khác.

Thứ hai, ở các điều còn lại, ví dụ Điều 12 đều sử dụng một số thuật ngữ theo tôi có thể nó không phù hợp trong các nhà trường nói chung. Ví dụ, đều quy định là Bộ GD - ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ như Quốc phòng, Công an quy định chương trình nội dung, thời lượng môn học. Thường trong nhà trường chỉ nói chương trình, nội dung thế là đủ, vì bản thân quy định chương trình đã phải có các môn học gì, có bao nhiêu thời gian chứ không phải quy định tùy tiện. Tôi nghĩ chỗ này nói chương trình, nội dung là đủ không cần thời lượng. Nếu nói thời lượng thì phải nói cụ thể nhiều thứ. Tương tự như vậy, ví dụ quy định chương trình, nội dung, việc tổ chức dạy học và đánh giá kết quả học tập. Nếu nói cụ thể như thế thì lại không đủ. Chúng ta nói "và tổ chức thực hiện chương trình", chương trình mà chúng ta vừa nói thế là đủ. Nếu chỉ nói dạy học, kiểm tra đánh giá thì việc quản lý, chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện giảng dạy thế nào? Tôi đề nghị cũng dùng một thuật ngữ, thuật ngữ này dùng trong Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục, tức là tổ chức thực hiện chương trình đào tạo hoặc thực hiện nội dung chương trình.

Về việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh đối với các đối tượng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, tôi ủng hộ ý kiến của Chính phủ. Việc bồi dưỡng, phổ biến là cần thiết và tiến đến việc thực hiện bồi dưỡng cho các đối tượng này công bằng với các đối tượng trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, cũng tùy hoàn cảnh cụ thể hiện nay mà thực hiện theo hướng từng bước để đạt được mục tiêu đó và có thể lựa chọn một số đối tượng cụ thể để thực hiện bồi dưỡng, còn lại chúng ta thực hiện phổ biến.

Đối với bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các chức sắc, nhà tu hành, các tôn giáo, tôi cũng ủng hộ, việc này là việc cần thiết nhưng đây là đối tượng đặc biệt nên theo tôi phải có một chương trình riêng, đặc biệt phù hợp với đối tượng.
 
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Nên khai thác thiết chế là các trung tâm học tập cộng đồng
 
Điều 16 về việc bồi dưỡng quốc phòng cho đối tượng trong các doanh nghiệp và nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tôi nghĩ rằng đối với đơn vị tư nhân tập trung chủ yếu vẫn là “ông” giám đốc là chủ doanh nghiệp, nên tôi đề nghị tập trung đối tượng chủ doanh nghiệp, không nên ghi thêm đối tượng là đại diện hay ủy quyền của doanh nghiệp vì vị trí này không có thẩm quyền quyết định. Trong này quy định trong trường hợp tổ chức bộ máy quản lý nghiệp vụ, tổ chức chính trị..., tôi nghĩ phân cấp theo loại doanh nghiệp, loại lớn, loại vừa, loại nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ như doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề có thể giao cho huyện làm còn vừa là tỉnh, lớn thì trung ương như tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì có thể giao cho các cơ quan trên bộ chỉ đạo bồi dưỡng. Phân theo các cấp hạng như thế theo tôi cũng rất dễ trong quá trình chỉ đạo bồi dưỡng.

Điều 17 về bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho các chức sắc nhà tu hành, tôn giáo, tôi nghĩ nếu chúng ta “quét” như thế này thì rất rộng và khó khả thi, tôi đề nghị phân theo 2 cấp. Đối với việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, có thể tập trung ở đối tượng chức sắc giúp việc thì gọn hơn, vừa qua chúng ta cũng làm việc đó. Nếu ghi một câu là bồi dưỡng cả giới tu hành thì không chắc có thể làm được vì thực chất rất rộng cho nên tôi đề nghị quy định bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho chức sắc giúp việc; phổ biến kiến thức quốc phòng cho đối tượng tu hành. Chia ra 2 cấp như vậy tôi nghĩ sẽ khả thi hơn.

Điều 19 về nội dung, hình thức phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh toàn dân, tôi nghĩ chữ "toàn dân" là rất rộng, nên khai thác thiết chế đối với các trung tâm học tập cộng đồng. Ở mỗi một xã, một phường có một trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm này có tác dụng rất lớn, cần gì học nấy. Chúng ta chỉ cần đưa kiến thức này, đưa giáo trình này và có một chút kinh phí xuống cho trung tâm thì độ phổ biến rất rộng, đối tượng rất rộng.

(Theo http://daibieunhandan.vn)